Cần bao nhiêu tiền để đào tạo một VĐV tham dự Olympic?

Chủ Nhật, 25/02/2024, 09:45

Mục tiêu phấn đấu giành 12-15 suất dự Olympic Paris của thể thao Việt Nam đang gặp thách thức lớn. Nhưng nếu nhìn vào mức độ đầu tư của những quốc gia khác, Việt Nam vẫn có quyền tự hào khi đạt được những thành tích nhất định với kinh phí khiêm tốn.

Những VĐV triệu đô

Năm 2016, cùng thời điểm xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV môn bắn súng, Singapore cũng có một VĐV khác bước lên bục cao nhất tại Olympic Rio. Đó là Joseph Schooling, tài năng bơi lội được ví như trăm năm có một của thể thao Đông Nam Á. Đáng chú ý hơn, thành công của Schooling mang dấu ấn chính của gia đình anh, chứ không phải thể thao Singapore.

anh2.jpg -0
Schooling (áo trắng, bên phải) từng tập luyện cùng Ánh Viên tại Mỹ.

Là VĐV cùng thời với nhiều VĐV bơi Việt Nam như Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên, Schooling được gia đình bao tiêu toàn bộ kinh phí ăn ở, tập luyện tại Mỹ từ khi còn nhỏ. Anh có chế độ ăn tương tự các tuyển thủ bơi Mỹ, đồng thời được hướng dẫn bởi những huấn luyện viên hàng đầu.

Gia đình Schooling đã bỏ ra bao nhiêu tiền để con trai mình trở thành nhà vô địch Olympic? Theo ước tính từ truyền thông Singapore, số tiền họ bỏ ra là trên dưới 1 triệu USD trong vòng 10 năm. Đây là con số vượt xa mức chi tiêu bình quân của rất nhiều hộ gia đình, ngay cả với một nước phát triển ở trình độ hàng đầu thế giới như Singapore.

Khi giành tấm HCV Olympic, Schooling được thưởng 1 triệu USD từ Chính phủ Singapore. Tuy nhiên, anh chỉ được giữ 650.000 USD trong số đó. VĐV này vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cũng như đóng góp một phần tiền thưởng cho các hiệp hội, nghiệp đoàn quản lý thể thao quốc gia theo quy định. Số tiền này ít hơn khoản gia đình chi cho Schooling.

Nếu không có những hợp đồng quảng cáo, tài trợ gắn liền với danh nghĩa của nhà vô địch Olympic, gia đình Schooling đã có một thương vụ đầu tư lỗ vốn vào cậu con trai. Đó cũng là minh chứng cho thấy sự tốn kém của thể thao thành tích cao, nơi trình độ các VĐV đều ở mức rất cao và cần có chi phí tương xứng để nâng tầm một vài tuyển thủ đặc biệt.

1 triệu USD cũng là con số được Hiệp hội 3 môn phối hợp Mỹ ước tính về khoản kinh phí cần có để đào tạo một nhà vô địch Olympic. Họ chia các đầu mục cần chi đến tiền như kinh phí thuê HLV, ăn uống, điều trị y tế... với con số tối thiểu 200.000 USD mỗi năm. Trong mỗi chu kỳ 4 năm của Olympic, VĐV cần được đầu tư chừng đó để giữ phong độ.

Đầu tư từ nền móng

Việt Nam từng có một VĐV được đầu tư trên dưới 1 triệu USD. Sau Olympic Tokyo, truyền thông từng đưa tin về số tiền ngành thể dục thể thao, cũng như đơn vị Quân đội đã dồn vào Nguyễn Thị Ánh Viên. Tổng số tiền đầu tư cho giấc mơ giành huy chương Olympic môn bơi được cho ở mức 20-30 tỷ đồng.

Trên thực tế, những gì Ánh Viên đã làm được tại sân chơi quốc tế rất đáng ngưỡng mộ. Cô là kỷ lục gia ở đấu trường SEA Games, cũng như là VĐV bơi Việt Nam đầu tiên giành huy chương Á vận hội. Không phải ai khác, chính Ánh Viên giúp thể thao Việt Nam nhìn ra một thực tế: VĐV Việt Nam hoàn toàn đủ sức tranh tài ở những môn cơ bản của Olympic.

Thứ duy nhất Ánh Viên còn thiếu chỉ là một tấm huy chương Thế vận hội, điều vẫn nằm ngoài tầm với nhiều VĐV thuộc lứa đàn em của cô. Nhưng có một thời điểm, câu chuyện "30 tỷ đồng đầu tư cho Ánh Viên" đã khiến VĐV này chịu nhiều hiểu nhầm. Sau tất cả, cô không hưởng trọn mức đãi ngộ đó, nhưng lại trở thành người hứng chịu mọi chỉ trích.

Trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm Ánh Viên ở đội tuyển bơi quốc gia, gần như mọi khoản kinh phí cho cô được thông qua bởi một người duy nhất: HLV Đặng Anh Tuấn. Ông là HLV trưởng đội tuyển bơi quốc gia, nhưng lại có cuộc sống phức tạp bên ngoài xã hội. Khi Ánh Viên không còn ở thời kỳ đỉnh cao, ông Tuấn bị đòi nợ trên mạng xã hội rồi biến mất.

Những khoản kinh phí đầu tư cho Ánh Viên, nếu không mang lại kết quả như kỳ vọng, có trách nhiệm rất lớn từ HLV trực tiếp phụ trách cô. Tại sao một HLV như vậy lại được phụ trách một VĐV được ví như quốc bảo của thể thao Việt Nam? Hơn bao giờ hết, câu chuyện về Ánh Viên phơi bày một thực trạng khác: Việt Nam còn thiếu cả những HLV tài năng.

Vào thời điểm Ánh Viên, Quý Phước lần đầu sang Mỹ tập cùng một CLB bơi với Schooling, chỉ có HLV của đội tuyển Singapore được bước đến mép hồ hướng dẫn VĐV. Các HLV của Việt Nam, bao gồm ông Đặng Anh Tuấn, không được bước vào khu vực kỹ thuật vì không có chứng chỉ quốc tế. Đó cũng là điều mà rất nhiều HLV Việt Nam còn thiếu.

May mắn thay, theo thời gian, lực lượng HLV của Việt Nam ngày một tiến bộ cả về mặt lượng và chất. Họ không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn, mà còn tích lũy ngoại ngữ để bước ra sân chơi thế giới. Đó chính là nền tảng giúp thể thao Việt Nam có những bước tiến lớn hơn trong tương lai, thay vì chờ đợi những nguồn kinh phí tăng lên từ ngân sách Nhà nước.

HLV được nâng tiền ăn để làm gì?

Mới đây, Cục Thể dục thể thao đã công bố danh sách các VĐV, HLV được nâng tiêu chuẩn về mặt dinh dưỡng để hướng đến Olympic. Danh sách này bao gồm 65 VĐV và 24 HLV, chia thành 2 nhóm đã có vé dự Olympic, cũng như đang tập luyện cho vòng loại. Trong thời gian chuẩn bị hướng đến Thế vận hội, họ được nâng khẩu phần ăn lên mức 640.000 đồng/ngày.

Với các VĐV, việc họ được nâng tiêu chuẩn ăn uống để phục vụ tập luyện, thi đấu là điều dễ hiểu. Nhưng vì sao HLV cũng được nâng? Câu hỏi này có thể gây hiểu nhầm với độc giả đại chúng, nhưng hoàn toàn hợp lý với những người hoạt động lâu năm trong ngành Thể thao.

"Một HLV không chỉ lo những công việc đơn thuần, mà còn đảm bảo những điều kiện ngoài chuyên môn để VĐV có thể yên tâm tập luyện, thi đấu. Ở nước ngoài, những công việc đó được chia nhỏ cho từng vị trí như HLV thể lực, HLV quản lý phong độ, săn sóc viên; nhưng tại Việt Nam, một mình HLV phải làm hết", một VĐV chuẩn bị tham dự vòng loại Olympic chia sẻ.

An Khánh
.
.
.