Về cuộc Nam chinh của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc
Bên hữu ngạn sông Thương, cũng là cạnh đường đi sứ phương Bắc của các triều đại phong kiến Việt Nam, có một doi đất nổi lên như hình con chim phượng hoàng dang rộng cánh bay lên. Đó là Phụng Công trang, tổng Mỹ Cầu (nay thuộc làng Tân Phượng, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang).
Nơi đây là quê hương của Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc - một danh tướng văn võ song toàn, một bậc hiền tài trung quân - ái quốc. Hàng trăm năm qua, khu di tích lịch sử quốc gia sinh từ và phần mộ của Việp Quận công trên mảnh đất quê ông vẫn uy nghi, được hậu duệ và nhân dân tôn thờ, kính cẩn.
Ngôi sao sáng trong lịch sử
Theo các tài liệu lịch sử, Hoàng Ngũ Phúc (Hoàng Đình Việp) sinh năm 1713. Ông có nhiều công lao nên được triều đình Lê - Trịnh (thế kỷ XVIII) rất trọng dụng. Cuộc đời, sự nghiệp của ông là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tận trung, tận hiếu. Đáng nói, dưới triều Nguyễn - một vương triều đã từng bị Việp Quận công đem quân tiễu phạt nhiều phen tan tác, nhưng sau khi lập lại cơ đồ, nhà Nguyễn đã bỏ qua mối tư oán mà coi ông là bậc trung thần đáng để noi theo khi phong ông là “Thượng đẳng phúc thần” để muôn đời con cháu thờ phụng.
Đúng như tác giả Hà Duy Biển, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã nhận định “Ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”. Nhìn khắp lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII, cho đến trước khi khởi nghĩa nông dân Tây Sơn trở thành phong trào dân tộc, Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc là một trong những võ tướng nổi bật bậc nhất, cả về tài năng quân sự, vai trò, vị trí trong triều đình Lê – Trịnh cũng như những chiến công của ông trên chiến trường”.
Các tài liệu đều chép rằng, cha mẹ qua đời sớm, Hoàng Ngũ Phúc được một vị quan trong vùng là Hiển Quận công Dương Quốc Cơ (người làng Vân Cốc) nhận làm con nuôi, cho ăn học chu đáo. Khi đến tuổi thành niên, ông được nhập cung làm hoạn quan. Đến đầu năm Cảnh Hưng (1740), ông giữ chức Tả thiếu giám, tước Việp Trung hầu, sau được thăng chức Nội sai Hình phiên. Ít năm sau được giao trọng trách Thống lĩnh quân cơ đạo và trở thành một trong những trọng tướng của thời Hậu Lê. Bước ngoặt trong cuộc đời làm quan của Hoàng Ngũ Phúc được đánh dấu bằng sự kiện năm 1743, khi ông dâng lên Minh đô vương Trịnh Doanh 12 điều về quân pháp. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép rằng: “Năm thứ 4 đời Cảnh Hưng, Hoàng Ngũ Phúc dâng 12 điều về quân pháp, được chúa cho thi hành. Đây là những điều ông nghiền ngẫm trong thời gian ở trong cung, được biết và hiểu rõ nội tình và những sóng gió của triều đình Lê – Trịnh đang phải đối mặt.
Rất tiếc tới nay 12 điều quân pháp mà Hoàng Ngũ Phúc đề ra chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, qua việc chúa Trịnh Doanh ngay lập tức tán đồng, mạnh dạn cử một viên Tả thiếu giám Nội sai Hình phiên như ông cầm quân ra chiến trường, sau đó lại đồng ý cho vay 1 vạn quan tiền công để chiêu mộ binh lính, có thể thấy rằng 12 điều quân pháp mà Hoàng Ngũ Phúc đề ra là có giá trị và thuyết phục được nhà cầm quyền đương thời.
Chúa Trịnh Doanh mới lên ngôi, tình hình triều chính không mấy sáng sủa, các phong trào khởi nghĩa của nông dân ngày càng lan rộng và quyết liệt. Việc dẹp yên các cuộc khởi nghĩa nông dân có quy mô lớn trong những năm giữa thế kỷ XVIII như khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, của Nguyễn Danh Phương, của Lê Duy Mật đều có sự tham gia trực tiếp chỉ đạo và vai trò trụ cột của Hoàng Ngũ Phúc.
Cuộc Nam chinh đầy chông gai
Sau khi cơ bản đã dẹp yên được các cuộc nổi dậy ở ngoài Bắc, năm 1774, tình hình Đàng Trong bất ổn, nội bộ chính quyền nhà Nguyễn mâu thuẫn sâu sắc. Quyền thần Trương Phúc Loan chuyên quyền độc đoán, chúa Trịnh Sâm quyết định đem quân tiến đánh Đàng Trong mở rộng lãnh thổ. Lúc này Hoàng Ngũ Phúc đã nghỉ hưu nhưng vẫn được vời ra bàn việc quân và phong ông làm Bình Nam Thượng tướng quân cùng Phó tướng Bùi Thế Đạt thực hiện Nam chinh. Chỉ sau ít tháng, dưới sự chỉ huy của Hoàng Ngũ Phúc, quân Trịnh đã phá được lũy Trấn Ninh (nay gọi là thành dài Nhật Lệ, xã Phú Ninh, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình).
Để việc tiến công thuận lợi, Hoàng Ngũ Phúc cho quân truyền hịch rằng, việc tiến công lần này để trừ tên gian thần Trương Phúc Loan, cứu dân và không có ý xâm chiếm. Tháng 11-1777, được chúa Trịnh Sâm trực tiếp mang quân vào Nghệ An tăng viện, Hoàng Ngũ Phúc điều quân đánh chiếm Lưu Đồn rồi tiến ra Hồ Xá. Tuy đang lúc thế và lực vượt trội hơn so với quân Nguyễn, song để “lấy lòng” dân chúng, cũng như cận thần chúa Nguyễn, Hoàng Ngũ Phúc lại sử dụng chiêu bài “trừng phạt Trương Phúc Loan chuyên quyền” để hợp pháp hóa chuyện tiến quân. Thấy không đương đầu được với quân Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Thuần đã sai quân bắt trói Phúc Loan mang đến nộp cho quân Trịnh. Sau khi xử tử Phúc Loan, Hoàng Ngũ Phúc trở lại con bài “giúp chúa Nguyễn diệt quân Tây Sơn” để tiến vào Phú Xuân.
Đầu năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc dẫn đại binh đánh chiếm Phú Xuân, rồi chiếm toàn bộ vùng đất Thuận Quảng- Đây là lần đầu tiên vùng đất này không còn thuộc về chúa Nguyễn kể từ khi Chúa Nguyễn Hoàng vào cai quản (1558). Cương thổ nhà Hậu Lê được khôi phục như thời Lê Sơ, quyền thống trị của chính quyền Lê – Trịnh vượt qua sông Gianh sau hơn 100 năm phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài.
Thấy Phúc Thuần chạy vào Quảng Nam, anh em nhà Tây Sơn mang quân chia thành hai đường thủy bộ chặn đánh. Phúc Thuần thua trận chạy vào Gia Định. Theo lệnh tấn công đánh chiếm Quảng Nam của Trịnh Sâm, tháng 4-1775 trên đường tiến quân, Hoàng Ngũ Phúc đã đánh bại quân Tây Sơn ở nhiều nơi. Trước tình thế đó, anh em Tây Sơn sai người mang lễ vật đến đầu hàng Hoàng Ngũ Phúc và xin làm tiên phong cho quân Trịnh trong cuộc dẹp quân Nguyễn. Trước sự việc này, Hoàng Ngũ Phúc cho rằng: Quân sĩ tham gia trận mạc nhiều tháng đã mệt mỏi và hao tổn lớn, chi bằng nhân cơ hội này mượn sức Tây Sơn diệt quân chúa Nguyễn. Chấp nhận lời hàng của Tây Sơn, Hoàng Ngũ Phúc tấn phong Nguyễn Nhạc làm “Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân”. Với mưu kế “Tọa sơn quan hổ đấu”, trong cuộc đấu này nếu Tây Sơn bại trận, kiệt sức thì quân Trịnh sẽ tiến lên xóa sổ Tây Sơn, chiếm Quảng Ngãi, Quy Nhơn; ngược lại Tây Sơn thắng sẽ tranh thủ diệt gọn chúa Nguyễn.
Tiếc là mọi diễn biến trên chiến trường lại diễn ra không như tính toán của Hoàng Ngũ Phúc. Quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy nhanh chóng đánh bại quân của Chúa Nguyễn, chiếm lại Phúc Yên. Hoàng Ngũ Phúc buộc phải án binh bất động tại Quảng Ngãi, đồng thời chấp nhận đề nghị của Nguyễn Nhạc phong cho Nguyễn Huệ làm “Tây Sơn hiệu tiền phong tướng quân” (Quốc sử quán triều Nguyễn).
Trung quân - ái quốc
Sau gần một năm tham chiến trên chiến trường miền Trung khí hậu khắc nghiệt, điều kiện thiếu thốn, quân sĩ tiêu hao vì bệnh tật, sức chiến đấu giảm sút, bản thân Hoàng Ngũ Phúc tuổi đã cao, hơn ai hết ông biết rõ điều này rằng: “Tây Sơn bây giờ đang như ngọn lửa bốc mạnh. Ta già mất rồi, còn các tướng, ta e không phải là tay đối địch với họ được” (Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2005, tr25). Vì vậy Hoàng Ngũ Phúc đã quyết định rút quân và được chúa Trịnh Sâm tán đồng. Quân Trịnh nhanh chóng rút về chiếm đóng Phú Xuân, không lâu sau đó thấy sức khỏe suy kiệt từng ngày, Hoàng Ngũ Phúc giao lại thành Phú Xuân cho Phó tướng Bùi Thế Đạt để trở ra Bắc Hà. Nhưng đến tháng 10-1775, Hoàng Ngũ Phúc đã mất ngay trên đường đi về Bắc khi ở tuổi 63.
Hơn 30 năm cầm quân chinh chiến khắp trong Nam, ngoài Bắc, Hoàng Ngũ Phúc không chỉ đã thể hiện tài thao lược quân sự mà còn là bậc trung quân ái quốc và biết nhìn xa trông rộng, biết mình, biết ta, đúng là một bậc bề tôi tiết nghĩa. Việc nhìn xa trông rộng ấy của ông được thể hiện ở chỗ, do được triều đình trọng dụng, công danh vinh hiển nên nhiều kẻ ganh ghét, đố kỵ hãm hại cho rằng ông sẽ lộng hành chiếm quyền chúa Trịnh nên tìm cách reo rắc oán thù. Có người đặt ra lời sấm: “Thảo nhất điền bát” (cỏ một ruộng tám), nghĩa là bốn chữ: Thảo, nhất, điền, bát ghép lại thành chữ Hoàng.
Lại có người đặt câu sấm: “Thổ sất vân gian nguyệt, Hoàng hoa ánh nhật hương” (nghĩa là: Mảnh đất sáng trong mây, hoa cúc ánh hương mặt trời). Trong đó chữ nhật và chữ hoa thành chữ Việp, hoàng là họ Hoàng. Ông lại có người cháu tên là Hoàng Đình Bảo, vốn tên là Đăng Bảo. Do tên Đăng Bảo có nghĩa là lên ngôi báu nên có lời đàm tiếu rằng chú cháu Việp Quận công sẽ cướp ngôi Chúa Trịnh. Rồi cũng có lời sấm: “Nhất thỉ trục quần dương” nghĩa là một con lợn đuổi cả đàn dê để ám chỉ Đăng Bảo (tuổi lợn) đuổi hai cha con chúa Trịnh Sâm và Trịnh Tông (cùng tuổi dê)... Lời đồn đại thất thiệt quá nhiều, Hoàng Ngũ Phúc bèn đổi tên cho Đăng Bảo thành Hoàng Tố Lý để an lòng chúa Trịnh. Sau đó ông xin từ quan về hưu làm quốc lão nhưng rồi sau đó có việc quân chính nên chúa Trịnh đã vời ông ra để giúp mình cáng đáng việc quân.
Đánh giá về đóng góp của Hoàng Ngũ Phúc, một số nhà nghiên cứu còn đề cao công lao mở mang đất đai Bắc Hà xuống phía Nam, lần đầu tiên đánh bật chúa Nguyễn khỏi đất Thuận – Quảng, khôi phục lại cương thổ thời Lê Sơ, điều mà bao thế hệ chúa Trịnh trước đó chưa làm được. Khi ông qua đời, Vua Lê – Chúa Trịnh ngày càng suy yếu nhưng có lẽ hương hồn Hoàng Ngũ Phúc cũng được an ủi bởi ông đã tiên đoán đúng tài năng thực lực quân sự của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.
Sinh từ Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc do chính ông tự bỏ tiền ra thuê các phường thợ về xây dựng trên quê hương mình. Khi còn sống nơi đây là khu nhà ở, khi ông mất trở thành nơi thờ tự. Công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc ở đây tuy đơn giản nhưng chắc chắn, thoáng đoãng, mang dáng vẻ đặc trưng dân tộc sâu sắc. Phần mộ ông có ghi dòng chữ “Hoàng tướng công chi mộ”. Khu sinh từ quy mô lớn, được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, có nghi môn ngoại, nhà bia, nhà từ thượng, nghi môn nội, tả vu, hữu vu... Trong nhà bia có tấm bia đá do Nguyễn Nghiễm – cha của đại thi hào Nguyễn Du soạn. Năm 1991, khu di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.