Sau 110 năm, thuyền trưởng Stanley Lord mới được minh oan

Thứ Năm, 29/12/2022, 21:30

Ngày 14/8/2022, 110 năm sau vụ chìm tàu Titanic, Văn phòng điều tra tai nạn hàng hải quốc tế (International Maritime Accident Investigation Bureau) chính thức xác nhận Stanley Lord, thuyền trưởng tàu SS Californian “không có lỗi vì đã không tham gia cứu giúp những nạn nhân trên tàu Titanic khi tàu này đụng phải một tảng băng trôi, dẫn đến 1.523 người thiệt mạng”…

Những cảnh báo bị bỏ qua

18h 30 phút chiều Chủ nhật 14/4/1912, Cyril Furmstone Evans, điện báo viên trên tàu SS Californian truyền đi một bản tin dưới dạng mã Morse đến tàu Antiillian đang ở phía sau khoảng 30 hải lý (60km), rằng SS Californian phát hiện 3 tảng băng trôi rất lớn ở cách vị trí của tàu khoảng 9km về hướng Nam. Bản tin này cũng được nhận bởi Harold Bride, điện báo viên trên tàu Titanic. Vài phút sau, Bride gửi nó cho thuyền trưởng Edward John Smith nhưng không thấy ông Smith có ý kiến gì.

ss1.jpg -0
Tàu SS Californian

22h 20 phút tối, trước mũi tàu SS Californian lúc này không phải chỉ là 3 tảng băng trôi mà là “một cánh đồng băng”, trong đó có những “núi băng” kích thước còn lớn hơn cả tàu nên thuyền trưởng Lord quyết định dừng lại chờ trời sáng. Trước khi rời khỏi đài quan sát, thuyền trưởng Lord nhìn thấy vài ánh đèn ở phía Đông nhưng ông không chắc đó là đèn của một con tàu hay chỉ là những ngôi sao đang mọc. Sau này khi thảm kịch Titanic xảy ra, thuyền trưởng Lord khai trước Ủy ban điều tra tai nạn Vương quốc Anh: “Lúc quay về cabin, tôi gặp sĩ quan hạng ba Charles Groves và điện báo viên Evans. Cả tôi và họ đều thấy những ánh đèn ấy. Tôi hỏi Evans rằng liệu nó có phải là của một con tàu nào đó chăng thì Evans trả lời “có thể là tàu Titanic”.

Vẫn theo thuyền trưởng Lord, khi biết đó không phải là sao đang mọc, ông ra lệnh cho Evans gửi điện cảnh báo đến tất cả các tàu trong khu vực, rằng SS Californian đã phải tạm dừng hành trình vì trước mặt tàu có rất nhiều núi băng trôi. Bức điện này được Jack Phillips, người thay ca trực cho điện báo viên Harold Bride trên tàu Titanic tiếp nhận. Tuy nhiên vào thời điểm ấy, Jack Phillips đang tối tăm mặt mũi với một đống tin điện gửi đi từ Cape Race, Newfoundland, cách đó 1.300 km nên điện của Evans bị bỏ qua. Đợi mãi mà không thấy Titanic hồi đáp, Evans gửi tiếp một tin nữa dưới dạng khẩn cấp MSG (Master Service Gram) nhưng lần này, điện trả lời của Phillips chỉ là: “Im đi, im đi! Tôi đang bận, tôi đang làm việc với Cape Race!”. Kết luận của Ủy ban điều tra vụ chìm tàu Titanic về sau cho thấy Phillips không hề chuyển bức điện cảnh báo “cánh đồng băng” cho những người có trách nhiệm trên tàu Titanic; còn với Evans, khi đã làm xong công việc, anh ta tắt máy điện báo rồi đi ngủ.

23h 40 phút đêm hôm ấy, tàu Titanic đụng phải một tảng băng trôi rồi chìm lúc 2h 20 phút sáng 15/4/1912. Trong số 2.436 hành khách và 892 thành viên thủy thủ đoàn, chỉ có 705 người sống sót và cũng chỉ có 333 tử thi được tìm thấy.

Sau 110 năm, thuyền trưởng Stanley Lord mới được minh oan -0
Thuyền trưởng Lord (hàng trước bên trái) và các sĩ quan Stewart, Stones, Groves trên tàu SS Californian

Lỗi thuộc về ai?

Là tàu hơi nước của Công ty Leyland Line, Anh, SS Californian dài 136m, chỗ rộng nhất 37m, tốc độ tối đa 22km/g với thủy thủ đoàn 54 người. Bên cạnh đó, nó còn có các cabin cho 47 hành khách; nhưng đêm xảy ra thảm kịch Titanic, tàu SS Californian không chở khách mà chỉ chở 7.000 tấn bông vải.

Khởi hành từ London đến Boston, bang Massachusetts, Mỹ ngày 5/4/1912, ban chỉ huy tàu SS Californian ngoài thuyền trưởng Lord thì còn có George Stewart, sĩ quan trưởng, Herbert Stone, sĩ quan hạng hai, Charles Groves, sĩ quan hạng ba và James Gibson, sĩ quan thực tập. Tuần lễ đầu tiên của cuộc hải hành diễn ra bình thường nhưng khi phát hiện “cánh đồng băng” trôi và khi dừng lại chờ trời sáng để có thể vượt qua nó, thuyền trưởng Lord hẳn không ngờ rằng ông sắp vướng vào một sự cố bi thảm mà mãi 110 năm sau, ông mới được minh oan.

Trở lại với vùng biển Bắc Đại Tây Dương, nơi tàu Titanic gặp nạn, 23h 30 phút đêm 14/4, một lần nữa Charles Groves, sĩ quan hạng ba của tàu SS Californian lại nhìn thấy - nhưng thay vì chỉ vài đốm sáng như ban đầu thì lần này nó là nhiều ánh đèn rực rỡ của một con tàu ở phía mạn phải, cách SS Californian khoảng 30km và vẫn đang tiếp tục hành trình. Sau này khi trả lời những câu hỏi của Ủy ban điều tra tai nạn hàng hải Anh quốc, Groves nói: “Vì điện báo viên Evans đã gửi tin cảnh báo đến Titanic và người nhận trả lời rằng họ đang bận nên thuyền trưởng Lord bảo tôi gửi tiếp một tin nữa bằng đèn Morse nhưng chẳng thấy họ hồi đáp. Vì thế tôi không biết nó là Titanic hay một tàu nào khác”.

23 giờ 40 phút, nghĩa là chỉ 10 phút sau khi Groves nhìn thấy ánh sáng rực rỡ trên con tàu lạ thì tàu này bỗng dưng tắt hết đèn. Theo suy luận của Groves, có thể nó đã nhận được cảnh báo băng trôi nên nó dừng lại đợi trời sáng như tàu SS Californian. Tuy nhiên lúc 0 giờ 55 phút sáng 15/4, Herbert Stone, sĩ quan hạng hai trên đài quan sát bỗng thấy 8 quả pháo sáng màu trắng từ hướng tàu lạ lần lượt bắn lên. Lúc bị Ủy ban điều tra tai nạn hàng hải  của Anh chất vấn, thuyền trưởng Lord trả lời rằng ông không dám chắc 8 quả pháo ấy có phải do Titanic bắn với mục đích cầu cứu hay không vì theo quy định hàng hải quốc tế, pháo hiệu cấp cứu là pháo hiệu màu đỏ. Đến 3 giờ 40 phút, Stone và Gibson vẫn đang ở trên đài quan sát thì lại thấy mấy quả pháo hiệu màu xanh bay lên từ phía Nam nhưng không rõ tàu nào bắn. 1 tiếng 20 phút sau, khi sĩ quan trưởng George  Stewart lên đài quan sát thay ca cho Stone thì cũng là lúc tàu hơi nước Carpathia vượt qua họ. Từ đèn hiệu Morse của tàu Carpathia, họ mới biết Titanic đụng phải băng trôi và đã chìm, còn tàu Carpathia bắn mấy quả pháo hiệu màu xanh để báo cho Titanic biết họ đang đến cứu nạn,

Sau 110 năm, thuyền trưởng Stanley Lord mới được minh oan -0
Hành khách lên tàu Titanic nhưng chẳng ai ngờ rằng đó là chuyến đi định mệnh

2 phút sau đó, Stewart đánh thức thuyền trưởng Lord. Nghe Stewart nói xong và nhất là khi nhận được điện báo hướng dẫn từ trạm hàng hải Frankfurt, Đức, thuyền trưởng Lord cho tàu đi về phía Tây, vừa đi vừa lách tránh những tảng băng rồi rẽ sang hướng Nam để đến nơi Titanic gặp nạn nhưng mãi 8 giờ 30   phút sáng, tàu SS Californian mới có mặt ở hiện trường. Lúc này, tàu Carpathia đã vớt được 705 người sống sót nhưng bởi có nhiều phụ nữ, trẻ em, người già đang gặp nguy hiểm đến tính mạng vì hạ thân nhiệt do phải ngâm mình trong nước lạnh -5 độ C nên họ bàn giao hiện trường cho SS Californian tiếp tục tìm kiếm. Tuy nhiên sau mấy tiếng đồng hồ, SS Calirornian chỉ thấy những xuồng cứu sinh với những xác chết, những mảnh vỡ cùng những hành lý trôi dạt nên 1 giờ chiều, thuyền trưởng Lord ra lệnh cho thủy thủ đoàn tiếp tục hành trình đến Boston, Mỹ.

Ngày 19/4/1912, tàu SS Californian cập cảng Boston thì cũng là lúc Thượng viện Mỹ công bố điều tra về vụ chìm tàu Titanic. Khi đó chưa ai biết gì về vai trò của SS Californian trong tấn thảm kịch này. Chỉ đến hôm sau, ngày 20/4, một tờ báo nhỏ ở New England là The Clinton Daily Item cho đăng một bài gây sốc, nội dung SS Californian đã từ chối tín hiệu cầu cứu của tàu Titanic. Nguồn gốc của bài báo này phát xuất từ James McGregor, thợ mộc ở bang California, tự nhận mình có mặt trên tàu Carpathia khi xảy ra thảm kịch. Theo lời McGregor, lúc tàu Carpathia vượt qua tàu SS Californian trên đường cứu nạn, ông thấy “chiếc SS Californian đèn tối thui, tất cả đều đã ngủ”. Chưa hết, một tờ báo khác là Boston American cũng cho đăng một câu chuyện tương tự, dẫn nguồn từ kỹ sư Ernest Gill rồi kết luận: “SS Californian là con tàu duy nhất có mặt khi Titanic gặp nạn và cũng là tàu đầu tiên nhìn thấy pháo hiệu cầu cứu của Titanic nhưng đã không làm gì để hỗ trợ…”, còn với cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ lẫn Ủy ban điều tra tai nạn hàng hải Anh quốc thì đều chung nhận định: “Tàu SS Californian lẽ ra đã có thể cứu sống nhiều người nếu họ phản ứng nhanh chóng khi nhìn thấy pháo hiệu cấp cứu. Hành động của thuyền trưởng Lord trong thảm họa Titanic là không thể chấp nhận”.

Thế nhưng, mặc dù những chỉ trích về vai trò của thuyền trưởng Lord rất nặng nề nhưng cả Thượng viện Mỹ lẫn Ủy ban điều tra tai nạn hàng hải Anh quốc đều không đưa ra một cáo buộc hình sự nào ngoại trừ việc đình chỉ chức vụ thuyền trưởng của ông bởi lẽ các khảo sát thực địa cho thấy thời điểm Titanic bắn pháo hiệu cầu cứu, tàu SS Californian ở cách hiện trường tai nạn khoảng 15 đến 20 hải lý (27 đến 36km). Với tốc độ tối đa 22km/giờ, SS California có thể cứu người bị nạn chỉ sau 1 tiếng 30 phút với điều kiện trên biển không có “cánh đồng băng”. Trả lời các điều tra viên của cả Mỹ lẫn Anh, thuyền trưởng Lord nói: “Lúc nhận được tin báo của tàu Carpathia, tôi lập tức ra lệnh tiến hành cứu nạn nhưng phải mất gần 4 tiếng, tàu SS Californian mới đến”. Ngay cả thuyền trưởng Arthur Rostron của tàu Carpathia cũng thừa nhận rằng ông có lợi thế hơn SS Californian vì tàu ông tiếp cận hiện trường từ hướng Nam, tránh được phần lớn “cánh đồng băng” nhưng cũng phải mất hơn 2 tiếng Carpathia mới bắt đầu vớt những nạn nhân đầu tiên đang ngâm mình trong nước biển.

Minh oan

Mặc dù không bị pháp luật kết án, nhưng “bản án dư luận” vẫn treo trên đầu thuyền trưởng Lord suốt một thời gian dài. Chỉ đến khi cuốn sách “Một đêm đáng nhớ - A Night to Remember” của nhà báo Walter Lord xuất bản năm 1955 và việc phát hành bộ phim cùng tên năm 1958 thì thuyền trưởng Lord mới lên tiếng. Các kiến nghị của ông được gửi tới Chính phủ Anh và Hiệp hội hàng hải Mercantile mà Lord là thành viên nhưng nó rơi vào im lặng.

Năm 1985, khi xác tàu Titanic được tìm thấy cách vị trí của tàu SS Californian lúc nhìn thấy 8 quả pháo hiệu là 24km thì Hội đồng thương mại Vương quốc Anh mới yêu cầu điều tra lại, nhưng phải mất 7 năm (1992), Phó chánh thanh tra James de Coverly thuộc Văn phòng  Điều tra tai nạn hàng hải Chính phủ Anh (MAIB) mới kết luận: “Không có tàu nào được Titanic nhìn thấy vào thời điểm va chạm tảng băng trôi. Các sĩ quan trong phòng lái và các thủy thủ trên đài quan sát là những người sống sót đều xác nhận rằng trước và ngay sau khi xảy ra thảm họa, họ không hề phát hiện bất cứ một tàu nào ở gần họ và như vậy, những “ánh đèn rực rỡ” mà tàu SS Californian nhìn thấy có thể là của một con tàu khác, không xác định được. Ngay cả khi SS Californian biết chắc về tai nạn, họ cũng phải mất rất lâu để vượt qua cánh đồng băng…”.

Thuyền trưởng Lord qua đời ngày 24/1/1962 tại Anh, 30 năm trước khi những kết luận làm sáng tỏ vai trò của ông được công bố nhưng vong hồn ông vẫn phải đợi đến ngày 18/4/2022, nghĩa là sau 110 năm, khi Văn phòng Điều tra tai nạn hàng hải quốc tế chính thức xác nhận Stanley Lord, thuyền trưởng tàu SS Californian “không có lỗi vì đã không tham gia cứu giúp những nạn nhân trên tàu Titanic khi tàu này đụng phải một tảng băng trôi, dẫn đến 1.523 người thiệt mạng”…

Cuối cùng là “con tàu tai tiếng” SS Californian, ngày 9/11/1915, hơn 3 năm sau khi xảy ra thảm họa Titanic, khi đang trên đường từ Salonica đến Marseilles, nó bị trúng ngư lôi bắn đi từ tàu ngầm Đức U-34. Lúc được một tàu tuần tra Pháp lai dắt, nó lại trúng ngư lôi từ tàu ngầm Đức U-35 rồi chìm ở độ sâu 3.100m về phía Nam Tây Nam mũi Matapan, Hy Lạp. Đến nay xác tàu SS Californian vẫn chưa được tìm thấy…

Vũ Cao (Theo World Maritime History)
.
.
.