Nhiều chuyện ít biết về một trong “bộ tứ” huyền thoại của mỹ thuật Việt Nam

Chủ Nhật, 14/07/2024, 08:20

Họa sĩ Dương Bích Liên như ánh chớp thầm lặng trên bầu trời nghệ thuật. Ông  cùng với các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái đã làm nên “bộ tứ” huyền thoại. Bởi, cùng với "tứ trụ" thứ nhất (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn), các ông đã tạo nên nền móng của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

Đây là nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ nổi tiếng trong buổi tọa đàm nghệ thuật “Họa sĩ Dương Bích Liên: Ánh chớp thầm lặng” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào ngày 13/7, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của danh họa (17/7/1924 - 17/7/2024).

Trong buổi tọa đàm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; họa sĩ Đặng Thị Khuê cùng nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nguyên mẫu trong trong tranh và người thân của họa sĩ Dương Bích Liên đã chia sẻ khá nhiều câu chuyện đặc biệt và xúc động về người họa sĩ đa tài nhưng lận đận này.

Theo họa sĩ Đặng Thị Khuê, họa sĩ Dương Bích Liên xuất thân trong một gia đình trí thức nho học, nổi tiếng có nhiều người thành đạt, lập nghiệp theo con đường nhân sĩ, giáo chức, thầy thuốc. Một dòng tộc có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước. Nhưng khác với việc hướng nghiệp của truyền thống gia đình, ông một mình theo đuổi nghệ thuật, từ năm 16 tuổi đã là sinh viên khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 1940 - 1945.

“Như hầu hết thanh niên trí thức Hà Nội thời đó, họa sĩ Dương Bích Liên cũng mang nặng nỗi ưu tư, cùng khát khao canh tân và cách mạng - họ hào hứng tiếp nhận tri thức thẩm mỹ mới và thuần thục trong những thể loại và chất liệu mới, tuy nhiên vẫn không xa rời mạch nguồn thẩm mỹ truyền thống. Có thể nói, Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật lẫn bút pháp. Pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp Ấn tượng nhẹ nhàng, tranh ông là một cảm hứng lãng mạn, trữ tình, của một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ. Và ông giữ mãi cái nhìn ấy, dẫu hiện thực đổi thay, dẫu biến thiên lịch sử - điều ấy khiến ông là một biệt lệ trong "bộ tứ" huyền thoại. Việc người đời tôn vinh ông là một trong những cột trụ của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, cũng là một đánh giá công bằng của lịch sử, nó cho thấy mọi giá trị đều bình đẳng trước thời gian, và công chúng là trọng tài vô tư nhất đối với nghệ thuật mọi thời đại” – bà Đặng Thị Khuê nói.

danh-hoa.jpg -0
Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ nhiều kỷ vật đặc biệt về danh họa Dương Bích Liên.

Bà Khuê cũng cho biết, khi rời gia đình lên chiến khu, dấn thân với sự nghiệp cách mạng và nghệ thuật, họa sĩ Dương Bích Liên tham gia trong những đoàn kịch, đoàn văn công, đoàn văn hóa kháng chiến, làm báo vệ quốc đoàn.... Tác phẩm "Thiếu nhi đi khai hoang" của ông đã giành giải Nhì tại triển lãm hội họa kháng chiến năm 1948. Những kỷ niệm kháng chiến đã được ông lưu giữ nhiều thập kỷ, để làm nên những tác phẩm để đời cho hậu thế. Đặc biệt là những ngày ông được ở gần Hồ Chủ tịch (1952). 36 năm sau, trước khi mất 3 ngày, ông còn kể lại cặn kẽ những kỉ niệm không phai mờ về Bác. Những ấn tượng sâu đậm ấy đã làm nên tác phẩm "Hồ Chủ tịch qua suối" giành giải Nhất ở triển lãm toàn quốc 1980 nay được công nhận là Bảo vật quốc gia, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ.

Trong buổi tọa đàm, bà Hải Yến, nguyên mẫu trong một tác phẩm của họa sĩ Dương Bích Liên kể lại một câu chuyện khá thú vị, cho thấy tinh thần lao động sáng tạo đặc biệt của danh hoạ. Bà Yến cho biết, bà từng may mắn được họa sĩ vẽ một bức tranh chân dung. Khi thấy ông hết lần này đến lần khác vẽ rồi xé, bà có phần tự ái, nói với ông: “Nếu bác thấy cháu xấu quá, không xứng đáng để bác vẽ thì bác nói cứ nói thẳng với cháu. Bác cứ vẽ rồi xé như thế, cháu thấy tủi thân”…

Sau khoảng 2 tháng thì bà được gọi đến gặp ông gấp nên cũng không kịp sửa soạn gì. Nhưng hôm ấy, ông vẽ rất nhanh, chỉ khoảng sau 2 tiếng là tác phẩm hoàn thiện. Bức tranh chân dung được mọi người khen ngợi rất nhiều vì toát lên thần thái, tính cách của bà. 

Chia sẻ quanh câu chuyện này, cháu của danh họa Dương Bích Liên – ông Dương Hồng Quân cho biết, ông từng được nghe cha ông kể lại, họa sĩ Dương Bích Liên thường hay vẽ rồi xé luôn bản vẽ nếu không ưng ý. Gia đình ông thường nói vui rằng nếu lúc ấy mà lưu lại hết những bản vẽ bị xé như thế thì tư liệu về danh họa vô cùng nhiều. Cũng theo ông Quân, sinh thời, danh họa Dương Bích Liên sống giản dị nhưng thường im lặng và khá xa cách, nên với con cháu, ông vừa thân quen, vừa xa lạ. Chi tiết này nhận được sự đồng thuận và quan tâm phân tích của khá nhiều họa sĩ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng cho rằng, trong cuộc sống đời thường, danh họa thường tạo cảm giác cho người đối diện rằng ông là người khó tính, vì ông thường im lặng, giữ khoảng cách trong giao tiếp. Sự im lặng ấy được thể hiện rất rõ trong thế giới nghệ thuật của ông – một thế giới đầy trí tuệ, uyên thâm, bình dị và đầy cảm xúc, tình cảm. Đặc biệt, trong tranh của Dương Bích Liên luôn có những khoảng trống để lại cho chúng ta những cảm nhận, chiêm nghiệm sâu xa. Đồng quan điểm này, họa sĩ Đặng Thị Khuê cũng khẳng định, những khoảng trống trong tranh của danh họa luôn đựng nhiều ý nghĩa, khiến người xem ám ảnh. Họa sĩ Lê Thiết Cương gọi đó là sự im lặng sấm sét.

Các diễn giả và khách mời còn cho rằng, ở những thời điểm quan trọng của lịch sử ông đã cho ra đời những tác phẩm mang giá trị đỉnh cao về tầm tư tưởng và nghệ thuật nhưng chưa được đánh giá đúng ở thời điểm ra đời, thậm chí có số phận khá truân chuyên. Điển hình trong đó là tác phẩm "Hào" – bức tranh được ông vẽ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội (1972). Tác phẩm vẽ giao thông hào nhưng bao trùm là sự im lặng. Đây cũng là tác phẩm đặc biệt khi nhận được nhiều sự quan tâm của văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao…

Cũng tại tọa đàm,  các diễn giả và khách mời còn chia sẻ nhiều câu chuyện khác về cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Dương Bích Liên. Các câu chuyện khá phong phú, nhưng có một điểm chung nhất là tất cả đều chung nhận định: Danh họa Dương Bích Liên là một tượng đài của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Ông cùng với những họa sĩ cùng thời thuộc của thế hệ mỹ thuật Đông Dương đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản nghệ thuật và cả những bài học quý về tài năng, phẩm cách của người nghệ sĩ. Hiện một con phố Hà Nội đáng được mang tên ông.

Hoa Nguyễn
.
.
.