ICAN - những người hùng phía sau Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân
- Công bố Giải Nobel Hòa bình 2017 sau nhiều đồn đoán
- Giải Nobel Y học 2017 được trao cho công trình nghiên cứu về đồng hồ sinh học
- Tiểu thuyết gia người Anh giành giải Nobel Văn học 2017
10 năm cho một Hiệp ước
Nhắc đến chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân ICAN, giới nghiên cứu không thể không nhắc đến Hiệp hội Y sĩ quốc tế phòng ngừa chiến tranh hạt nhân – nhóm những bác sĩ đã giành được giải Nobel Hòa bình năm 1985.
Vào năm 2006, trong Đại hội quốc tế thường niên của Hiệp hội, các bác sĩ đã quyết định đặt mục tiêu xóa bỏ vũ khí hạt nhân trở thành ưu tiên hàng đầu, với việc cho ra đời một nhóm hoạt động chuyên trách về vấn đề này, và đó là tiền thân của ICAN.
Một năm sau, chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân được thành lập tại Australia với chiến dịch đầu tiên chính thức ra mắt tại Vienna, Áo.
Hình ảnh và mạng lưới ICAN đã có mặt tại 101 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Getty |
Nhà lãnh đạo ICAN Beatrice Fihn tiết lộ, việc thành lập ICAN còn được truyền cảm hứng sau thành công của Chiến dịch Quốc tế về chống bom mìn với giải Nobel Hòa bình năm 1997.
Cho đến nay, sau 10 năm gây dựng và phát triển, ICAN đã trở thành một liên minh quốc tế với 468 tổ chức đối tác trải dài trên 101 quốc gia. Có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, ICAN quy tụ các đối tác là những nhóm và tổ chức về nhân đạo, môi trường cùng sự hỗ trợ của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon.
Mục tiêu duy nhất và cháy bỏng của những thành viên ICAN, đó là thuyết phục các quốc gia trên thế giới cam kết hợp tác với tất cả các bên liên quan trong các nỗ lực nhằm cấm sử dụng và loại bỏ vũ khí hạt nhân, từ đó hướng tới một Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân theo luật pháp quốc tế. Hiện, đã có 108 quốc gia ký cam kết hợp tác theo đề nghị của ICAN, được gọi chung là Lời cam kết về nhân đạo.
Nhà lãnh đạo ICAN bên logo và thông điệp của Chiến dịch Quốc tế này. Ảnh: Reuters |
Đặc biệt, ngày 7-7 năm nay, với việc 122 nước thành viên LHQ nhất trí thông qua Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, ICAN có quyền tự hào bởi cột mốc 10 năm với bao nỗ lực đấu tranh thầm lặng của họ đã không thất bại.
Tiến trình phê chuẩn hiệp ước này được bắt đầu từ ngày 20-9 và sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi được 50 nước phê chuẩn. Theo thỏa thuận trong hiệp ước, tất cả việc sử dụng, đe dọa sử dụng, thử, phát triển, sản xuất, sở hữu, vận chuyển, đưa vũ khí hạt nhân đến một nước khác đều bị cấm. Với các nước có vũ khí hạt nhân chọn tham gia hiệp ước, sẽ có một lộ trình tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân với cam kết sẽ không tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hành trình chưa dừng lại
Đúng 16h (giờ Việt Nam) ngày 6-10, tại Oslo, Na Uy, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen công bố giải Nobel Hòa bình 2017 thuộc về Chiến dịch Quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân ICAN bởi "những cố gắng nhằm thu hút sự chú ý đến các hậu quả nhân đạo thảm khốc do bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào gây ra và vì những nỗ lực đột phá để đạt được một Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân".
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen công bố giải Nobel Hòa bình 2017. Ảnh: Reuters |
Trong di chúc của mình, Alfred Nobel mong muốn giải Nobel Hòa bình chỉ được trao khi hội tụ đủ ba yếu tố: “thúc đẩy tình hữu nghị giữa các quốc gia; thúc đẩy việc giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí; thúc đẩy việc tổ chức và quảng bá các hội nghị hòa bình”.
Ủy ban Nobel Na Uy khẳng định, ICAN, với sự nỗ lực và hỗ trợ đầy sáng tạo trong các cuộc đàm phán của LHQ về một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, đã hoàn thành sứ mệnh đó.
Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành ICAN nhận được một cuộc điện thoại thông báo chỉ khoảng vài phút trước khi kết quả Nobel Hòa bình 2017 được công bố và cô đã nghĩ đó là một trò đùa, cho đến khi trực tiếp nghe thấy tên ICAN được xướng lên tại Oslo.
Sau khi kết quả Nobel Hòa bình 2017 được công bố, ICAN đã đăng tải tuyên bố trên Facebook, theo đó gọi giải thưởng là “sự đền đáp cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của hàng triệu người tham gia chiến dịch trên toàn thế giới… để phản đối vũ khí hạt nhân, khẳng định rằng chúng không phục vụ mục đích hợp pháp và cần phải loại bỏ vĩnh viễn”.
Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành ICAN phát biểu tại cuộc họp báo sau khi giải Nobel Hòa bình 2017 được công bố. Ảnh: AP |
Song, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân vẫn chưa phải là cái kết, bởi công cuộc giải trừ toàn bộ 15.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới vẫn còn là một chặng đường dài, nhất là khi “nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang trở nên cao hơn so với mức được duy trì suốt thời gian dài trước đó", Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Reiss-Anderson nói.
Thông qua giải Nobel hòa bình 2017, Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh các bước tiếp theo nhằm đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân phải liên quan đến các quốc gia có vũ khí hạt nhân. Ủy ban Nobel Na Uy kêu gọi các quốc gia này tiến hành các cuộc “đàm phán nghiêm túc” nhằm đi đến việc loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Giám đốc điều hành ICAN Beatrice Fihn đồng thời khẳng định: “Công việc của chúng tôi chưa hoàn thành cho đến khi vũ khí hạt nhân bị xóa sổ. “Vũ khí hạt nhân có nguy cơ tiêu diệt toàn bộ thế giới theo nghĩa đen. Miễn là chúng còn tồn tại thì nguy cơ vẫn sẽ còn đó”, bà Fihn nói.
Giải Nobel Hòa bình 2017 được công bố trong sự bất ngờ của nhiều người cũng như giới quan sát, song đặt trong bối cảnh mà căng thẳng hạt nhân giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên tăng cao. Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 có nguy cơ bị hủy cùng những lo lắng về một cuộc chạy đua vũ trang mới, sự tôn vinh những nỗ lực nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân của ICAN được đánh giá là “đúng người, đúng thời điểm” với tính chất toàn cầu và nhân đạo cao cả của mình.