Sư Minh Niệm: Phải thoát khỏi định kiến và thiên kiến

Chủ Nhật, 11/09/2022, 12:38

Ở kỳ 1 của cuộc đối thoại, sư Minh Niệm đã nói về những nỗi khổ, niềm đau trong cuộc đời và cách mà mỗi con người phải “chuyển tâm” để không bị khổ đau nuốt chửng. Tiếp tục mạch chuyện này, sư Minh Niệm chia sẻ về hành trình tu tập của chính mình, từ đó gợi mở những suy nghĩ về sự hiện hữu của cái tôi cá nhân, mang theo những định kiến và thiên kiến trong nhận thức. “Phải thoát khỏi các kiến chấp để biến lòng mình từ ly nước thành dòng sông, nhưng nếu không cẩn thận, ngay cả khi đã thành dòng sông thì nó vẫn có thể quay về thành ly nước” - sư Minh Niệm cho biết.

Từng tuyên bố từ bỏ kinh điển

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa thầy, tôi có xem một clip trên Internet mà thầy tâm sự rằng thoạt tiên thầy đã tu lầm. Phải sau khi song thân mình mất, thầy mới chuyển cách tu và dần dần tiệm cận gần hơn về chánh đạo. Sự thực thì quá trình chuyển đổi này đã diễn ra như thế nào ạ?

- Sư Minh Niệm: Ở một khía cạnh nào đó thì cũng đúng, nhưng không hẳn là như vậy. Nói thế này thì chính xác hơn: Trong 10 năm đầu tiên, tôi xuất gia trong một học viện chuyên về lí thuyết kinh điển. 10 năm đó cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều về những điều đeo đuổi. Tuy nhiên, khi song thân mất, tôi nhận ra rằng những trải nghiệm đã qua không thực sự giúp đỡ được mình. Lúc đó, tôi từng tuyên bố từ bỏ kinh điển, vĩnh viễn không bao giờ đọc kinh nữa, để tìm một hướng đi khác. Sau đó tôi đến trung tâm thiền Làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh và nhiều trung tâm thiền khác của Phật giáo nguyên thủy. Những nơi đó theo đuổi triết lí đi vào bên trong con người mà không có sự dẫn dắt của kinh điển. Tức là mình sẽ tự hiểu và vượt qua những giới hạn của bản thân, tự chữa lành vết thương trong tâm hồn. Phải nói là sau quá trình dài hành thiền tại những nơi đó thì tôi mới hiểu hết những lời Đức Phật dạy trong kinh điển và bấy giờ mới thấy kinh điển có giá trị. Tức là phải có nền tảng thực hành nghiêm túc thì mình mới hiểu thấu và thấy kinh điển có giá trị. Còn trước đó mình chỉ tiếp xúc kinh điển dưới dạng nhồi nhét kiến thức hoặc thỏa mãn trí tò mò của mình thôi.

Sư Minh Niệm (kỳ 2): Phải thoát khỏi định kiến và thiên kiến -0

- Tôi nhớ đến những lời khuyên của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong tác phẩm “Tri kỷ của Bụt”, rằng thực ra kinh sách cũng có kinh có ý nghĩa và cũng có kinh không có ý nghĩa. Kinh sách là chép lại lời Đức Phật nhưng mỗi người chép có thể lại cho thêm vào đó những cái nhìn chủ quan, thiên kiến của mình. Do vậy, khi đọc kinh, nếu cứ chấp vào chữ nghĩa và nếu chỉ đọc kinh bằng thức (mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý...) thì chúng ta còn kẹt trong giới hạn của cái thấy. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng phải đọc kinh bằng trí nữa, vì trí thì không bị kẹt gì cả và lúc nào cũng trong sáng, thuần khiết. Trở lại với những tháng ngày hành thiền tại Làng Mai, như vậy có thể thấy thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tác động rất lớn đến hành trình tu tập của thầy?

- Thật ra, trước khi đến Làng Mai ở Pháp thì tôi đã đọc sách của thiền sư Ajahn Chah rồi, tuy nhiên lúc đó là mình tự nghiên cứu nên độ thẩm thấu cũng có giới hạn.

Đúng là môi trường Làng Mai là môi trường thực hành đầu tiên tôi trải nghiệm. Tôi giống như cá về với biển, cảm thấy được tung tẩy tự do, thấy được sống những giây phút quý giá, được kết nối rất sâu với thực tại và với chính mình. Tôi thừa nhận giây phút ấy mình mới là một hành giả, một người đang từng bước đi vào bên trong để chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau và gọi lên những giá trị tích cực vốn đang chìm khuất.

- Cũng từ khoảnh khắc chuyển đổi ấy mà thầy có pháp danh là Thích Minh Niệm?

- Không! Khi tôi xuất gia là có pháp danh Thích Minh Niệm rồi. Pháp danh này là do thầy bổn sư của tôi ở Phật học viện Huệ Nghiêm trao cho. Nhân đây, tôi cũng muốn giải thích chính xác hai chữ “thiền sư” để mọi người tránh hiểu lầm, vì báo chí, dư luận vẫn hay gọi tôi là “thiền sư” Minh Niệm.

Việt Nam mình theo tư tưởng Phật giáo Đại thừa, mà trong quan niệm đại thừa, thiền sư phải là một vị cao tăng đắc đạo từ thiền tập, có những công lao rất lớn như sáng lập ra một dòng thiền hoặc mang lại nhiều tác phẩm trứ danh cho một dòng thiền. Với tiêu chuẩn này, hiện tại tôi không phải là một thiền sư. Tuy nhiên, với Phật giáo nguyên thủy Vipassana, những thầy trẻ như tôi mà có khả năng dạy thiền cho mọi người thì đều được gọi là thiền sư.

Biến lòng mình thành một dòng sông

- Suy cho cùng thì tất cả cũng chỉ là những quy ước thôi ạ. Thầy vừa nói đến Vipassana và bây giờ trong xã hội nhiều người cũng hay kể là họ học thiền, hành thiền theo lối Vipassana để giải thoát những cơn stress bủa vây lấy mình. Hiểu một cách giản dị nhất, Vipassana là cái thấy rõ, tức là thấy sự vật, hiện tượng đúng như nó đang diễn ra, có đúng không, thưa thầy?

- Vipassana là con đường thực hành quay vào bên trong để hiểu được bản chất thật. Thông thường khi nhìn nhận một đối tượng, chúng ta thường hay mang theo những kiến thức đã tích lũy, gọi là “định kiến” và những kinh nghiệm đã tích lũy, gọi là “thành kiến”. Định kiến và thành kiến khiến những thông tin ta biết về đối tượng là những thông tin đã cũ. Đức Phật nói: Con người chúng ta hoàn toàn có khả năng tắt đi 2 nguồn cung cấp dữ liệu của định kiến, thành kiến để tiếp cận đối tượng với tất cả những gì nó đang xảy ra. Cái này trong hành thiền gọi là nhìn đối tượng như chính nó đang là. Tức là với cái tâm trong trẻo nhất, mình có thể tiếp nhận thông tin mà đốitượng ấy đang phát ra mà không cần quy chiếu đối tượng trên nền hiểu biết cũ của mình.

- Tôi xin lấy một ví dụ đời sống thế này: Có những người hoặc công khai, hoặc lén lút theo dõi ta và luôn khó chịu với mọi thành công ta đạt được. Họ còn thực hiện nhiều cách rất xấu xí để hại ta nữa. Điều đó làm ta bực bội. Và, rõ ràng trong ta đã xác lập một thành kiến: Họ đích thực là người đố kị với ta. Trong trường hợp như vậy, phải làm sao để làm tắt đi cái tâm thành kiến trong mình?

- Thật ra con người có nhiều trạng thái năng lượng khác nhau. Khi năng lượng tràn đầy, có tu luyện và xu hướng quay vào bên trong để chữa lành mọi vết thương, thì nhận thức và tâm hồn sẽ được nâng lên. Một người gây tổn thương cho ta và ta đã có thành kiến, định kiến về họ, đấy là một sự thật, nhưng một tuần sau khi trở về từ một khóa thiền, cái nhìn của ta về họ có thể sẽ hoàn toàn khác. Mà giả dụ khi đó nó không khác, tức là ta vẫn nhìn họ với cảm xúc tiêu cực thì hãy quan sát những gì đang xảy ra trong ta. Khi đã có nguồn năng lượng để quan sát cái tâm phán xét, tâm giận dữ thì cảm xúc tiêu cực sẽ dần dần yếu và tan biến đi. Đến khi những gì còn lại trong tâm ta là một khoảng mênh mông, trong trẻo thì hãy nhìn lại đối tượng. Lúc bấy giờ tâm ta không còn mắc kẹt trong những hành động sai trái trước kia của họ nữa, ta sẽ nhìn thấy họ dễ thương. Ta sẽ nhìn thấy những giá trị tích cực trong họ mà trước đây, vì những thành kiến, định kiến bủa vây, ta đã không nhìn thấy. Lúc đó hãy cất lên một bài hát để chào mừng sự ra đời của một con người mới trong ta.

Sư Minh Niệm (kỳ 2): Phải thoát khỏi định kiến và thiên kiến -0

- Nếu tôi nhớ không nhầm, Đức Phật từng nói rằng, nếu chúng ta ném một nắm muối vào một cái cốc, cốc nước sẽ mặn, nhưng nếu ném nắm muối vào một dòng sông thì dòng song cũng chẳng vì thế mà mặn thêm. Do đó, phải biến lòng mình thành dòng sông, thay vì cốc nước. Nhưng, làm thế nào để có thể trở thành một dòng sông, thưa thầy?

- Thực ra, tâm của chúng ta rất vô thường, có khi là cả một dòng sông nhưng có khi chỉ là một tô nước. Đúng lúc nó là một tô nước mà bị ai đó tấn công, xúc phạm thì dĩ nhiên chúng ta sẽ phản ứng. Lúc đó, thay vì chỉ trích người bên ngoài làm mình đau khổ thì Đức Phật nói bạn hãy nhìn vào tâm bạn đi, tâm bạn bây giờ chỉ là một tô nước thôi. Lúc đó, thay vì chấp ngã vào những phiền muộn thì hãy quay về giúp tâm mình trở thành một dòng sông. Dĩ nhiên, phải có một phương thức nào đó mới có thể biến một tô nước thành một dòng sông, chứ không phải ngồi niệm “Nam mô A Di Đà Phật, hãy cho tâm con trở thành một dòng sông” thì nó lập tức trở thành dòng sông. Anh phải có rất nhiều kĩ năng, phải có công phu mới làm được. Và, đó chính là quá trình thiền hành, thư giãn, chăm sóc sự tự ái của mình. Sau một hồi, sự tự ái của mình lắng dịu, tan biến, ta có thể chấp nhận những người không dễ thương một cách dễ thương thì lúc bấy giờ tâm ta đã lớn hơn một tô nước rồi đấy. Có thể là một lu nước. Tới một lúc nào đó, ta chấp nhận mọi điều bất như ý trong cuộc sống một cách thực sự dễ dàng thì tâm ta đã to lớn như một dòng sông. Nhưng, hãy chú ý, nếu không cẩn thận, từ một dòng sông quay về một tô nước cũng nhanh lắm đấy anh ạ!

Tách mình khỏi đứa bé tổn thương

- Các nhà tâm lý học nói rằng, thực ra bên trong chúng ta luôn có một đứa bé bị tổn thương. Khi chúng ta bức xúc, cáu giận, đau khổ là lúc đứa bé ấy đang trồi ra. Nhiều năm qua, tôi đã quan sát đứa bé ấy ở trong mình và những lúc nó trồi ra, tôi thường viết cho nó một bức thư. Bây giờ, trong tủ làm việc của tôi đã có một chồng thư khá dày. Tôi không dám nói đó là cách biến lòng mình từ một cốc nước thành một gáo nước hay lu nước gì cả, nhưng quả nhiên cách ấy giúp tâm tôi lắng xuống. Thầy nghĩ gì về cách này ?

- Cách đó rất hữu hiệu và anh nên tiếp tục. Cách đó trong ngành chữa trị tâm lí gọi là non-identifica[1]tion, tức tách ra khỏi đứa bé bị tổn thương để quan sát nó. Vì khi có một điều bất như ý xảy ra, hầu hết chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào điều bất như ý, mà hoàn toàn quên đi chúng ta đang có những điều kiện hạnh phúc khác rất lớn. Đó là điều rất tự nhiên của con người. Ví dụ như có ai đó xúc phạm mình, ai đó không dễ thương với mình, dù mình đang vui và hạnh phúc với thực tại thì mình cũng có xu thế chú ý quá mức vào điều bất như ý đang xảy ra. Và, mình tin rằng chỉ có thể giải quyết được sự bất như ý thì mới sống an vui được.

Đức Phật nói những gì giải quyết được thì hãy giải quyết đi, nhưng hầu hết là không thể giải quyết được. Có những thứ phải chờ đợi thêm nhân duyên mới giải quyết được. Có những thứ mình phải đồng hành suốt cuộc đời, không sao giải quyết được. Ví dụ con cái mình, làm sao mình bỏ được, cho nên mình phải học cách chấp nhận và sống hòa điệu với đối tượng hoặc hoàn cảnh không như ý. Thật ra quá trình này đi theo 4 bước. Đầu tiên là recognize, nghĩa là nhận diện tôi đang có em bé tổn thương ở bên trong, tôi đang có nỗi khổ, niềm đau, đừng giả bộ như không có chuyện gì.

Thứ hai là accept, nghĩa là hãy chấp nhận việc tôi đang tổn thương rồi, tôi có vấn đề tâm lí rồi và tôi cần được sự giúp đỡ, bước này rất quan trọng. Thứ ba là investigate, nghĩa là dành nhiều thời gian để nhìn sâu vào bên trong xem tại sao tôi dễ phản ứng và tổn thương như vậy. Cuối cùng là non-indentification, đừng tiếp tục đồng giấc với em bé tổn thương. Như cách của anh là viết thư, tức là anh đang đối thoại với nó, thay vì anh với nó trở thành một. Hành trình chuyển hóa khổ đau hay hành trình tham, sân, si cũng đi theo cách đó. Lúc nào cũng phải lùi một bước để biến mình thành kẻ quan sát nỗi khổ, niềm đau. Khi tách ra rồi thì ta sẽ không nuôi dưỡng nó nữa, đồng nghĩa với việc nó không lớn mạnh và áp đảo ta nữa. Còn nếu như ta lơ là, lao vào công việc, tình cảm để quên đi nghĩa là ta đã mang thức ăn đến cho nó và nó sẽ lớn dậy. Khi ấy nó sẽ làm chủ con người chúng ta hoàn toàn.

- Thưa thầy, tôi thấy rằng một trong những đặc điểm tạo nên sự vận hành của xã hội loài người đó là phép so sánh. Một học sinh được gọi là “học sinh giỏi” vì ở bên cạnh có những học sinh không giỏi. Một người được gọi là “người giàu” vì ở bên cạnh có những người không giàu. Một công chức được gọi là “ông quan có quyền lực” vì ở bên cạnh là những người không có quyền lực. Sự so sánh đó, ở góc độ tích cực giúp người ta có ý chí phấn đấu, nhưng nếu không được kiểm soát thì lại tạo ra một trạng thái rất tiêu cực, khiến người ta dễ đố kị, ganh đua, hãm hại, tranh giành và tất cả sẽ chìm trong vòng khổ đau. Nhiều lúc tôi có cảm giác, Đức Phật cứ hiện ra và nói bên tai nhân loại: Thôi, đừng so sánh như thế nữa. Nhưng, nếu không so sánh thì đã không là nhân loại. Thầy nghĩ sao?

- Tôi gọi hai mặt của phép so sánh ấy là các cặp đối đãi nhị nguyên. Giữa hay với dở. Giữa cao với thấp. Giữa sang với hèn. Giữa đến và đi. Giữa sinh và diệt. Chúng ta luôn là nạn nhân của những cặp này. Vì nó mang tính tương đối thôi. Ví dụ như giữa đúng với sai mình cũng hay đấu tranh để nói rằng mình đúng còn người kia sai, nhưng đến lúc nào đó nhìn lại sẽ thấy cái đúng của mình không hoàn toàn đúng. Tôi thường hay kể về quãng thời gian đi tu bụi 3 năm trên đất Mỹ. Có một lần tôi đi cùng một nhóm bạn khoảng 7 anh em trên một cung đường mà không thể tìm ra nước tắm. Suốt một tuần lễ không ai tắm mà cũng không ai than thở, chê trách người còn lại có mùi hôi.

- (Cười...). Vì ai cũng hôi như nhau mà.

- (Cũng cười...). Thì đấy. Ai cũng như nhau, nên không có gì để so sánh hết. Và, ở núi rừng ấy không có gì để ăn, chúng tôi phải đi hái một số loại dâu rừng hoặc nấm rừng. Thỉnh thoảng được ai đó cho một trái táo thì cũng chia làm 7 phần, hạt táo ăn mà cuống táo cũng ăn, không có khái niệm ngon dở nào hết. Ở đó không có luật sư, bác sĩ, thiền sư, chỉ có tình huynh đệ. Qua đây, tôi muốn nói: Các cặp đối đãi nhị nguyên thường phát triển lừng lẫy và gây đau khổ cho chúng ta là vì chúng ta bị bó buộc trong một cộng đồng, xã hội. Nếu mình đổi không gian, đổi tâm thức, mình sẽ thấy những điều mình bám chấp hoàn toàn không đúng. Đức Phật có nói, chúng ta phải tu luyện giỏi lắm mới thoát khỏi cặp nhị nguyên đó để đạt đến thế giới bất nhị: Không còn đúng - sai, sang - hèn, cao - thấp... Đó là một thế giới không còn so sánh về sự khác biệt hiện tượng giữa các bản ngã nữa, tức là thấy được bản chất của nhau, thấy chân lí tuyệt đối trong cùng một bản thể.

- Cái này, nhà Phật gọi là “Thắng nghĩa đế” hoặc “Chân đế”, phải không ạ?

- Đúng rồi đó, Thắng nghĩa đế! Lúc đó không còn sự khác biệt giữa nhà báo và nhà sư. Chúng ta không để cho những dị biệt của thế giới hiện tượng chia cắt mình.

Sư Minh Niệm (kỳ 2): Phải thoát khỏi định kiến và thiên kiến -0

Vẫn còn cái tôi, nhưng...

- Tôi có quen biết một số nhà tu hành. Những vị ấy nói với tôi bản chất của tu tập là gọt giũa cái tôi. Nhưng, tôi âm thầm quan sát và thấy có những người trong số đó càng tu thì cái tôi càng lớn. Rất khách quan, thầy có thấy hiện tượng này không?

- Sao anh biết cái tôi của họ lớn?

- Thì họ bám chấp vào rất nhiều thứ. Và, đặc biệt nhiều lúc, họ nhất nhất bảo vệ ý kiến của mình, không chấp nhận những ý kiến khác mình.

- Tôi đôi khi cũng quyết liệt trong nhận thức của mình đấy, nếu tin điều đó đúng. Vì ngoài công tác chữa lành về tâm lí thì tôi còn bảo vệ những giá trị đúng đắn thuộc về chân lí nữa. Nhưng, tôi tự thấy là mình quyết liệt, mạnh mẽ trong dễ thương chứ không phải trong sân si. Tôi nghĩ, một người tu bất cứ một trường phái nào cũng đều phải tu tâm, phải thấy được và quan sát tâm mình. Phải trở thành một người chăm sóc phiền não để chỉ còn rất ít phiền não. Nói một cách gọn hơn là rất ít cái tôi, ít bị cái tôi chi phối.

- Tôi thấy là không ít nhà tu hành vẫn còn cái tôi! Thậm chí, cái tôi rất lớn.

- Anh cứ hỏi thẳng sư Minh Niệm đây này. Rằng, thầy còn cái tôi không? Anh cứ hỏi thẳng đi!

- Vâng! Thầy đã cho phép thì tôi xin hỏi: Thầy còn cái tôi, còn bám chấp không?

- Còn chứ! Vì tôi vẫn đang tu mà. Còn nếu hết cái tôi thì chắc tôi đã ngồi ở đâu đó rồi chứ không phải ngồi đây uống trà, nói chuyện với Phan Đăng. Chỉ có điều, cái tôi ấy đã được bào mòn theo năm tháng. Tôi đã chăm sóc, thay đổi nó dần dần, từ chỗ là một con quái thú, giờ đây chỉ còn là một em cún thôi. Bây giờ nhìn lại, thật lòng tôi thấy mình đã nổi tiếng từ nhỏ tới lớn, qua nhiều tài năng và nhiều cách thức khác nhau. Nhưng, phải đến khi cuốn sách “Hiểu về trái tim” ra đời, sự nổi tiếng của tôi phát triển tới một cấp độ khác hẳn thì tôi mới nhận thức rằng sự nổi tiếng ấy đã ảnh hưởng tới công phu tu luyện của mình.

Lúc đó tôi mới 35 tuổi, tạm gọi là một vị tu trẻ, cho nên tôi muốn né đi sự nổi tiếng. Một trong những lí do tôi quyết định vào rừng ở là vì không muốn tiếp xúc với sự nổi tiếng đó. Dĩ nhiên là trước sau mình cũng sẽ quay lại với đại chúng, quay lại với sự nổi tiếng đó nhưng lúc ấy chắc chắn mình phải có nội lực vững vàng hơn. Sau khi quay trở lại, tôi tiếp tục hành trình chăm sóc cái tôi. Thật sự, bây giờ tôi không quan tâm tới sự nổi tiếng nữa, mà chỉ quan tâm mỗi ngày giúp được bao nhiêu bệnh nhân, có những kế hoạch, dự án nào thiết thực để giúp đỡ nhiều người nhất có thể. Tâm trí của tôi bây giờ chỉ có như vậy.

Để biết hành trình tu luyện có phẩm chất hay không thì phải nhìn vào cái tôi của mình. Mình cóyêu thương mọi người không, có thấy giá trị của mọi người để mình tôn trọng không? Trí tuệ là gì? Trí tuệ là anh phải nhìn vào bản chất của mỗi cá thể và thấy mỗi cá thể trong cùng một bản thể là đồng đẳng như nhau. Nếu mình có thái độ kì thị, phân biệt, mình cho rằng mình hay và người khác dở là mình đang mắc kẹt vào thế giới của nhị nguyên. Là không có trí tuệ!

- Vậy thì liệu có một lúc nào đó thầy lại bỏ tất cả, để đi tu bụi lần thứ hai, giống như thầy đã làm ở tuổi 35 ngày xưa không?

- (Cười...). Đi tu bụi lần 2 có khi là để đi kiếm một cái tôi khác đó anh. Bây giờ, nhiều khi tôi xuất hiện trước công chúng không phải để thỏa mãn cái tôi đâu, đó là trách nhiệm, bổn phận để đại chúng có thêm niềm tin, để mình truyền cảm hứng cho đại chúng. Thật ra, trong 2 năm qua, vì đại dịch, tôi đã ẩn mình nhiều trước truyền thông. Tôi có nhận lời với ai đâu, ngoài chương trình của MC Thùy Minh và bây giờ là Phan Đăng.

Tôi cũng hứa với lòng là sau khi có một cơ sở pháp lí vững vàng, có một nơi chốn rộng lớn và chuẩn bị thật kĩ lưỡng thì sẽ chào đón tất thảy đại chúng đến với mình, chứ không ẩn ẩn, hiện hiện kiểu này nữa. Mà mình còn ẩn hiện kiểu này là còn vì mình. Trách nhiệm tôi đặt ra là phải hết lòng vì đại chúng.

- Được hầu chuyện thầy là một hạnh ngộ rất lớn với tôi. Trên tư cách một nhà báo, trên tư cách một người đọc sách và cả trên tư cách của một người đang trong hành trình gọt giũa bản ngã cá nhân, tôi thấy những chia sẻ của thầy thực sự quý báu. Nó giúp tôi sáng ra nhiều điều và thực sự vững tin vào những hệ giá trị mà mình âm thầm chọn lựa. Một lời cảm ơn lúc này có lẽ là khách sáo. Vậy thế này, không biết là trong truyền thống Phật giáo nguyên thủy, sau cuộc nói chuyện, người đối diện có được phép bắt tay một thiền sư không ạ?

- Được chứ anh!

Sau câu nói này, sư Minh Niệm giơ tay ra. Tôi bắt tay thầy và cảm nhận thấy một nguồn năng lượng ấm nóng như đang được truyền dẫn vào mình. Tiễn thầy ra về, tôi ngồi lại uống trà một mình trên phố vắng. Tôi hồi tưởng và quan sát lại toàn bộ diễn biến tâm thức của mình trong gần 2 giờ đối thoại với thầy. Và, tôi sẽ lại viết cho cái tâm ấy một bức thư. Bức thư ấy sẽ khác rất nhiều so với những bức thư tôi từng viết.

* Ảnh trong bài: DTA.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.