Khi nhà báo trở thành mục tiêu theo dõi của tình báo Mỹ, Anh

Thứ Hai, 13/07/2015, 11:15
Không chỉ nghe lén điện thoại của các quan chức cấp cao hàng đầu châu Âu, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cùng Cơ quan thông tin chính phủ Anh (GCHQ) còn tiến hành theo dõi, nghe lén hàng trăm nhà báo đến từ các cơ quan truyền thông lớn ở châu Âu và Mỹ.

Nghe lén từ năm 2011

Trang mạng The Intercept, đơn vị đầu tiên dẫn dữ liệu của WikiLeaks khẳng định, hoạt động do thám giới chức và báo chí châu Âu dường như bắt đầu vào năm 2011 hoặc thậm chí sớm hơn.

Đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy hoạt động này đã chấm dứt. Người cung cấp thông tin này không phải ai khác mà chính là trợ lý Hans Josef Vorbeck, trợ lý của ông Gunter Heiss ở Cục 6, Cơ quan tình báo Đức. Ông này cũng được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trả tiền lương làm cố vấn tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin. Việc nghe lén này là một hoạt động độc lập và NSA đã không hề hé lộ thông tin cho Cơ quan tình báo Đức hoặc Quốc hội nước này.

Trụ sở tòa báo Der Spiegel ở Đức.

Mùa hè năm 2011, hoạt động này một lần nữa lại được tiến hành ở phạm vi rộng bởi lẽ tờ Bild am Sonntag cũng bị nghi là có những hoạt động làm ảnh hưởng đến CIA và NSA. Các trạm trưởng của CIA tại Berlin và một số thành phố lớn khác của Mỹ đã được lệnh phải cử nhân viên và lắp đặt thêm các thiết bị theo dõi một số phóng viên nổi tiếng của Der Spiegel và Bild am Sonntag, đặc biệt là những phóng viên có mối quan hệ thân thiết với quan chức chính phủ Đức và các phóng viên điều tra về những nhà tù bí mật của CIA tại châu Âu.

Ngoài ra, những phóng viên nào đã tiếp xúc với người đàn ông người Đức, gốc Thổ Nhĩ Kỳ từng bị giam tại nhà tù của Mỹ ở Guantanamo với cáo buộc khủng bố cũng bị theo dõi…

Hiện chưa rõ liệu bê bối này có liên quan đến bê bối theo dõi bất hợp pháp một số nhà báo mà Cơ quan tình báo đối ngoại Đức (BND) từng bị cáo buộc hay vụ Bộ Tư pháp Mỹ theo dõi các cuộc điện thoại của phóng viên hãng AP hay không. Khi đó, BND đã tuyển lựa và trả tiền mua chuộc một số nhà báo nhằm biến họ thành chỉ điểm viên theo dõi và thu thập thông tin về các đồng nghiệp của mình là những nhà báo chuyên viết bài, đưa tin về cộng đồng tình báo. Còn Bộ Tư pháp Mỹ thì bị phát hiện thu giữ tài liệu ghi âm hai tháng các cuộc gọi điện thoại của 100 phóng viên và nhà báo thuộc Hãng tin AP.

Tuy nhiên, một số nguồn tin mà WikiLeaks có được lại cho thấy, các nhà báo của Hãng AP hay phóng viên James Rosen thuộc Hãng Fox News và các phóng viên Der Spiegel bị theo dõi đều có mối liên hệ tới Bradley Manning, người đã cung cấp cho WikiLeaks hàng loạt tài liệu quan trọng của các Cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu.

Ngay cả chuyên gia bảo mật máy tính Jacob Appelbaum, người thỉnh thoảng vẫn làm cộng tác viên cho tờ Der Spiegel cũng đã bị ảnh hưởng. Thậm chí, các nhà điều tra còn đặc biệt quan tâm đến vai trò của Jacob Appelbaum trong các ấn phẩm về công văn ngoại giao mà WikiLeaks tiết lộ.

Vụ kiện của báo giới Anh

Trong khi đó tại Anh, hơn 100 biên tập viên các tờ báo Anh đã trình một bức thư chung kêu gọi chính phủ nước này ngăn các nhà hành pháp xem nội dung các cuộc gọi của nhà báo mà không có sự cho phép của tòa án. Nguyên do bắt đầu từ thông tin mà tờ The Guardian đăng tải dựa theo tài liệu của “người thổi còi” Edward Snowden.

Các bài báo trên tờ The Guardian về “người thổi còi” Edward Snowden và mối quan hệ giữa NSA và GCHQ là cái cớ để GCHQ theo dõi các phóng viên.

Theo đó, các nhà báo làm việc cho các tờ The New York Times, The Washinton Post, The Guardian, The Sun, Le Monde, kênh NBC, BBC và Reuters đã bị GCHQ bí mật theo dõi từ năm 2008. Chỉ trong 10 phút đầu thử khả năng giám sát này, GCHQ đã thu thập được 70.000 email của các nhà báo. Điều đáng chú ý là bất kỳ ai làm việc cho GCHQ đều có thể truy cập kho dữ liệu không lồ này. Tức là họ có thể xâm phạm tính riêng tư và cuộc sống đời tư của các nhà báo một cách công khai và nhanh chóng.

Cũng theo tiết lộ của Edward Snowden, GCHQ mới chỉ giám sát hoạt động của các nhà báo thuộc những hãng thông tấn lớn của Anh với mục đích là nhằm xác định những cảnh sát nào là nguồn tin của giới truyền thông Anh. Sau đó, từ năm 2010, GCHQ mới mở rộng phạm vi theo dõi của mình tới các phóng viên của các hãng thông tấn lớn khác theo yêu cầu hỗ trợ từ NSA. Nguyên do là vì vào thời điểm đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện phóng viên James Rosen của Hãng Fox News làm rò rỉ các thông tin mật về CHDCND Triều Tiên. James Rosen và một  nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ là Stephen Jin-Woo Kim đã bị theo dõi trong khoảng 3 tháng liền rồi FBI mở rộng nghe lén thêm 20 đường dây điện thoại khác của các phóng viên làm việc cho Hãng Fox News.

Chưa hết, vào thời điểm mà cựu nhân viên CIA Edward Snowden cung cấp cho báo giới các thông tin liên quan đến chương trình nghe lén của NSA, do nhà báo Glenn Greenwald (người được Edward Snowden cung cấp hàng trăm ngàn trang tài liệu khác nhau) nên ông này đã trở thành đối tượng theo dõi số 1 của GCHQ.

Thậm chí, GCHQ còn cho người đến trụ sở của tờ The Guardian để thu những máy tính và lắp đặt thiết bị nghe lén nhằm lần theo dấu vết của Glenn Greenwald để từ đó tìm ra Edward Snowden. Trong một số tài liệu của GCHQ, các nhà báo như Glenn Greenwald đã bị “liệt vào danh sách điều tra như một mối đe dọa ngang hàng với tin tặc và những kẻ khủng bố”.

Khánh Chi
.
.
.