"Hội chứng sợ người Kurd" tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 21/03/2016, 11:16
Ngày 15-3, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, có bằng chứng "gần như chắc chắn" các phần tử nổi dậy người Kurd có liên quan đến vụ đánh bom khủng bố ở thủ đô Ankara tối 13-3 khiến 37 người chết, hơn 100 người bị thương và đây là vụ tấn công thứ hai ở thành phố này trong vòng một tháng qua.

Và kẻ đánh bom tự sát là Seher Cagla Demir, sinh năm 1992, có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) kể từ năm 2013. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala cho biết, vụ tấn công này sẽ không thể ngăn cản quyết tâm của Ankara trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, sẽ đưa những kẻ đứng sau vụ đánh bom ra trước công lý. Giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lực lượng an ninh và cảnh sát nước này đã bắt hàng chục nghi can có liên quan tới vụ đánh bom xe tối 13-3 ở khu vực Quảng trường Kizilay.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu.

Vụ đánh bom diễn ra ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh giới nghiêm mới, bắt đầu có hiệu lực từ 22 giờ ngày 13-3, tại 2 thị trấn Yuksekova và Nusaybin, nơi người Kurd sinh sống ở khu vực Đông Nam.

Và một lần nữa, vấn đề người Kurd lại được dư luận nhắc tới sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moskva kiên quyết yêu cầu Liên hợp quốc chống lại tối hậu thư của Thổ Nhĩ Kỳ và mời người Kurd tham dự hòa đàm về xung đột Syria, bất chấp sự phản đối của Ankara.

Trước đó, hãng TASS của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho rằng, Moskva muốn các cường quốc thế giới phản ứng về vụ Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào người Kurd… Và những động thái kể trên diễn ra sau khi Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ vừa kiến nghị Quốc hội tước quyền miễn truy tố của các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd. Tổng thống Tayyip Erdogan cũng nhiều lần yêu cầu các nghị sỹ thuộc HDP phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố, khi cáo buộc họ hành động như một "cánh tay nối dài" của PKK bị cấm hoạt động.

Với khoảng 15 triệu người, cộng đồng người Kurd chiếm tới 1/5 tổng dân số Thổ Nhĩ Kỳ (chủ yếu là người Hồi giáo Sunni). Và tính đến nay, cuộc chiến giành quyền tự trị cho người Kurd giữa PKK và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua gần 4 thập kỷ đầy đau thương và chết chóc. PKK bị Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố, khi phát động chiến dịch đòi thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ (năm 1984).

Washington coi PKK là tổ chức khủng bố quốc tế (mặc dù PKK chưa hề gây ra một vụ tấn công nào vào công dân hay trụ sở Mỹ) và thủ lĩnh PKK Apdullah Ocalan là người cần phải tiêu diệt. Nhưng gần 1 tháng trước (19-2), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cáo buộc Mỹ đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn về nhóm vũ trang "Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd" ở Syria (YPG).

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc YPG (được Mỹ ủng hộ) và các thành viên PKK đứng sau vụ đánh bom xe ở Ankara tối 17-2 làm 28 người chết. Hãng AFP dẫn nguồn tin từ nhóm Những con chim ưng Tự do người Kurd (TAK) có liên hệ với PKK cho biết, họ thừa nhận tiến hành vụ đánh bom liều chết nhằm vào các xe quân sự tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ khiến 28 người chết và 61 người bị thương.

Tổng thống Tayyip Erdogan.

Theo tờ The Guardian, Thổ Nhĩ Kỳ sợ người Kurd có thể giành chiến thắng ở Iraq và Syria, từ đó thúc đẩy người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ - chiếm 20% dân số nước này - đòi quyền tự trị đến cùng. Hãng Fars (Iran) vừa dẫn lời ông Sergio Divina, thành viên của đảng Lega Nord, Italia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn loại người Kurd ra khỏi thỏa thuận ngừng bắn, bởi Ankara coi người Kurd là "kẻ khủng bố".

Và Thổ Nhĩ Kỳ đang lợi dụng cuộc khủng hoảng Syria nhằm giải quyết triệt để "vấn đề người Kurd". Trong khi đó, giới chuyên môn cho rằng, người Kurd là nhóm người dân tộc lớn nhất trên thế giới, là lực lượng đầu tiên ngăn chặn được IS và thành công của họ trên chiến trường Iraq và Syria đang dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Và theo nhà phân tích Stanislav Ivanov, Ankara hiện đang mắc "hội chứng sợ người Kurd" bởi ông Jalal Talabani, người sáng lập đảng Liên minh yêu nước người Kurd (PUK), từng là Tổng thống Iraq giai đoạn 2005-2014. Và hãng Sputnik của Nga từng đặt câu hỏi, liệu người Kurd có đang toan tính xây dựng một nhà nước độc lập?

Và người Kurd có thể là lực lượng chính trị sẽ vẽ lại bản đồ Trung Đông trong tương lai. Bởi sự thiện chiến và khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trong cuộc chiến chống lại IS của người Kurd đã củng cố hình ảnh quốc tế của họ, thậm chí người Kurd còn được cho là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS trên thế giới hiện nay.

Thiện Lân
.
.
.