Người xưa xây cầu qua sông

Thứ Hai, 30/10/2023, 14:22

Chắc nhiều người nghĩ rằng, thời xưa người dân chưa có đủ điều kiện để làm cầu vượt sông, nên chủ yếu phải đi thuyền, đò. Nhưng thực tế, từ thời Lý, người Việt đã có thể xây được cầu bắc qua những con sông nhỏ.

Điển hình, như bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” viết, vào thời Vua Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 2 (1035), nhà vua “xuống chiếu bắc cầu Thái Hòa ở sông Tô Lịch, tháng 9, cầu bắc xong, vua ngự đến xem, sai các quan hầu làm thơ”.

Sông Tô Lịch thời xưa là một con sông trung bình chảy quanh kinh thành Thăng Long từ Hồ Tây vòng ra phía Tây thành Thăng Long rồi xuống phía Nam, là con đường giao thông quan trọng từ Thăng Long xuống Sơn Nam. Do đó, bắc được cầu qua sông cũng là một sự kiện lớn đáng ghi vào sử sách. Chỉ tiếc rằng sử ghi quá kiệm lời, không để lại thông tin cho đời sau biết quy mô cầu như thế nào, quá trình bắc cầu diễn ra làm sao.

cầu_ngói_chợ_thượng.jpg -0
Cầu ngói chợ Thượng

Cũng theo ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” thì ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) thời xưa cũng từng có cầu bắc trên hồ. Đó là sự việc diễn ra vào thời Vua Lý Nhân Tông, năm Long Phù thứ 5 (1105), được chép như sau: “Mùa thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy xung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8/4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường”.

Với quy mô để lại ngày nay thì chùa Diên Hựu chỉ còn lại một hồ nhỏ hình vuông bên trên xây Liên Hoa Đài thờ Phật, nhưng theo mô tả trong sử sách thì thời xưa, bên ngoài hồ Linh Chiểu còn có hồ rộng bao quanh, nên cầu bắc qua hồ cũng khá quy mô. Tiếc rằng theo biến thiên của lịch sử, toàn bộ ngôi chùa lớn sau này bị phá hủy hết, không còn những dấu vết về hồ và cầu để hậu thế chiêm ngưỡng.

Cũng thời Vua Lý Nhân Tông, vào tháng 10 năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 4 (1123) sử có ghi nhà vua ngự về hành cung Ứng Phong (ở Nam Định ngày nay) xem gặt lúa, đặc biệt có chi tiết “Chuyến đi này bắc cầu vồng qua sông Ba Lạt”. Sông Ba Lạt là khúc sông Hồng chảy ra biển ở cửa Ba Lạt ngày nay, giáp giữa huyện Giao Thủy Nam Định với huyện Tiền Hải Thái Bình. Có lẽ thời Lý, cửa Ba Lạt còn ở sâu trong đất liền, cách cửa biển ngày nay rất xa, nhưng là một khúc sông đổ ra biển thì con sông này khá rộng, do đó, để bắc được “cầu vồng” qua sông, cũng phải tốn khá nhiều công sức cũng như vật liệu.

Người xưa xây cầu qua sông -0
Cầu ngói chợ Lương

Ngày nay, dọc đường xuôi về vùng biển ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, có thể thấy bên cạnh đường thường có các con sông nhỏ và bắc qua sông còn khá nhiều cầu ngói kiểu “thượng gia hạ kiều”. Các cầu này có nhiều kiểu, từ cột gỗ đến cột đá hoặc có mố cầu xây gạch. Cầu ngói chợ Lương ở huyện Hải Hậu còn có lịch sử tới trên 500 năm, với những cột đá có từ thời Lê trung hưng. Kiểu cầu ngói này hiện vẫn còn rải rác ở khắp nước, như cây cầu ngói ở chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) có nền móng xây bằng đá hộc rất kiên cố.

Còn qua các sông lớn, thời xưa đều phải dùng thuyền hoặc cầu phao. Ở miền Bắc, sử sách ghi mỗi khi có quân xâm lược từ phương Bắc tấn công nước ta, bộ binh của chúng qua các sông lớn như sông Thương, sông Cầu, nhất là sông Hồng, đều phải bắc cầu phao.

Việc băng qua các sông lớn ở miền Trung cũng vậy. Như trong cuộc chiến giữa quân Trịnh và quân Nguyễn, theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, năm 1660, khi quân của hai tướng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến ra Nghệ An, tháng 8 năm đó, Nguyễn Hữu Dật đã cho bắc cầu phao để quân lính qua lại sông Lam. Đến cuối tháng, Nguyễn Hữu Tiến cho rút quân về bờ nam, ra lệnh dỡ cầu phao thì tháng 9, chúa Trịnh Căn tiến quân vào Nam, lại cho bắc cầu phao để quân qua con sông này.

Người xưa xây cầu qua sông -0
Cầu Giấy xưa

Ở miền Nam cũng vậy, “Đại Nam thực lục” chép vào thời chúa Nguyễn Ánh ở Gia Định, năm 1782, rằng: “Vua nghe tin giặc Tây Sơn mưu vào cướp, sai đặt đồn Thảo Câu (Vàm Cỏ) ở bờ phía nam sông lớn Gia Định, giao cho Dương Công Trừng giữ, ở bờ phía bắc thì đặt đồn Dác Ngư (Cá Dốc), giao cho Tôn Thất Mân giữ, ngang sông bắc cầu phao để tiện qua lại. Trong sông thì bày hơn trăm chiến thuyền để làm thế dựa nhau, do Chu Văn Tiếp, Tôn Thất Cốc, Võ Di Nguy, lưu thủ Thăng, tiên phong Túy quản lãnh”. Hoặc năm 1793, chúa cũng sai “Bắc cầu Vàm Cỏ (Thảo Câu, từ bờ sông Lò Vôi ngang qua bờ sông Vàm Cỏ), sai Trương Phúc Luật trông nom công việc”.

Sử sách thời chúa Nguyễn không ghi lại việc xây cầu ở Đàng Trong thế nào, nhưng cho biết trên đường bộ đã có cầu để người bộ hành có thể qua lại. Sử nhà Nguyễn cho biết, năm 1710, thời chúa Nguyễn Phúc Chu, có lệnh chúa “sai hai dinh Lưu Đồn và Quảng Bình sửa sang các lũy và cầu cống, đường sá”.

Năm 1793, sau những trận đánh lớn với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đem quân từ Quy Nhơn về Gia Định, cũng đã sai các dinh Phú Yên, Bình Khang và Bình Thuận đều xét những nơi nhà trạm dọc đường để trưa nghỉ tối ngủ mà dựng nhà quan cư, sửa cầu đường, dự bị dân phu lương thực chờ xa giá đi qua dừng lại.

Ở Phú Yên, năm 1800, chúa Nguyễn Ánh cũng sai tướng Nguyễn Hoàng Đức rút quân ở bảo (tức đồn nhỏ có thành đất) Lữ Quán về, chia bắt các đạo bắc cầu Tuần Giang để thông đường chở lương, tiện việc quân báo. Hiện chưa rõ “cầu Tuần Giang” mà “Đại Nam thực lục” ghi là ở đâu.

Khi Vua Gia Long ra bắc Gia Long năm thứ 2 (1803), khi ra đến Nghệ An, đóng lại ở hành cung Hà Trung, nhà vua ban sắc sai trả tiền gạo cho người dân sở tại sửa đắp đường quan; riêng cầu cống có gãy nát thì dùng quân lính mà sửa chữa, không được động dụng sức dân. Theo dã sử thì cầu Bố ở thôn Bố Vệ phía Nam thành phố Thanh Hóa thời Lê cũng là một cây cầu xây theo kiểu “thượng gia hạ kiều” nổi tiếng, đây là nơi phát tích của triều Lê trung hưng, khởi nguồn từ Vua Lê Anh Tông, vốn là cháu 4 đời của Lam quốc công Lê Trừ, anh trai Vua Lê Thái Tổ. Khi Vua Gia Long ra Bắc có ghé qua đây, lúc ra Thăng Long đã ra lệnh dời Thái miếu nhà Hậu Lê về xây ở ngay đầu cầu Bố.

Trên các con đường ở miền Bắc, nhiều cây cầu được xây dựng ghi danh vị công trình sư nổi tiếng thời Lê trung hưng, ông Vũ Công Chấn. Nhiều tài liệu để lại cho biết ông là người chỉ đạo xây dựng rất nhiều cây cầu như cầu bắc qua sông Luân (giáp ranh hai huyện Nông Cống và Tĩnh Gia) cầu Lệ Xuyên và Phú Cốc cùng ở Thanh Hóa. Năm 1671 ông cũng đốc công xây dựng cầu Thiên Phúc ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đặc biệt, một cây cầu nổi tiếng ở phía Tây kinh thành Thăng Long do Vũ Công Chấn chỉ huy xây dựng năm 1667, là cầu Yên Quyết bắc qua sông Tô Lịch, nằm trên huyết mạch giao thông từ xứ Đoài vào kinh thành Thăng Long, về sau và cho đến nay vẫn gọi là Cầu Giấy.

Theo văn bia “Trùng tu Tô Giang kiều bi ký dựng” năm 1679 ở ngay đầu cầu cho biết: "Một tòa cầu dài 15 gian, bầy nhạn bay qua cầu tưởng là gặp phải dãy núi. Từ sông Tô Lịch nhìn lên như một lầu cao rực ánh hồng. Trụ cầu vững vàng đứng giữa dòng sông. Đi trên sàn ván cầu mà như là dẫm trên đất bằng". Văn bia còn khẳng định: "Nơi thắng địa Thượng Yên Quyết này có chiếc cầu nổi tiếng trên dòng sông Tô Lịch". Chúng ta còn được ngắm hình ảnh Cầu Giấy hồi đầu thế kỷ XX qua những bức ảnh tư liệu của người Pháp, cầu không còn mái ngói phía trên và khó lòng biết được cây cầu vòm đá này có phải nguyên bản từ thời Vũ Công Chấn xây dựng hay không.

Việc xây dựng cầu cống sau đó được sử sách thời Nguyễn ghi chép lại cụ thể hơn. Điển hình như năm Minh Mạng thứ nhất (1820), mùa hạ, triều đình cho xây cầu Ngự Hà ở trong kinh thành. “Đại Nam thực lục” chép cụ thể: “Cầu ở phía bắc kho Thái Thương và kho Vũ Khố. Năm đầu Gia Long mới bắc cầu gỗ gọi là cầu Thanh Câu, lâu ngày cầu hư, vua mới sai các quân chồng đá xây ở dưới, để ba khoảng trống, trên lát đá xanh, hai bên có lan can bằng đá. Hơn một tháng cầu xong, vì tên sông là Ngự Hà cho nên đặt tên cầu là cầu Ngự Hà. Thưởng cho các quân hơn 2.400 quan tiền. Từ đấy về sau có công việc dựng làm, không việc gì là không hậu thưởng”.

Việc xây cầu đá được chép nhiều trong giai đoạn trị vì của Vua Minh Mạng. Như vào năm thứ 4 (1823), tháng 3, có sự kiện xây cầu đá cửa tả hữu thành Quảng Bình. Cụ thể, sử chép: “Trước kia sai Thiêm sự Công bộ là Trần Đăng Nghi hợp đồng với dinh thần trù tính vật liệu về công việc xây thành, thêm giá mà đặt mua (một đống đá núi cấp 25 hộc thóc; một đống vôi cấp 20 hộc thóc). Đến nay vua nghĩ công việc thành nặng hơn, nếu hưng công xây đắp ngay thì sức dân sợ không làm nổi, bèn phát thợ ở Kinh và binh vệ Tuần thành, hằng tháng cấp cho tiền gạo (mỗi người một tháng 2 quan tiền 1 phương gạo), làm hai nơi cầu cửa tả cửa hữu trước”. Cũng năm đó, nhà vua sai “xây cầu đá ở đường quan phủ Thừa Thiên (Hương Trà 5 sở, Phú Vang 8 sở)”.

Sang mùa xuân năm Minh Mạng thứ 6 (1825), tiếp tục có việc “xây cầu đá trên đường quan ở Thừa Thiên (từ sông Hương về Nam 35 sở, về Bắc 17 sở)”. Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 6 (1825), “Đại Nam thực lục” cho biết: “Nhân lúc không phải ngày mùa, sai thuê dân xây cầu đá trên đường quan, hằng ngày cấp cho tiền gạo. Vua bàn muốn ra xem, gặp hạn bèn thôi”. Ở các địa phương từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận khi đó giá gạo hơi cao, vua Minh Mạng cũng sai các trấn thần thuê dân xây cầu đá trên đường quan, hậu cấp cho tiền gạo.

Ở vùng Bắc trung bộ, Vua Minh Mạng cũng quan tâm chỉ đạo việc xây cầu bằng đá. Tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), vua sai các trấn Thanh Hóa, Nghệ An xét các đường cái quan trong hạt, những chỗ sông nhỏ khe ngòi, chỗ nào nên xây cầu đá thì trù tính nhân công vật liệu làm sách đệ tâu để lần lượt làm. Năm sau, lệnh này tiếp tục được vua thúc giục cho hai trấn.

Ở miền Nam, mùa thu năm Minh Mạng thứ 16 (1835), bộ Công xin vua ra lệnh cho các quan tỉnh từ Gia Định qua Định Tường đến Vĩnh Long, An Giang, và từ An Giang, một đường đi Hà Tiên, một đường đến Trấn Tây (Campuchia), đều tùy địa thế, mở đắp đường bộ để tiện việc quan báo. Nếu gặp khe ngòi thì bắc cầu, gặp sông to thì đặt bến chở đò. Những nhu phí về nhân công và vật liệu đều lấy số tiền thừa trước đó mà chi dùng. Nhà vua chuẩn y lời bàn ấy.

Ngoài các tỉnh Bắc bộ, mùa đông năm Minh Mạng thứ 16 (1835), qua lời tâu của bộ Công lên nhà vua, có thể thấy thời đó đã có việc làm cầu để đi lại trên cửa cống thủy lợi. Lời tâu viết: “Xem trong đồ bản, bờ bên hữu sông Cái vẫn có 2 ngòi nhỏ (một cái từ xã Mai Viên huyện Kim Động đến xã Thiện Phiến huyện Tiên Lữ; một cái từ xã Ba Đông huyện Phù Dung đến xã Mai Xá huyện Tiên Lữ, đều ở Hưng Yên ngày nay) đều thông với sông Cái. Vậy xin ở chỗ đầu hai ngòi giáp với sông mới, đều đặt một cái cống có cánh cửa, rộng 6, 7 thước để thuyền có thể đi lại được, trên bắc cầu ngang để tiện qua lại, dưới làm cửa bằng ván gỗ để tiện mở, đóng, theo như thể lệ đóng mở cống nước”. Lời bàn này cũng được nhà vua chuẩn y.

Việc xây dựng cầu nhỏ tiếp tục được duy trì trong thời nhà Nguyễn cho đến khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, họ bắt đầu tiến hành xây dựng những cây cầu kiên cố bắc qua các con sông lớn để thuận tiện cho việc giao thông cũng như khai thác thuộc địa.

Lê Tiên Long
.
.
.