Indonesia: Từ thảm họa thiên nhiên đến vụ rơi máy bay lịch sử

Thứ Hai, 24/12/2018, 10:40
Thảm họa sóng thần đổ ập vào khu vực bãi biển quanh Eo biển Sunda tối 22-12 là thảm họa mới nhất ghi nhận được tại Indonesia, đất nước nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương vốn đang phải oằn mình hứng chịu vô vàn đau thương sau những sự cố và thảm họa liên tiếp xảy ra trong năm 2018.


Động đất tại Lombok

Lombok hoang tàn sau 3 trận động đất liên tiếp. Ảnh: Reuters

Lombok, hòn đảo xinh đẹp của Indonesia hóa hoang tàn sau 3 trận động đất diễn ra lần lượt vào các ngày 29-7, 5-8 và 9-8. Kể về thảm họa này, Afirin Hadi, phát ngôn viên Hội chữ thập đỏ Indonesia cho biết: "Một số ngôi làng chúng tôi ghé thăm bị phá huỷ gần như hoàn toàn, tất cả các ngôi nhà đều sụp đổ, đường bị nứt và các cây cầu đã gãy''.

Loạt động đất và dư chấn mạnh diễn ra từ cuối tháng 7 kéo dài sang tháng 8 khiến hơn 500 người thiệt mạng và gần 1.500 người bị thương. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Khoảng 430.000 người dân, tương dương 10% dân số Lombok lâm vào tình cảnh vô gia cư. 

Chính quyền Indonesia ước tính thiệt hại do các trận động đất xảy ra liên tiếp chỉ trong một tháng trên đảo Lombok có thể lên tới hơn 350 triệu USD.

Lật thuyền tại Sulawesi và Sumatra

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong đêm tại hồ Toba. Ảnh: Reuters

Tàu KM Sinar Bangun gặp nạn vào chiều 18-6 khi đang trên hành trình từ Samosir, một hòn đảo ở giữa hồ Toba, tới thị trấn Parapat, phía bắc đảo Sumatra.  

Giới chức Indonesia xác nhận đã có 3 người thiệt mạng trong vụ việc, 21 người đã được cứu sống, còn 164 người đã mất tích trong đó bao gồm cả trẻ em. Đây là một trong những thảm họa đường thủy nghiêm trọng nhất trong lịch sử Indonesia. 

Cảnh sát Indonesia sau đó đã bắt giữ thuyền trưởng có tên Tua Sagala của chiếc tàu bị chìm tại hồ Toba, Bắc Sumatra. Ông là một trong số những người được giải cứu khỏi chiếc tàu trước khi bị lật. 

Con tàu bằng gỗ kiểu truyền thống của ông Tua Sagala được cho là hoạt động trái phép, không có giấy kê khai cũng như không có vé hành khách. Chiếc tàu chỉ được phép chở 43 hành khách, song theo ước tính, khi tai nạn xảy ra, con tàu đã chở quá tải tới 4-5 lần khả năng thiết kế. 

Sau hai tuần nỗ lực tiến hành hoạt động tìm kiếm cứu hộ, hôm 3-7, lực lượng cứu hộ của Indonesia đã dừng tìm kiếm những người mất tích trong vụ chìm tàu trên.

Hình ảnh tại hiện trường vụ lật phà ở Sulawesi. Ảnh: Twitter

Chưa đầy một tháng sau, cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia của Indonesia cho biết một chiến dịch tìm kiếm cứu hộ đang được gấp rút tiến hành sau khi một phà chở 139 hành khách bị lật ngoài khơi bờ biển đảo Sulawesi miền Trung nước này ngày 3-7.

Giới chức Indonesia cho biết ít nhất 34 người đã thiệt mạng trong vụ lật phà, trong đó có 2 trẻ em. Tổng số người có mặt trên phà rơi vào khoảng 164 người bao gồm cả nhân viên phục vụ và lái tàu. 130 người đã được cứu sống sau thảm họa đường thủy kinh hoàng này. 

Thảm họa kép động đất, sóng thần tại Sulawesi

 Khung cảnh đổ nát tại thành phố Palu sau thảm họa kép động đất-sóng thần ngày 28-9. Ảnh: AP

Chiều 28-9, tỉnh Sulawesi của Indonesia đã liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh 6,1 độ Richter và 7,5 độ Richter, làm rung chuyển cả khu vực. Các trận động đất này đã gây ra sóng thần gây thương vong cực lớn, phá hủy nhiều nhà cửa, công trình xây dựng trong khu vực. 

Động đất liên tiếp đã gây ra sóng thần tàn phá khu vực đảo Sulawesi, làm phần lớn Palu và các thị trấn khác chìm trong đổ nát. Các khu vực bị tàn phá nặng nề nhất thuộc Balaroa và Petobo, thành phố Palu và thị trấn Dongala, tỉnh Sulawesi.

Khoảng 170 cơn dư chấn đã xảy ra, cản trở nỗ lực cứu hộ của lực lượng chức năng. Giao thông bị gián đoạn đã khiến việc vận chuyển các thiết bị cứu hộ hạng nặng kéo dài đến vài ngày, buộc lực lượng cứu hộ phải tìm kiếm bằng tay tại nhiều khu vực.

 Số người chết sau thảm họa kép tại đảo Sulawesi lên đến hơn 2.000 người. Ảnh: Getty

Số người chết sau thảm họa kép tại đảo Sulawesi lên đến hơn 2.000 người. Nhưng trên thực tế, người dân lo sợ con số này có thể tăng lên 5.000 nạn nhân. Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh vì số người thiệt mạng tăng nhanh, cơ quan chức năng buộc phải tiến hành chôn cất tập thể các nạn nhân xấu số.

Khoảng 80.000 người bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất, 67.000 ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Hơn 200.000 người cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp sau thảm họa.

Thảm họa hàng không Lion Air

Những mảnh vụn được tìm thấy từ chiếc máy bay nằm la liệt tại khu cứu hộ. Ảnh: Reuters

Sáng 29-10, máy bay Boeing 737-MAX 8 mang số hiệu JT 610, chở 189 người trên chuyến bay nội địa từ thủ đô Jakarta đến Pangkal Pinang, đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu chỉ 13 phút sau khi cất cánh. 

Các dữ liệu cho thấy máy bay đã lao xuống biển từ độ cao hơn 1.000m, với vận tốc 640km/h. Bộ phận đo vận tốc không khí của máy bay đã gặp trục trặc trong bốn chuyến bay gần đây, trong đó bao gồm cả chuyến bay cuối cùng khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Máy bay gặp nạn thuộc mẫu Boeing 737-MAX 8, thế hệ mới nhất và hiện đại nhất trong dòng máy bay chở khách thương mại. Hiện, các nhà điều tra vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến máy bay rơi chỉ ít phút sau cất cánh. Chính phủ Indonesia đã yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ các máy bay Boeing 737-MAX 8 đang được khai khác. 

Sóng thần ập vào eo biển Sunda

Cảnh tượng tan hoàng sau khi sóng thần tràn qua. Ảnh: Reuters

9h tối ngày 22-12, núi lửa Anak Krakatoa có những dấu hiệu phun trào ngoài khơi eo biển Sunda. Chỉ 30 phút sau, một đợt sóng thần bất ngờ ập vào khu vực bãi biển quanh eo biển Sunda, gây nên những tổn thất nặng nề cho các khu dân cư và du lịch tại đây, bao gồm Pandeglang, Serang, South Lampung, Tanggamus and Pesawaran.

Tính đến trưa 24-12, đã có 281 người thiệt mạng, hơn 1000 người bị thương, hàng trăm người vẫn đang mất tích và khoảng hơn 11.000 người buộc phải di tản sau thảm họa. Sóng thần tàn phá khiến 611 ngôi nhà và 60 cửa hàng bị ảnh hưởng. 420 tàu thuyền bị phá hủy bởi thảm họa thiên nhiên này. Pandeglang là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với ít nhất 200 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. 

Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia nhận định đợt sóng thần này xảy ra không phải do động đất, mà do tác động của sự sạt lở dưới đáy biển dưới tác động từ sự phun trào của núi lửa Anak Krakatoa, cùng thủy triều dâng cao bất thường. 

Hiện giới chức Indonesia đang triển khai các lực lượng cứu hộ nhằm tìm kiếm người mất tích và cung cấp các hỗ trợ y tế, nhân đạo cho người dân bị thương sau thảm họa. Con số thương vong dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng lên do lực lượng cứu hộ mới chỉ có thể tiếp cận một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng trong sáng nay.

An Nhiên (T.H)
.
.
.