Trở về sau giấc mơ “đổi đời”

Thứ Sáu, 10/11/2023, 09:40

Trở lại vùng cao tỉnh Sơn La những ngày cuối tháng 10, chúng tôi có mặt tại xã Phiêng Ban, địa bàn có tới 14 nạn nhân được giải cứu từ “địa ngục trần gian” sau khi dính bẫy “việc nhẹ lương cao” trong năm 2023. Các đồng chí Công an phụ trách địa bàn cho biết, hiện tại chỉ còn số ít nạn nhân ở địa bàn, có người về xuôi làm ăn, nhưng cũng có người đã tìm cách trở lại nơi mình từng được giải cứu.

Thiên đường trên mạng, địa ngục trần gian

Vì sao họ chấp nhận quay trở lại “địa ngục trần gian”? Câu trả lời có lẽ không gì khác ngoài một chữ “tiền”. Một số người vẫn cho rằng chỉ nơi đó mới cho họ một nguồn thu nhập cao hơn, mới giúp họ đổi đời… Tuy nhiên, khi tận tai nghe những câu chuyện mà các nạn nhân trở về từ “thiên đường trên mạng” ấy mới cảm thấy rùng mình. Liệu rằng sự đánh cược tính mạng của các nạn nhân đang quay trở lại xứ người có đáng?

anh 2.jpg -1
Công an tỉnh Sơn La tuyên truyền vận động nhân dân cảnh giác với tội phạm mua bán người.

Tôi tìm đến gia đình em Lò Văn L (SN 2007) trú tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Em là một trong những nạn nhân bị dụ dỗ sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”, may mắn được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Tổ chức Rồng xanh (tổ chức phi chính phủ chuyên giải cứu trẻ em đường phố, trẻ em, phụ nữ thoát khỏi nạn buôn bán người) giải cứu về đoàn tụ với gia đình.

Nhớ lại quãng thời gian nơi đất khách quê người bị bóc lột thậm tệ, L. kể: Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên L. đi làm thuê tại thành phố Bắc Ninh. Đến tháng 7/2022, em nhận được lời mời giới thiệu vào làm thuê tại TP Hồ Chí Minh với mức thu nhập “rất khủng”, không cần phải làm việc tay chân nhiều, chỉ cần ngồi thao tác máy tính là có tiền. “Mật ngọt thì chết ruồi”, em tin những lời đó là thật và ngay lập tức nhận lời. Sau đó, có một người lạ mặt đón sang Campuchia làm thuê và ký ngay một bản hợp đồng làm việc trong thời gian 9 tháng.

Việc nhẹ chẳng thấy, lương cao lại càng không, “thiên đường” mà em tưởng tượng ra trước đây hóa là “địa ngục trần gian”. L. bị các đối tượng đánh đập bầm dập: “Họ nói muốn được thả về nhà thì yêu cầu gia đình phải gửi số tiền chuộc là 5.000 USD tương đương với 115 triệu đồng. Em liên hệ nhiều lần về nhà để cầu cứu nhưng gia đình khó khăn, không có tiền chuộc. Bố mẹ của em làm cả đời cũng chẳng đủ ăn, bây giờ lấy đâu 115 triệu đồng chuộc con. Đến tháng 2/2023, nhờ sự giúp đỡ của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Tổ chức Rồng xanh, em đã được về nhà an toàn”.

Giống như L., mặc dù được giải cứu đã 5 tháng, song khi kể lại sự việc với chúng tôi, em Hà Đ.Tr (SN 2003) ở xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn vẫn nhớ như in những ngày nơi xứ người. 8 tháng làm việc bên Campuchia em thường xuyên bị đánh đập, ép làm những công việc nặng nhọc, ép gọi điện cho gia đình gửi tiền chuộc...

Những cái bẫy được giăng ra khắp nơi để dụ con mồi là người trẻ đang tìm kiếm việc làm. Đã có nhiều bài học xảy ra, thế nhưng vẫn còn nhiều người do nhận thức kém và bị đồng tiền, lời hứa hẹn che mắt. Bởi thế, công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong thời gian qua đã được các cấp, ngành triển khai đồng bộ, tuy nhiên trên thực tế vẫn vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến mua bán người phát hiện chậm do nạn nhân đi khỏi nhà nhiều ngày sau gia đình mới trình báo, khi bị đưa đến các tỉnh giáp Trung Quốc hoặc đã bị bán thì mới được phát hiện, gây khó khăn trong công tác giải cứu nạn nhân, xác minh và truy bắt đối tượng.

Để không còn ảo tưởng về giấc mơ “đổi đời”

Theo Thượng tá La Phúc Lợi, Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Sơn La: “Một số bị hại đang ở nước ngoài nên việc củng cố tài liệu chứng cứ gặp nhiều khó khăn hoặc không thu thập được, các đối tượng mua bán nằm trong đường dây tương đối chặt chẽ, phần lớn các dấu hiệu xác định tội danh mua bán người thực hiện qua biên giới nên việc giám sát, tổ chức bắt giữ, xử lý bị hạn chế, kéo dài, tốn kém kinh phí, thời gian, công sức”.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Sơn La, hầu hết các nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, gia đình nghèo, trình độ văn hóa thấp, điều kiện tiếp xúc với mạng xã hội và nhận diện các thủ đoạn của đối tượng mua bán người còn hạn chế. Do tâm lý sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và sợ gia đình nên khai báo không trung thực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi thi hành nhiệm vụ.

anh 1.jpg -0
Kiểm tra sức khỏe nạn nhân sau khi được giải cứu từ Campuchia trở về.

Thượng tá La Phúc Lợi thông tin: Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có 63 trường hợp nghi bị lừa bán sang Campuchia làm việc trong các cơ sở cờ bạc (trong đó đã có 36 trường hợp đã trở về địa phương, còn 27 trường hợp chưa được giải cứu và bây giờ vẫn đang ở Campuchia). Đối tượng sử dụng mạng xã hội để tuyển lao động, sau đó hướng dẫn người lao động vào các tỉnh phía Nam rồi đón đưa qua biên giới sang Campuchia làm việc tại các công ty do người Trung Quốc quản lý. Người lao động khi bị đưa sang Campuchia thì mới biết mình bị lừa, nếu muốn trở về Việt Nam thì gia đình phải chuyển tiền vào tài khoản cho chúng để thanh toán các khoản phí thì mới cho về nước.

Theo thông tin của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La, từ đầu năm 2023 một số đối tượng sử dụng mạng xã hội đăng các bài tuyển dụng việc làm với mức lương từ 10 - 20 triệu đồng phục vụ các quán ăn, nhà hàng tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang... để dụ dỗ, lừa gạt các nạn nhân chủ yếu là nữ giới trong độ tuổi từ 16 - 30 đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, khi các nạn nhân đồng ý thì cho người trực tiếp về tỉnh đón các nạn nhân rồi mang đi bán cho các quán kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà hàng. Các nạn nhân sẽ bị các chủ cơ sở kinh doanh thu hết các giấy tờ tùy thân, tiền bạc, đồ dùng, ép viết giấy vay nợ sau đó bị buộc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn. Số tiền các nạn nhân kiếm được sẽ được trừ vào tiền mà các chủ cơ sở bỏ ra để mua các nạn nhân.

Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên đổi mới, đa dạng các nội dung, biện pháp tuyên truyền phù hợp với thực trạng tình hình, địa bàn và phong tục tập quán, trình độ nhận thức của quần chúng nhân dân khu vực biên giới của tỉnh.

Hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Sơn La, đặc biệt là trên tuyến biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các trường hợp bị lôi kéo, dụ dỗ có chiều hướng gia tăng, chủ yếu lứa tuổi từ 15-30 tuổi ở các xã bản vùng sâu, vùng cao, biên giới; thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi. Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La đã thực hiện hiệu quả kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người, triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn tỉnh. Thường xuyên nắm tình hình, trao đổi thông tin, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh và xử lý giải quyết các vụ việc liên quan đến mua bán người và các vụ, việc liên quan đến các trường hợp bị lừa đi lao động tại Campuchia.

Thực tế vẫn còn những người ở lại phía bên kia biên giới mù mịt ngày trở về. Không chỉ là nỗi đau về thể xác, mà đó còn là nỗi đau về tinh thần, họ mòn mỏi mong ngóng về gia đình, bản mường … Và ở quê hương, còn nhiều gia đình đau đáu nhớ thương đứa con tha hương, biết ngày nào gặp lại… Công việc của các cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội nơi vùng cao, biên giới vẫn còn gian nan ở phía trước. 

Để nâng cao về nhận thức cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những người còn đang nung nấu ước mơ “đổi đời” nơi xứ người, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hội nghị và 112 buổi tuyên truyền pháp luật về công tác phòng ngừa tội phạm, mua bán người thu hút hơn 21.500 lượt người tham gia. Phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng tiến hành xác minh, tiếp nhận 38 trường hợp bị lừa đi lao động tại Campuchia trở về địa phương.

Cao Thiên
.
.
.