GS, NGND, Nhà văn Hà Minh Đức: Đón tuổi 89 cùng với 90 cuốn sách ra đời
Thầy Hà Minh Đức từng liên tục đứng trên bục giảng ở khoa Văn từ năm 1957-1991, làm Phó Chủ nhiệm khoa Văn rồi làm Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn từ năm 1991- 2000 song song với đảm nhiệm Viện trưởng Viện Văn học từ năm 1995 đến 2003. Có thể nói, dường như suốt cuộc đời, GS Hà Minh Đức chủ yếu đứng trên bục giảng và nghiên cứu lý luận văn học.
Trước Tết Quý Mão 2023, tôi đến khu đô thị Ecopark- Thành phố xanh của tỉnh Hưng Yên thăm GS, Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà văn Hà Minh Đức, người thầy từng dạy chúng tôi từ thuở khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Thầy Hà Minh Đức từng liên tục đứng trên bục giảng ở khoa Văn từ năm 1957-1991, làm Phó Chủ nhiệm khoa Văn rồi làm Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn từ năm 1991- 2000 song song với đảm nhiệm Viện trưởng Viện Văn học từ năm 1995 đến 2003. Có thể nói dường như suốt cuộc đời, GS Hà Minh Đức chủ yếu đứng trên bục giảng và nghiên cứu lý luận văn học.
Trong buổi trò chuyện với GS, dẫu ở tuổi xấp xỉ 90 (ông sinh năm 1935 tại xã Vĩnh An huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), điều khiến tôi rất vui là thầy vẫn còn minh mẫn, trí nhớ thật tuyệt vời. Khi nói chuyện thầy sử dụng ngôn ngữ rất nghiêm cẩn, nhưng thỉnh thoảng lại pha chút hài hước thú vị, có sức hấp dẫn và lôi cuốn. Điều đáng kinh ngạc là năm Quý Mão này, GS, NGND, nhà phê bình văn học Hà Minh Đức bước sang tuổi 89 nhưng ông đã xuất bản đến 90 cuốn sách. Đó là kỷ lục hiếm thấy ở Việt Nam.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật mà Nhà nước tặng thầy đã ghi nhận xứng đáng quá trình sáng tạo liên tục, cống hiến không mệt mỏi của GS, NGND, nhà phê bình văn học hàng đầu Việt Nam. Chỉ tính riêng những cuốn sách mà thầy tặng tôi gần đây thì đã có 3 cuốn cùng xuất bản vào năm 2022 là: “Đừng sợ” (Tập 96 đoản thi-NXB Văn học), “Du ngoạn vườn hồng và thăm cảnh đẹp non nước” (Bút ký, NXB Thuận Hóa” năm 2022), và cuốn sách mới nhất của nhà văn Hà Minh Đức là tập truyện ký “Vườn khuya trăng vẫn sáng” (NXB Hội nhà văn, phát hành 9-2022). Nhà văn Nguyễn Trí Huân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam các khóa VI, VII, VIII, IX) từng nhận xét: “Những cuốn sách làm đầy thêm cái gia tài nghiên cứu sáng tạo đồ sộ của ông, một nhà khoa học nhân văn, một nhà văn hóa xuất sắc”.
Tôi mạo muội hỏi thầy, vì sao có những trải nghiệm của thầy cách đây đã 60 năm, thậm chí 70, 80 năm mà thầy vẫn nhớ và viết thành những hồi ức có giá trị hết sức sâu sắc, ấn tượng? Thay câu trả lời, GS Hà Minh Đức kể chuyện rất chi tiết, hấp dẫn, rành rọt là đi đâu ông cũng ghi chép hết sức tỷ mỉ. Trong mỗi chuyến đi công tác, dù ở Trung Quốc hay Hoa Kỳ, Nga hay Pháp, Lào hay Campuchia, ông đều gắng đi thăm thật nhiều vùng đất, nhiều địa chỉ, có lúc la cà, đi chậm một mình tìm hiểu cảnh vật, phong cảnh, di tích văn hóa để tìm hiểu, ghi nhớ trong đầu, về nơi ở thì lấy sổ tay ghi chép lại. Thậm chí, khi được bạn nước ngoài chiêu đãi hoặc đoàn tự ăn món gì lạ, uống thứ rượu gì, ở đâu, ông đều hỏi kỹ cả nguồn gốc và cách chế biến, trải nghiệm sự thưởng thức thú vị để nhớ sâu, sau đó ghi chép lại cảm tưởng ngày ấy. Sau này, đọc lại những ý chính, sự kiện chính sẽ đánh thức nhiều ký ức khác từ vốn sống của những trải nghiệm với những gì tai nghe, mắt thấy, từ những chuyến đi ấy sẽ như còn tươi mới bởi sự chính xác của sự kiện và sự vật.
Có lần, GS kể với tôi, khi thầy còn trẻ ở tuổi 30, 40 có nhiều lần tiếp xúc với các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tô Hoài và nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác, dù chủ động hay bất ngờ gặp gỡ, ông đều nhớ “chết” trong đầu, sau đó phải ghi lại ngay vào sổ cùng không gian và thời gian nơi diễn ra cuộc gặp.
Có lần, nhà thơ Xuân Diệu mời ông đến nhà chơi, đàm đạo, hai người cùng ngồi dưới ánh trăng trò chuyện, nhà thơ Xuân Diệu kể lại những kỷ niệm sáng tác văn chương, những ký ức về con đường thơ, con đường đưa ông đến với cách mạng từ phong trào Thơ mới. Thầy giáo trẻ Hà Minh Đức đã vội lấy bút và sổ tay ghi dưới ánh trăng khuya những dòng chữ chi chít. Sau buổi gặp, về nhà ông làm ngay cái công việc “dịch” chữ mình một cách khẩn trương nhất, kết hợp hài hòa giữa trí nhớ và “dịch” chữ nên tư liệu đảm bảo chính xác, mới mẻ.
Với nhà văn Tô Hoài cũng vậy, nhiều lần GS Hà Minh Đức mời vợ chồng nhà văn đi ăn cơm mừng một sự kiện nào đấy, trong bữa ăn ông đều gợi chuyện để nhà văn tâm sự. Không thể ghi chép tại bữa tiệc vì yêu cầu phải lịch sự và tự nhiên, về nhà ông cặm cụi ghi chép lại ngay... Chính vì thế, nhiều bài báo hay, những công trình khoa học nghiên cứu của GS về văn học, về văn hóa, phần trích dẫn đàm luận bao giờ cũng khiến nhiều nhà văn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, thán phục và luôn đồng thuận, đồng tình với tác giả...
Cuối buổi trò chuyện, GS Hà Minh Đức có nhờ tôi chuyển cho một nhà xuất bản một bản thảo mới thể loại truyện ký. Mồng 1 Tết Quý Mão, tôi xin phép gọi điện thoại chúc Tết thầy, GS vui lắm khi tôi báo tin hành trình cuốn bản thảo mới, ông nói vui có thể đó là cuốn sách 91 đấy và dừng lại ở đấy. Ông hỏi địa chỉ để gửi tặng tôi quyển sách mới đang chuẩn bị in xong ở nhà xuất bản. Thật mừng và cũng thật kinh ngạc. GS còn kể, dịp sát Tết, nhiều cơ quan có lời mời trân trọng ông đến dự gặp mặt, nhưng vì lý do giao thông và thời tiết, thầy rất cám ơn và xin được vắng mặt. Thầy nói nhỏ với tôi “ 89 rồi anh ạ. Còn tý sức khỏe nên tôi phải tiết kiệm” và cười rất vui qua điện thoại cầm tay...
Xin kính chúc GS, NGND, Nhà văn Hà Minh Đức luôn mạnh khỏe để cống hiến cho đời thêm nhiều cuốn sách, những cuốn sách hay đi trước tuổi mới của thầy.
Hà Nội, mồng 2 Tết Quý Mão 2023