Những chiến sĩ Việt Nam tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc

Thứ Bảy, 09/05/2015, 09:54
Vào ngày này 70 năm về trước, trước sự chứng kiến của đại diện các nước Đồng minh (trong đó có Liên Xô), các đại diện toàn quyền được uỷ nhiệm của nước Đức Quốc xã ký vào biên bản xác nhận họ đầu hàng không điều kiện. Đây chính là cột mốc không thể phai mờ trong lịch sử nhân loại về sự chiến thắng của phẩm giá và lương tri con người trước những thế lực dân tộc cực đoan tàn bạo.

Để giành được chiến thắng này, quân và dân Xô Viết đã trải qua những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh với những chiến công hiển hách, trong đó, không thể không nhắc đến trận đánh bảo vệ thủ đô Moskva. Và trong chiến công đi vào lịch sử này, có sự đóng góp xương máu của những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Tham gia Hồng quân đánh đuổi phát xít

3h30 ngày 22/6/1941, không tuyên chiến và cũng không đưa ra một yêu sách gì, phát xít Đức bất ngờ mở cuộc tấn công trên khắp biên giới phía Tây của Liên Xô từ Biển Đen đến biển Ban Tích, chà đạp thô bạo lên Hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức kí kết năm 1939. Bốn ngày sau đó, Lữ đoàn mô tô cơ động đặc nhiệm, đi vào lịch sử với tên gọi OMSBON, được thành lập và được phân công trấn giữ một khu vực bố phòng của thủ đô Moskva. 

Theo hồi ký của Chính ủy OMSBON Ivan Vinarov, trong Lữ đoàn này, có 6 chiến sĩ Việt Nam khi ấy đang ở Moskva, cũng tình nguyện gia nhập Hồng quân. Ngày 7/11/1941, các chiến sĩ Việt Nam cùng các đồng đội của mình đã có mặt tại Quảng trường Đỏ tham dự Lễ duyệt binh lịch sử của quân đội Xô Viết nhân kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng tháng Mười. Ngay sau cuộc duyệt binh, các quân nhân vừa đều bước trên Quảng trường Đỏ lập tức trở về vị trí chiến đấu. Và chẳng bao lâu sau đó, quân đội Liên Xô chuyển sang thế phản công, đánh bật quân Đức Quốc xã khỏi cửa ngõ Moskva. 

Lữ đoàn OMSBON. Ảnh: redarmy.

Ông Aleksandr Kazitsky - Chủ tịch Hội đồng Cựu chiến binh OMSBON trong những năm 80 – nhớ lại ông đã nhiều lần gặp gỡ những chiến sĩ người Việt khi đang hành quân hay trên chiến hào nơi tiền tuyến. Ông đã nhìn thấy họ bắn rất trúng đích vào quân thù. Ông tin chắc rằng, đó là những con người dũng cảm. Những chiến sĩ người Việt nói tiếng Nga rất thạo và thích hát những bài ca Nga. 

Ông Aleksandr Kazitsky nhớ rằng, các chiến sĩ tình nguyện này đã cùng với các đồng đội Nga chia sẻ mọi khó khăn gian khổ ngoài mặt trận. Đầu năm 1942, bốn người trong số các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh một cách anh dũng.

Việc các chiến sĩ Việt Nam tới Nga, rồi tham gia Hồng quân là xuất phát từ sáng kiến của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Ngày 10/7/1926, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đến Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản bản báo cáo tổng kết về công tác cá nhân ở Trung Quốc, trong đó ghi rằng đã tập hợp được ở Quảng Đông một nhóm thiếu niên Việt Nam ưu tú. 12 ngày sau, Người đề nghị Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản giúp đỡ gửi mấy thiếu niên Việt từ Quảng Đông sang Moskva, “để các em được đón nhận ở đó nền học vấn tuyệt hảo”. 

Ngày hôm sau, 23/7/1926, Người viết một bức thư khác cũng theo ý này nhưng chi tiết hơn để gửi tới lãnh đạo tổ chức thiếu nhi Liên Xô. Trong thư có đoạn: “Chỗ chúng tôi có nhóm thiếu niên Việt Nam, tuổi từ 12 đến 17. Các em đều còn nhỏ, nhưng đã chịu nhiều thử thách. Ở Việt Nam, các em không được học tập. Để bí mật tới được Trung Quốc, các em đã phải xa cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh của các em đã bị tù đày vì dám cho con đi ra nước ngoài. Khi được nghe kể về nước Nga, các em đều thấy mình may mắn và thỉnh cầu gửi các em đến đất nước của các đồng chí để được sống và học tập với các đồng chí. Chúng tôi hy vọng rằng, các đồng chí sẽ không từ chối nhận một số trẻ em Việt Nam sang học ở Nga”.

Những người con ưu tú của đất Việt

Theo nhà Việt Nam học người Nga A.A.Sokolov, vào nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, có hai người Nga đã khởi xướng việc tìm kiếm các chiến sĩ quốc tế người Việt Nam tham gia bảo vệ Moskva. Đó là nhà báo, nhà sử học E.V.Kobelev và nhà báo N.N.Solnsev (khi đó là lãnh đạo Ban tiếng Việt Đài Tiếng nói Moskva – Radio Moscow, cơ quan tiền thân của Đài tiếng nói nước Nga). 

Nhờ sự nỗ lực của Ban biên tập tiếng Việt Đài phát thanh nước Nga thông qua cuộc thi “Tìm kiếm quốc tế” tổ chức trên Đài, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Hội hữu nghị Việt-Xô, Xô-Việt mà dần dần, danh tính của 4 trong 6 chiến sĩ Hồng quân người Việt đã sáng tỏ. Đó là các chiến sĩ Vương Thúc Tình, Lý Anh Tạo, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất. Trong số họ, 3 chiến sĩ Hồng quân Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đã anh dũng hi sinh trong trận chiến với phát xít Đức ở cửa ngõ thủ đô Moskva vào tháng 12/1941. 

Ngoài ra, nhóm tìm kiếm cũng đã xác định được danh tính ông Lý Phú San, người không tham gia chiến đấu mà làm công tác hậu cần tại quân y viện Moskva ngay trong những ngày thủ đô Liên Xô bị quân Đức bao vây. 

Ngày 12/12/1986, theo Sắc lệnh của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, Nhà nước Liên Xô đã truy tặng Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Phú San Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất. Huân chương này ghi nhận “lòng dũng cảm thể hiện trong các trận chiến đấu chống bọn xâm lược Đức phát xít để bảo vệ Moskva” của các chiến sĩ. Ngoài ra, họ còn được truy tặng Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng.

Chiến sĩ Vương Thúc Tình, còn có tên khác là Vương Thúc Liên và Vương Sĩ, sinh ở tổng Kim Liên, năm 1925 gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. 

Về cái chết của Vương Thúc Tình có giả thuyết rằng, cũng giống như hàng loạt những nhà cách mạng của các nước châu Á lúc đó đang bị Nhật chiếm đóng, theo quyết định của ban lãnh đạo Liên Xô, sau khi đánh tan quân Đức ở ngoại ô Moskva, Vương Thúc Tình được cử về nước hoạt động. Nhiệm vụ được giao phó là thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng ở nước mình để làm suy yếu quân Nhật. Nhưng trên đường dài trở về Tổ quốc, hồi cuối năm 1942, Vương Thúc Tình đã bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết. 

Lý Anh Tạo là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho chiến sĩ Hoàng Anh Tô. Ông sinh năm 1912 tại thôn Hoàng Trù, tổng Kim Liên. Cha ông, ông Hoàng Hinh, mất sớm. Hoàng Anh Tô được nuôi dạy trong gia đình người chú là ông Hoàng Xuân Tống. Năm 12 tuổi, Lý Anh Tạo được làm quen với công tác Cách mạng. 

Người thứ ba là ông Nguyễn Sinh Thân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Lý Nam Thanh, sinh năm 1908 tại làng Sen, tổng Kim Liên. Cha của ông là ông Nguyễn Sinh Ly, đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp. Anh cả của Lý Nam Thanh là Nguyễn Sinh Diễn, từng là Phó bí thư Tỉnh ủy bí mật Nghệ An, tích cực tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

Lý Thúc Chất là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911 cũng ở tổng Kim Liên. Cha của ông tên là Vương Thúc Đàm, Huyện ủy viên Nam Đàn, năm 1930 bị thực dân Pháp bắt tù chung thân. Lý Thúc Chất còn em trai út là Vương Thúc Sâm sinh năm 1920. Theo hồi tưởng của ông Sâm, vào khoảng năm 1938 hoặc 1939 gia đình có nhận được một lá thư của Lý Thúc Chất và đoán rằng ông đang ở nước Nga xa xôi vì lá thư được gửi đi từ đó.

Nhờ vào các thông tin phản hồi nhận được từ nhiều phía, đến tháng 12-2014, nhà báo Aleksey Syunnerberg (Đài tiếng nói nước Nga) đã chính thức công bố thêm danh tính hai chiến sĩ Hồng quân người Việt còn lại, đó là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Việc xác định danh tính của các Hồng quân gốc Việt là vô cùng quan trọng. Nhờ đó, hàng triệu người Việt có thể tìm hiểu thêm về những người con xuất sắc của dân tộc mình. Công việc này cũng phản ánh tình cảm anh em của nhân dân hai nước Nga - Việt, và là sự tôn vinh của nước Nga đối với những người nước ngoài đã cùng nhân dân Nga chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít. Công việc này là cơ sở cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước chúng ta”.
Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.