Mệ nội tôi
Mệ kể nhiều chuyện trên đời, những thăng trầm đời mệ làm tôi thương lắm… Mệ không thể quên được, hôm đó trời trở lạnh, ba về thăm nhà sau nhiều tháng đi xa, ôm các con nhỏ vào lòng chưa ấm thì bị cảnh sát Sài Gòn cũ ập đến bắt ông ấy đi. Vài tháng sau, gia đình nhận được tin dữ: "Ông đã chết trong nhà lao".
Cuối mùa mưa năm ấy, sông Hương cuộn lên những vệt dài màu xám lấp xấp bờ, hàng cây ven sông nặng nước lom khom, vài con chim én lẻ loi sà xuống, bay lên như chào nhau lấy lệ. Con hẻm sâu hun hút vào nhà mệ nội chật chội, tối tăm, bóng một người phụ nữ chầm chậm bước, thỉnh thoảng lại xóc nách đứa bé cùng chiếc làn nhựa màu xanh thò ra cái bao tải dứa màu ố vàng tiến vào nhà. Bác Hai nhận ra mạ kêu lên:
- Bây ơi! Mạ về, mạ về rồi!
O út mừng quá chạy ra, chút nữa không nhận ra mạ. Bác cả chạy đến đỡ cái làn nhựa trên tay mạ:
- Dạ, mạ về rồi ạ! Mạ nhọc lắm không?
Mệ đặt đứa bé xuống, ngồi thụp dưới thềm nhà, sụt sùi. Mệ đi kiếm thông tin về người chồng là ba của các con mà chưa có tin chi cả. Mệ đi đến các nghĩa trang ở quê, tìm tên ông trên hàng nghìn bia mộ, mệ cứ nghĩ có lẽ ông ấy đang nằm trong những ngôi mộ chưa biết tên, hay còn đâu đó trong núi thẳm, rừng sâu. Rồi mệ lại đi từ làng này đến làng khác để hỏi thăm, nhưng vẫn không có thông tin... Cha mẹ mất khi ông ấy còn nhỏ, ông đi ở, làm thuê, rồi đi đâu không rõ, mệ biết nơi mô mà tìm. Mấy đồng tiền ít ỏi tiêu pha hết, có lúc phải vào nhà dân xin củ sắn, củ khoai qua ngày. Mệ buồn quá muốn chết cho rồi, nhưng cứ nghĩ đến các con, mệ lại cố vượt qua.
Người anh cả mặt buồn rười rượi, giận mạ ngồi thượt ở góc giường, miệng lủm bủm không hiểu mạ tìm ông họ Hồ ấy chi cho thêm khổ. Nhà mẹ góa, con côi đầy những lời thị phi của người đời chưa đủ khổ sao!... Lặng lẽ hồi lâu, mới cất lời:
- Mạ! Rứa đứa nhỏ ni là con ai đây?
Đôi mắt của mệ buồn thăm thẳm, những giọt dài lăn trên đôi má gầy nhom:
- Mạ hắn không qua khỏi do bị bệnh sốt rét ác tính, còn ba cũng không biết mô nữa. Dì là bạn đường trong những lần buôn bán nhỏ, trước khi mất dì trăng trối nhờ mạ nuôi con. Mạ thương bé côi cút cho theo cùng. Chừ năm anh em các con phải coi bé là em út trong nhà, biết ai thương hắn hơn nữa mô!
*
Mệ kể nhiều chuyện trên đời, những thăng trầm đời mệ làm tôi thương lắm… Mệ không thể quên được, hôm đó trời trở lạnh, ba về thăm nhà sau nhiều tháng đi xa, ôm các con nhỏ vào lòng chưa ấm thì bị cảnh sát Sài Gòn cũ ập đến bắt ông ấy đi. Vài tháng sau, gia đình nhận được tin dữ: "Ông đã chết trong nhà lao". Người mẹ trẻ và ba đứa con nhỏ vô cùng đau đớn, ngày lại ngày phải sống trong cảnh cơ cực, tủi nhục trăm bề.
Trong một lần đi chợ bán cá, mệ bị tai nạn ngất xỉu, may thay có ông Hồ Chớ giúp đỡ đưa mệ đi cấp cứu kịp thời. Từ đó mà ông bà quen biết rồi thương nhau, kết thành chồng - vợ. Mệ nội và ông Hồ Chớ có hai người con chung là ba tôi và o Thương. Là cha dượng, nhưng ông Chớ gần gũi, hết mực yêu thương các con. Tết Mậu Thân năm 1968, khi cả nhà đang quây quần bên bữa cơm chiều, thì ông Chớ nhận được tín hiệu nguy hiểm đang đến, buông bát cơm đang ăn dở, vội đi ngay.
Rồi chiến tranh diễn ra khốc liệt, bom rơi, đạn nổ, tang thương bao trùm. Cũng từ đó mệ nội không hề biết tin ông Chớ ở đâu nữa. Người phụ nữ duyên dáng ngày nào bỗng suy sụp, mất ngủ triền miên, tóc rụng gần hết, đôi mắt quầng sâu. Bà con lối xóm động viên, mệ lại lần nữa nén buồn đau, gượng dậy lam lũ gánh gồng nuôi dạy đàn con đi qua những tháng ngày cơ cực.

Ngày đất nước thống nhất, nhà mệ nội cùng chung niềm vui lớn lao của dân tộc, nhưng trong sâu thẳm vẫn buồn vời vợi. Hằng đêm mệ vẫn thao thức cầu mong có phép màu nào đó để người thân yêu của mệ có thể trở về. Mệ dành từng đồng tiền tiết kiệm ít ỏi của mình làm lộ phí để đi tìm ba cho các con. Cứ dịp tiết Thanh Minh, mệ lại lo lắng đi về Quảng Trị quê ông nội ít ngày. Một lần ba tôi đi học về nhìn thấy tờ giấy đặt trên bàn "...Mạ đi xa một thời gian, các con ở nhà ngoan nhé! Mạ sẽ gửi tiền về...".
Được vài tuần, gạo trong thùng đã hết, mấy anh em xách rá đi vay, nhưng rồi bà con cũng cùng cảnh ngộ, gạo không có nhiều. Mưa tầm tã cả tuần không ngớt, nước lũ bao quanh, bơ gạo cuối cùng chia ra nấu cháo cầm hơi. O út đói bụng khóc nhè gọi mạ, càng thêm não nề... Nhớ mãi bà hàng xóm cho bé củ khoai, anh nhẹ nhàng bóc từng tí vỏ lụa, nước miếng cứ tứa ra, em đói quá há miệng chờ sẵn mà thương.
Tạnh mưa, bác cả buồn bã nói: "Mấy đứa chừ không học hành chi hết, chưa học chưa chết, phải làm chi để kiếm ăn đã! Anh xin đi phụ hồ, chú hai xin phụ làm mộc, mấy đứa nhỏ thì bán nước, bán chè ở bến xe, rạp hát chi đó nghe chưa! Thế là các khu chợ, bến xe có thêm mấy sắp nhỏ đen đúa mặc chiếc áo dài luợt thượt, na cái ấm nhôm to, làm người vẹo lại, những tiếng rao yếu ớt suốt ngày "ai nước đây!"...
Trời nắng bán hết hàng thì chớ, gặp phải trời mưa lòng cũng như nước buồn thiu. Những đồng tiền lẻ lãi lời ít ỏi từ ấm nước chè thấm mồ hôi và cả nước mắt cũng đỡ đần mạ có cái ăn qua ngày. Mà bữa ăn nhiều khi chỉ là nắm hồ bột sắn, mỗi đứa một đôi đũa quấy vào nồi mút xuỳn xuỵt cho xong.... Năm tháng đói khổ rồi cũng dần qua, các con của mệ lớn lên tỏa đi làm ăn khắp nơi, cuộc sống khá dần lên theo sự đổi mới của đất nước, chỉ có ba tôi ở nhà với mệ nội...
*
Khi tôi lên 5 tuổi, do điều kiện khó khăn, ba mẹ đưa nhau về quê ngoại Quảng Trị sinh sống. Ba làm thợ mộc, mẹ buôn bán nhỏ ở chợ quê, còn hai đứa em nữa, cuộc sống cũng khó khăn. Tôi ở với mệ nội, thỉnh thoảng mới được về thăm quê ngoại và gia đình vài ngày lại đi. Năm học lớp 9, có lần bị mất trộm hai chục nghìn đồng ba cho kẹp trong cuốn sách, tôi tiếc ngẩn ngơ. Về đến nhà chưa kịp chào, mệ nội đã mắng xối xả:
- Mi, đồ hư hỏng, đồ mất nết! Mệ đi làm về nhọc mà mi không mở mồm chào hỏi chi ai là răng?
- Dạ, con xin lỗi mệ nội!... Bà vớ được roi đánh liên tiếp, quăn hết cả đít. Tôi khóc lóc van xin mà mệ vẫn lẩm bẩm… Con chó mực đi đâu về ngút ngoắt nước bay tung tóe, cuốn lấy chân bà chủ, bị mệ cho một phang cụp đuôi, chạy mất dạng. Hình như mệ nội buôn bán ế hàng chi thì phải! Rồi những lần mải chơi điện tử, mệ nội túm được đánh cho sưng hết cả mông. Mệ luôn dạy "đói cho sạch, rách cho thơm", gắng mà học cái chữ mà làm gương cho mấy em... Hoàn cảnh khó khăn nhưng đi học về lúc nào cũng thấy mệ ở cửa đợi cháu về. Mệ lo từng bữa ăn, giấc ngủ.... Các bác, các o ở xa, thỉnh thoảng lễ tết mới về thăm mạ, chẳng mấy khi tôi nhìn thấy nhà mệ nội đông đủ. Có khi về lại tranh cãi chuyện ba tôi, ba anh...
Tôi học xong lớp 12, rồi thi vào đại học quân sự, nhưng không đỗ, đầu năm sau tôi xung phong vào bộ đội. Đơn vị đóng quân cách nhà vài chục km. Ấy thế mà mệ nội cứ khóc sụt sùi, lo lắng, bảo khổ cho thằng bé phải đi lính này nọ. Còn tôi thì yên tâm công tác, học tập, rèn luyện tốt, được cấp trên biểu dương. Ước mơ thành sĩ quan Quân đội trong tôi ngày càng cháy bỏng. Một lần, mệ nội và bác trai - con người chồng đầu của mệ nội đến thăm tôi ở đơn vị. Được nghe thủ trưởng thông tin tôi là một trong những chiến sĩ có triển vọng, đơn vị đang xem xét cử đi học để ở lại phục vụ lâu dài trong Quân đội. Mọi người đang phấn khởi, nói cười, đột nhiên ông bác nói câu:
- Ừ, nó thì giỏi giang, tốt rồi! Nhưng mà ông nội nó là lính ngụy Sài Gòn thì có ổn không? Cha tui bị bắt rồi chết trong nhà tù đế quốc chắc chi ông hấn không liên quan!
Mọi người quá bất ngờ, ngơ ngác! Răng nhà ni có ông bác khùng như ri trời? Giấc mơ tôi bỗng dưng vỡ nát. Ba tôi vẻ mặt từ đỏ bừng chuyển sang tím tái, hận bác gầm gừ như con thú bị cướp mồi, rồi hận cả mệ nội mà không có cách nào giải tỏa. Ba bị phát bệnh nội tâm, suy sụp tinh thần phải chạy chữa khắp nơi. Tôi buồn chán và bế tắc vô cùng. Anh em, bạn bè biết chuyện chia sẻ, động viên, rồi những lần tham gia chiến dịch "Hè tình nguyện", tôi xốc lại tinh thần, quyết tâm đèn sách ôn thi và đỗ đại học.
Tôi lại về ở với mệ nội cho đến khi học xong đại học, đi làm. Trong tôi đầy ắp những kỷ niệm về tuổi thơ người hai quê, có nét đẹp của người con xứ Huế, có tình người thủy chung, kiên cường của người Quảng Trị. Rồi nghề nghiệp hướng dẫn viên du lịch đã cho tôi trải nghiệm nhiều nơi, càng thấu hiểu giá trị của hòa bình phải xây bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương, máu của biết bao đồng bào, chiến sĩ.
Chuyến về Quảng Trị lần này trong tôi cảm xúc tự hào, bởi không chỉ về thăm quê, thăm ba mẹ như nhiều lần trước, mà trên cương vị người đồng hành cùng đoàn khách thăm chiến trường xưa. Đang say sưa kể về chiến thắng Quảng Trị, về những tấm gương anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, hóa thân vào đất mẹ cho đoàn khách tham quan. Tôi thấy nhiều người trong đoàn xúc động, nước mắt rưng rưng. Bỗng một bác Cựu chiến binh tóc bạc, bước lại gần, nắm lấy tay tôi thật chặt:
- Ông cảm ơn cháu, cháu đã kể lịch sử Việt Nam và về Quảng Trị xúc động lắm. Dưới lớp cỏ này, đồng đội tôi nằm dịu bớt nỗi đau vì đã hy sinh để con cháu được hưởng niềm hạnh phúc khi Tổ quốc mình độc lập, hòa bình!
- Cháu là người đồng bào Vân Kiều à! Giỏi lắm!
- Dạ, không! Cháu người Kinh ạ! Ông nội cháu là người Quảng Trị, nhưng cháu sinh ra và lớn lên ở Huế!
- Người Huế thì nghe giọng là mến rồi, cháu là họ Hồ! Rất có thể là họ hàng của ta!
- Chuyện họ hàng nhà cháu rắc rối lắm ạ, ông chồng trước của mệ thì họ Nguyễn, chồng sau họ Hồ. Về sau mệ nội làm giấy tờ khai sinh các con đều mang họ Hồ cả. Mệ giải thích vì thương ông họ Hồ, rứa thôi. Cũng vì lý lịch mà các bác con chồng trước nhà mệ nội oán giận mệ hoài. Còn con, chừ không trách ai, gia đình con cũng là một phần của lịch sử, con lớn lên trong tình thương của mệ nội và quê hương xứ sở.
- Năm mươi năm ngày đất nước thống nhất, hòa hợp, hòa giải dân tộc là cần thiết, nên làm, chúng ta ai cũng là con Lạc cháu Hồng, đất nước hòa bình, phát triển là điều hạnh phúc nhất đó cháu! - người cựu chiến binh tâm sự.
Dạ, chúng ta không được quên quá khứ, nhưng cũng phải khép lại để đất nước hội nhập, phát triển, để người Việt Nam ta ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài được hưởng niềm hạnh phúc, hòa bình một cách trọn vẹn.
- Ôi, chuyện cháu kể xúc động lắm, cháu kể tiếp đi. Ông cháu lại thủ thỉ tâm tình:
Dạ, ba con kể rằng:
- Có lần ông nội về quát ba: "Mi không đi nhà thương mà trị bệnh cho khỏe, thì cái đầu còn đau nữa!". Bỗng có người mặc trang phục bộ đội, tay cầm cái gậy dẫn đi, đi mãi, rồi lạc vào một cái hang đá sâu hun hút, có ánh sáng leo lét nhìn thấy cả hộp sọ, xương người. Rón rén từng bước, tiếng lá cây khô lạo xạo dưới chân, có cả tiếng rên rỉ, rồi một tiếng hét lớn "Ai đấy!". Ba bật dậy… mồ hôi vã ra như tắm, hóa ra là nội về báo mộng. Cha ôi! Từ lâu vợ con giục ba đi viện miết mà ông bảo tao chẳng có bệnh gì hết, bây bị bệnh thì có. Thế mà lần này ba lo lắng sửa soạn xin nhập viện sớm. Một buổi chiều, trời oi bức, ba đang đi dạo trong khuôn viên bệnh viện thì bất ngờ bên ghế đá có một bệnh nhân già đứng phắt dậy, gọi tên:
- Anh Chớ! Thủ trưởng Hồ Chớ phải không? Em Bùi C18 - Lính thông tin đây! Sông Trà gọi, Sông Hương trả lời?A lô!...
- Trời ơi! Anh dũng cảm lắm cơ mà! Anh thương lính chúng em lắm cơ mà! Anh ấy bị thương rồi, trời đất Hoài Ân ơi! Anh Chớ ơi, anh đừng chết mà!... Trận đó ba người trong một căn hầm nhỏ bị bom địch đánh trúng, ông Chớ bị mảnh bom xuyên qua người, chỉ kịp gọi: "Liên ơi, anh chết mất thôi...!". Ơi là trời! Toàn bộ ổ bụng anh Chớ lòi ra ngoài. Anh thều thào dặn dò đồng đội những lời đứt quãng: "Anh em... đoàn kết... giữ đất, giữ làng! Tôi không... thể dự... ngày vui chiến thắng được... nữa rồi!... Tình yêu, tình đồng chí, đồng đội và mệnh lệnh cuối cùng của anh giao cho chúng tôi là niềm tin ngày chiến thắng. Lời bài hát dân ca anh tập cho tôi vẫn còn dang dở. Giọt lệ cuối cùng ứa ra nơi khoé mắt. Anh đã ngã xuống nơi rừng Trường Sơn hùng vĩ vì Tổ quốc thiêng liêng!
- Người bệnh nhân già lại òa khóc nức nở gọi tên anh trong vô vọng. Mọi người hướng mắt về phía ấy, cô điều dưỡng dỗ dành đưa ông về lại phòng khoa nội thần kinh, ông vẫn dùng dằng ngoái nhìn theo dáng ba tôi, gọi: "Anh Chớ ơi"! ...
Năm sau, khi bệnh tình ba tôi ổn định, gia đình lặn lội vào Bình Định tìm mộ ông nội, qua thông tin từ đồng đội cũ và sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương. Ông nội gia nhập lực lượng Quân giải phóng hoạt động bí mật. Khi biết được thông tin này thì bà Liên - mệ nội của cháu không còn nữa, thương ông, thương mệ nội vô cùng! Hạnh phúc nào mà chẳng có đấu tranh và sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ cho đất nước độc lập, nở hoa.
Trời sắp sáng thì cũng tìm được hài cốt. Đối chiếu mọi thông tin đều trùng khớp, ba tôi chích đầu ngón tay của mình, từng giọt máu từ từ thấm vào xương cốt, ba tôi oà khóc, "Ba ơi!... đúng là ba đây rồi! Ba ơi!". Mọi người không cầm được nước mắt. Một luồng gió thổi qua, tôi cảm giác lạnh khác thường, toàn thân nổi da gà, bát hương bùng cháy... Dạ! “Nam mô A Di Đà Phật !”. Con cháu kính cẩn nghiêng mình xin được đón ông về quê nhà và bên mệ nội yêu thương!
*
Mùa mưa ở Huế trầm mặc, mưa vẫn giăng từng sợi len lỏi vào từng ngõ ngách, tạo ra khung cảnh yên bình và cuốn hút lạ lùng. Đêm đến hai bên bờ Sông Hương, cầu Trường Tiền sắc tím lung linh thơ mộng. Con hẻm ngày xưa nhà mệ nội ở đã khang trang, rợp cờ hoa, rộn rã tiếng cười con trẻ. Ngôi nhà mệ nội được sửa sang, tôn tạo lại rất ấm cúng, tiện nghi. Ngày giỗ ông và mệ nội năm nay trùng dịp ngày hội lớn của toàn dân tộc, anh em, con cháu tụ họp đông đủ.
Mưa tạnh dần, trời hửng lên, cầu vồng xuất hiện những sắc màu huyền ảo, bạn gái tôi reo lên thích thú: "Thanh bình và đẹp quá anh ơi !"... Tôi nắm chặt tay em, nhìn về phía trời xa, những đám mây trắng tựa bông bay bay như thấy mệ nội cười, hình bóng của mệ nghiêng nghiêng.