Lần thứ 7 quân đội tiếm quyền tại Burkina Faso

Thứ Hai, 03/11/2014, 09:27
Giới chức quân đội cấp cao Burkina Faso (trước đây là Cộng hòa Thượng Volta) ngày 1/11 đã tuyên bố hậu thuẫn Cận vệ của Tổng thống nước này, Trung tá Yacouba Issac Zida nắm quyền điều hành chính phủ lâm thời sau khi cựu Tổng thống Blaise Compaore bị ép từ chức trước đó một ngày.

Qua đó đánh dấu lần thứ 7 một quan chức quân đội tiếp quản chức vụ người đứng đầu nhà nước, kể từ khi Burkina Faso giành được độc lập từ Pháp vào năm 1960. Tuy nhiên, các đảng phái đối lập tại Burkina Faso, Mỹ và Liên minh châu Phi (AU) đã tuyên bố bác bỏ việc tiếm quyền của quân đội tại quốc gia Tây Phi này.

Trong tuyên bố của mình, các quan chức quân đội nêu rõ: “Trung tá Zida đã được nhất trí lựa chọn lên nắm quyền lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp sau sự ra đi của Tổng thống Compaore” và rằng, việc hình thành và thời gian của tiến trình chuyển giao sẽ được quyết định trong một cuộc tham vấn với tất cả các phe phái trong xã hội.

Theo Hiến pháp Burkina Faso năm 1991, người đứng đầu Quốc hội sẽ lên nắm quyền trong trường hợp Tổng thống từ chức, với nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, quân đội nước này đã cho giải tán cơ quan lập pháp và đình chỉ hiến pháp. Việc tiếm quyền lần này của quân đội Burkina Faso đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của các đảng phái đối lập tại nước này, Mỹ và AU.

Tân Tổng thống Burkina Faso, Trung tá Yacouba Issac Zida. Ảnh: cbcnews.

Sau một cuộc tham vấn ngày 1/11, liên minh các đảng đối lập chính trị và các tổ chức xã hội dân sự ở Burkina Faso đã ra tuyên bố nêu rõ “chiến thắng từ cuộc nổi dậy là của nhân dân, vì vậy việc điều hành cuộc chuyển giao cũng thuộc về nhân dân, không thể bị quân đội chiếm hữu bằng bất cứ cách nào”. Tuyên bố cũng cảnh báo sự tiếm quyền của quân đội, đề nghị một cuộc chuyển giao dân sự và dân chủ. Cùng ngày, Mỹ đã lên án việc quân đội Burkina Faso áp đặt toan tính của mình đối với người dân Burkina Faso, và kêu gọi quân đội Burkina Faso chuyển giao quyền lực ngay lập tức cho chính quyền dân sự.

Trong khi đó, cũng trong ngày 1/11, AU đã kêu gọi một cuộc “chuyển giao đồng lòng và do nhân dân làm chủ” tại Burkina Faso. Trong một tuyên bố, Tổng thư ký AU Nkosazana Dlamini-Zuma cho biết một cuộc chuyển giao như trên sẽ “không chỉ phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân Burkina Faso về thay đổi và tăng cường dân chủ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động sự ủng hộ cần thiết cho một con đường thoát khỏi khủng hoảng”. Bà Dlamini-Zuma cũng kêu gọi giới trẻ Burkina Faso giữ bình tĩnh và hối thúc “giới lãnh đạo quốc phòng, lực lượng an ninh kiềm chế đưa ra bất cứ hành động hay tuyên bố nào có thể gây thêm bất ổn” tại quốc gia này. Bà nhấn mạnh: “Các phe phái chính trị và xã hội dân sự tại Burkina Faso cần làm việc với nhau trên tinh thần đồng thuận và có trách nhiệm, nhằm đạt thỏa thuận về một quá trình chuyển tiếp do nhân dân đứng đầu, cho phép tiến hành các cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch”. Theo dự kiến, Hội đồng Hòa bình và an ninh của AU sẽ nhóm họp ngày 3/11 để thảo luận tình hình tại Burkina Faso.

Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình, vị tân Tổng thống Burkina Faso cam kết sẽ thành lập một “cơ quan chuyển tiếp” để khôi phục trật tự hiến pháp. Ông Zida cho rằng việc Tổng thống phải từ chức trong bối cảnh các buộc biểu tình bạo lực chỉ là một cuộc nổi dậy, chứ không phải một cuộc đảo chính. Trung tá Zida cũng kêu gọi AU và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ủng hộ quá trình chuyển giao dân chủ tại nước này. Trong một tuyên bố, ông Zida nói: “Nhằm tránh tình trạng hỗn loạn, trở ngại cho mục tiêu dân chủ mạnh mẽ mà người dân, quân đội quốc gia đã đặt ra, đáp ứng lời kêu gọi của người dân, chúng tôi quyết định bắt đầu một tiến trình chuyển giao hướng tới dân chủ. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước thân thiết với Burkina Faso, các thành viên của AU và ECOWAS, hãy hỗ trợ người dân đất nước tôi trong thử thách này. Các cam kết của Burkina Faso đối với cộng đồng quốc tế sẽ không thay đổi”.

Chính biến tại Burkina Faso xảy ra ngày 30/10 khi làn sóng biểu tình gia tăng mạnh mẽ nhằm phản đối kế hoạch kéo dài nhiệm kỳ thêm 5 năm của ông Compaore. Tình trạng bất ổn buộc Quốc hội nước này phải thông báo hủy bỏ tiến trình sửa đổi hiến pháp và quân đội phải áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h ngày 30/10 đến 6h ngày 31/10, sau khi lật đổ Tổng thống Compaore. Theo các nguồn tin quân sự Côte d'Ivoire ngày 1/11, cựu Tổng thống Compaore hiện đang ở Assinie, một khu nghỉ mát ven biển ở phía đông thủ phủ kinh tế Abidjan của Côte d'Ivoire.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.