Xanh hóa giao thông công cộng tại Hà Nội bao giờ thành hiện thực?

Chủ Nhật, 25/08/2024, 07:02

Giao thông xanh là sử dụng các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và những loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh là sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... như sử dụng xe đạp, xe máy điện, ôtô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

Chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh là xu hướng tất yếu của thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng Hà Nội đang đi đúng hướng và dẫn đầu cả nước trong việc chuyển đổi phương tiện công cộng xanh. Tuy nhiên, để đạt được lộ trình đã đề ra, phía trước vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Xung quanh vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội.

PV: Xin ông cho biết mục tiêu chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng hướng tới giao thông xanh trên địa bàn Hà Nội đang diễn ra thế nào?

ong thai ho phuong.jpeg -0
Ông Thái Hồ Phương.

Ông Thái Hồ Phương: Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển hệ thống GTVT xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Đối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: Giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Để đạt mục tiêu này, cần xây dựng lộ trình, triển khai các giải pháp và điều kiện cần thiết; phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện của các ngành và đơn vị liên quan; cũng như đề xuất được các cơ chế, chính sách liên quan.

PV: Vậy thực trạng phương tiện công cộng của Hà Nội hiện ra sao, thưa ông?

Ông Thái Hồ Phương: Ở Việt Nam, việc sử dụng phương tiện năng lượng xanh hiện còn khá mới mẻ, người dân chưa có thói quen sử dụng xe đạp, phương tiện công cộng để đi lại, phần lớn vẫn phụ thuộc vào phương tiện cá nhân chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, TP Hà Nội đang nỗ lực hết sức và là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành GTVT.

Hiện tại, Hà Nội có 128 tuyến buýt trợ giá với hơn 1.900 xe buýt, trong đó có 282  xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 14,8% tổng số phương tiện. Đến nay hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 70 - 90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, tăng lên 100% vào năm 2035 (sớm hơn so với mục tiêu năm 2050 của Quyết định 876). Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các doanh nghiệp và thành phố. Cụ thể, hướng tới mục tiêu xanh hóa hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, các tuyến buýt mở mới sẽ ưu tiên sử dụng xe năng lượng sạch. Hiện đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để đưa xe buýt điện vào vận chuyển hành khách trên 5 tuyến gồm tuyến số 05, 39, 47, 43, 59. Trong đó tuyến buýt số 05 sẽ sử dụng xe cỡ nhỏ (30-40 chỗ), còn lại sử dụng xe cỡ trung bình (41 - 60 chỗ). Dự kiến, đầu năm 2025 các tuyến buýt điện này sẽ đi vào hoạt động.

Xanh hóa giao thông công cộng tại Hà Nội bao giờ thành hiện thực? -0
Xe buýt điện hoạt động trên đường phố Hà Nội góp phần giảm tải ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã có 2 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân tham gia mỗi ngày. Như vậy có thể thấy hiệu quả về giảm thiểu ùn tắc giao thông, tính tiện lợi trong việc đi lại bằng tàu điện trên cao ở Hà Nội đã được thấy rõ. 

PV: Với con số kể trên, liệu rằng Hà Nội có dễ dàng đạt được lộ trình đã đề ra không, thưa ông?

Ông Thái Hồ Phương: Kế hoạch chuyển động dựa trên nguyên tắc lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt dùng điện và năng lượng xanh đảm bảo phù hợp thực tế về cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn điện. Các tuyến buýt mới mở ưu tiên sử dụng xe điện, xe năng lượng xanh. Với các xe buýt diesel đang hoạt động, thực hiện chuyển đổi theo nguyên tắc được phép kéo dài thời gian sử dụng đến hết hạn thầu. Nếu còn khấu hao nhưng hết hạn thầu, thời gian sử dụng tối đa đến thời điểm hết khấu hao.

Lộ trình chuyển đổi dự kiến đi theo 3 kịch bản:

Kịch bản 1: 100% xe buýt điện. Số phương tiện sau chuyển đổi: 2.433 xe.

Kịch bản 2: 70% buýt điện, 30% buýt LNG/CNG. Số phương tiện sau chuyển đổi: 2.212 xe (1.592 xe điện và 620 xe LNG/CNG).

Kịch bản 3: 50% buýt điện, 50% buýt LNG/CNG. Số phương tiện sau chuyển đổi: 2.076 xe (1.100 xe điện và 976 xe LNG/CNG).

PV: Rõ ràng, cả 3 kịch bản ông nêu ở trên phần lớn là chuyển đổi xe buýt. Vậy cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ nghiêng về phương án nào?

Ông Thái Hồ Phương: Dựa trên tình hình thực tiễn, trước mắt thành phố đề xuất thực hiện theo kịch bản 3. Khi điều kiện cho phép sẽ phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2. Sau năm 2040 thực hiện kịch bản 1.

PV: Vậy để thực hiện kịch bản này, cơ quan quản lý cũng như người dân cần chuẩn bị những gì, thưa ông?

Ông Thái Hồ Phương: Để thực hiện, cần huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước (chi phí phục vụ chuyển đổi, chi phí duy trì trợ giá hàng năm...) và từ doanh nghiệp (mua xe, đầu tư hạ tầng trạm sạc/nạp khí...). Thành phố cũng đề xuất một số giải pháp gồm: Quán triệt, tuyên truyền về lộ trình, chính sách, lợi ích của chuyển đổi phương tiện; hoàn thiện định mức, đơn giá cho các loại xe buýt xanh; áp dụng định mức, đơn giá tạm thời để đặt hàng xe buýt xanh trong thời gian chờ ban hành chính thức; đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt dùng điện, năng lượng xanh...

PV: Việc chuyển đổi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông, các doanh nghiệp vận tải công cộng trên địa bàn Hà Nội cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào và cần chuẩn bị những gì?

Ông Thái Hồ Phương: Tôi cho rằng, thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn như: Cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư phương tiện, hạ tầng, chuyển đổi công nghệ, đào tạo nhân sự... Chắc chắn các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các nguồn vốn có cơ chế cho vay và lãi vay hấp dẫn, an toàn với sự bảo trợ của Chính phủ, thành phố. Do đó, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các loại hình trạm sạc; bố trí mạng lưới điện đủ đáp ứng nhu cầu trạm sạc; hướng dẫn cụ thể về giá bán điện của trạm sạc và giá sạc điện cũng như sớm ban hành tiêu chuẩn về ổ cắm dùng trong trạm sạc, nhằm đồng bộ hóa bộ tiêu chuẩn về dây, cáp sạc và thiết bị đo đếm điện năng. Dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Hà Nội đã đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi phương thức vận tải hành khách công cộng. Việc sử dụng phương tiện xanh không chỉ góp phần rất tích cực bảo vệ môi trường mà còn tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang tàu điện, xe buýt.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã thu hút hơn 900 nghìn lượt hành khách đi tàu. Đáng chú ý, vào các ngày nghỉ cuối tuần, lượng hành khách đi tàu tăng đột biến, trung bình từ 60.000-100.000 lượt người dân đi tàu. Các ngày đi làm trung bình đang có khoảng 50 nghìn hành khách đi tàu. Sau khi kết thúc 15 ngày chạy miễn phí, từ ngày 23/8, tàu metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức bước vào giai đoạn bán vé. Tuy không còn cảnh chen chúc như trước đây, song dù  phải mua vé thì tuyến metro này vẫn thu hút người dân sử. Đại diện của Hanoi Metro cho biết, mức giá vé lượt (vé chặng) đi một ga 8.000 đồng và đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt. Vé ngày là 24.000 đồng có giá trị trong ngày và không hạn chế số lượt; vé tháng 200.000 đồng, ưu tiên học sinh, sinh viên 100.000 đồng/tháng. Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đi qua những tuyến phố đông đúc như quốc lộ 32, Xuân Thủy, Cầu Giấy. Với thiết kế tối đa 80km/h, theo tính toán, tuyến có thể vận chuyển tối đa hơn 500.000 lượt hành khách/ngày đêm. Trong 3 tháng đầu, giờ mở tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội là 5h30; giờ đóng tuyến là 22h, giãn cách chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến. Nhiều người dân đánh giá, di chuyển trên tuyến tàu metro này rất yên tĩnh, không còn tiếng ồn và mùi xăng dầu như các tuyến tàu hỏa truyền thống. Đặc biệt, ngồi trên tàu điện giúp hành khách có thể thư thả, sử dụng điện thoại, đọc sách... mà không phải chật vật với dòng phương tiện cá nhân đông đúc. Metro Nhổn - ga Hà Nội cùng với các tuyến đường sắt đô thị đã quy hoạch được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để ách tắc giao thông tại Hà Nội.

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.