Mỹ sử dụng vũ khí gì để tiêu diệt IS

Chủ Nhật, 28/09/2014, 09:03
Trong tháng 9 này, kể từ khi mở chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cả trên mặt trận ngoại giao và quân sự, Mỹ đã tiêu tốn hơn 1 tỷ USD. Số tiền này còn chưa kể đến các chi phí khác mà Mỹ phải bỏ ra sau khi thực hiện các cuộc không kích nhằm vào căn cứ của IS trên đất Syria. Đáng chú ý là dù bị khuyến cáo rằng, hàng chục tỷ USD nữa có thể ra đi nếu cuộc chiến chống IS ở Syria kéo dài, song Mỹ vẫn quyết tâm thực hiện bằng việc huy động thêm nhiều loại vũ khí tối tân khác. Dưới đây, Báo CAND xin điểm một vài loại vũ khí nổi bật đã được Mỹ và liên quân sử dụng từ ngày đầu tiên của chiến dịch không kích (23/9).

Tên lửa hành trình Tomahawk

Xác định được chính xác vị trí những mục tiêu cần tiêu diệt từ các thông tin mà UAV Predator gửi về, Mỹ và liên quân mới mở màn chiến dịch tấn công bằng việc phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu tên lửa dẫn đường USS Philippine Sea và tàu khu trục USS Arlegigh Burke. Mỗi một lần tham gia chiến dịch, khoảng 40 tên lửa Tomahawk được phóng đi nhằm vào 15 mục tiêu IS khác nhau ở Syria.

Là sản phẩm do hãng Raytheon sản xuất, tên lửa hành trình Tomahawk hiện đang là “ngôi sao sáng giá nhất” trong hệ thống tên lửa của Mỹ và giá trị vào khoảng 1,6 triệu USD/quả. Việc phát hiện ra tên lửa này bằng radar hay thiết bị quét hồng ngoại đối với tên lửa Tomahawk là rất khó nên nó có thể tác chiến ở mọi điều kiện khác nhau. Tuy không đạt tốc độ âm thanh nhưng tên lửa Tomahawk lại có khả năng phá hủy mục tiêu cách xa 2.500m với sai số cực nhỏ. Với trọng lượng 1.300 kg và chiều dài 5,56 m với phiên bản thường và trọng lượng 1.600 kg, chiều dài 6,25 m với phiên bản tăng cường, tên lửa hành trình Tomahawk mang được đầu đạn nặng 450 kg hoặc đầu đạn hạt nhân W80.

Siêu chiến đấu cơ tàng hình F -22

Tên lửa hành trình Tomahawk.

Phối hợp với tên lửa hành trình Tomahawk còn có các loại chiến đấu cơ, trong đó đáng chú ý nhất là sự xuất hiện đầu tiên của “chim ưng F-22”. Vốn được mệnh danh là phi cơ tàng hình đắt đỏ nhất, mỗi chiếc F22 có trị giá 143 triệu USD. F-22 dài 18,9m, sải cánh 13,6m, cao 5,1m, được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt đẩy và có khả năng đạt tốc độ tối đa là 2.400km/h, bán kính tác chiến là 759km. Điểm mạnh của F-22 không chỉ ở việc tàng hình mà bởi các chuyên gia của Tập đoàn Lockheed Martin đã trang bị cho nó hệ thống radar cực mạnh, có tầm trinh sát 200-250km và hệ thống vũ khí hiện đại với tên lửa đất đối không tầm ngắn AIM-9, tên lửa đất đối không tầm xa AIM-120, bom JDAM, bom đường kính nhỏ GBU-39 hoặc GBU-53…

Máy bay ném bom chiến lược B1

Máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer.

Máy bay ném bom chiến lược là thành phần vô cùng quan trọng để các quốc gia trên thế giới khẳng định sức mạnh cũng như khả năng làm chủ bầu trời của mình. Chính vì quan niệm đó mà ngay trong đêm không kích đầu tiên (23-9) nhằm vào căn cứ của IS ở Syria, Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer. Mỹ có khoảng 70 chiếc máy bay ném bom này và thường dùng để hỗ trợ quân đội ở Afghanistan và Iraq. Theo tin từ hãng Reuters, B-1 Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cụp cánh xòe do Công ty Rockwell của Mỹ chế tạo từ những năm 1970. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực, tốc độ bay tối đa lên đến 1.448km/h, có khả năng mang tên lửa hành trình và tên lửa tấn công tầm ngắn. Ngoài ra, B-1 Lancer còn được trang bị radar quét mạng pha điện tử thụ động AN/APQ-164, radar này được trang bị bộ vi xử lý có khả năng lái chùm tia điện tử nhằm giảm khả năng bị phát hiện và được trang bị máy thu cảnh báo radar và gây nhiễu AN/ALQ-161A… B-1 Lance còn có thể mang theo 84 bom Mk-82, 24 bom thông minh GBU-31 JDAM, 48 bom thông minh GBU-38 JDAM, 12 bom lượn AGM-154 JSOW tầm bắn 130km… Ông John Kirby cho biết, thời gian tới, có thể Mỹ sẽ đưa cả máy bay ném bom chiến lược B-1B sang tác chiến ở Syria để chống IS. Hiện B-1B cũng đang tham gia các cuộc không kích của Mỹ ở Iraq.

Và những vũ khí khác

Theo giới quan sát, việc đưa “dàn vũ khí khủng” vào chiến dịch chống IS ở Syria mặc dù có tốn kém nhưng lại mang lại hiệu quả cao. Nhiều nhà phân tích quân sự còn cho rằng, các máy bay chiến đấu khác như F-16 và F-18 tham gia chiến dịch không kích cũng là những chiến đấu cơ thành công và đáng tự hào nhất của Mỹ. Những chiếc chiến đấu cơ này được cất cánh từ sân bay USS George H.W.Bush đã cùng với tên lửa hành trình Tomahawk, F-22… tạo thành gọng kìm siết chặt các mục tiêu của IS. Thời gian tới, liên quân chống IS ở Syria do Mỹ đứng đầu có thể sẽ còn bổ sung thêm nhiều loại vũ khí mới trong đó phải kể đến “thần sấm” A-10 Thunderbolt – loại máy bay đầu tiên được quân đội Mỹ thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến trên không và tấn công mặt đất; tên lửa không đối không tầm ngắn hiện đại bậc nhất thế giới AIM-9X Sidewwinder. Tên lửa này đang được trang bị trong lực lượng hải quân và không quân Mỹ. Nó được triển khai trên các máy bay chiến đấu F-15, F-16, F/A-18, Sea Harrier, F-4, A-4, AV-8B và máy bay tấn công Tornado cũng như trực thăng AH-1.

Hà Linh (Tổng hợp)
.
.
.