Vì sao nhiều bộ, ngành, địa phương xin trả gần 13 nghìn tỷ vốn đầu tư công?
Trong khi giải ngân vốn đầu tư công trong nước đạt 60% kế hoạch, thì giải ngân vốn đầu tư công vay nước ngoài chỉ mới đạt hơn 26%. Để “chạy” điệp khúc chậm, nhiều bộ, địa phương đã xin trả lại vốn.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị của Bộ Tài chính với các bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân tháng cuối năm 2022, diễn ra ngày 1/12.
Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân. Mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương đến 30/11/2022 đạt tỷ lệ 34,27% kế hoạch vốn (11.852,2 tỷ đồng), trong đó của bộ, ngành đạt 38,38% (4.532,2 tỷ đồng) và của địa phương đạt 32,14% (7.320 tỷ đồng). Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch 2022 đạt 26,06%. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 nói trên gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% kế hoạch vốn), tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).
Nguyên nhân của tình trạng giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn chậm chủ yếu xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân từ mọi khâu của quá trình thực hiện dự án, như chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án; điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm. Đồng thời cũng có nguyên nhân từ việc các chủ dự án chưa tập hợp các kiểm soát chi gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính hoặc do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ WB áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu.
Đáng chú ý, để tránh điệp khúc chậm, một số bộ ngành, địa phương đã xin trả lại vốn đầu tư công được phân bổ. Bà Mai Thị Thuỳ Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) thông tin việc các địa phương xin trả lại vốn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 124, trong đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương khi tăng, giảm vốn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần kiến nghị thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết 124, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nội dung này. Hiện nay, theo số liệu chưa đầy đủ, Bộ Tài chính đã nhận được đề nghị xin trả lại vốn của các bộ, ngành trung ương là 3.079 tỷ đồng; của các địa phương 4.724 tỷ đồng.
Từ góc độ cơ quan chủ trì tổng hợp số liệu điều chỉnh giảm cũng như điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Văn bản 6224 của Văn phòng Chính phủ ngày 20/9/2022 đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời điều hoà, điều chỉnh kế hoạch năm 2022.
Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là giữ nguyên đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không trả lại vốn kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2022 đã được giao, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Về ý kiến của một số địa phương về việc nếu có điều chỉnh giảm nguồn vốn đầu tư thì chuyển nguồn vốn này sang cho địa phương khác, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 24/11/2022, số xin điều chỉnh giảm là 12.803 tỷ đồng của 5 bộ và 47 địa phương. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được yêu cầu xin bổ sung vốn của bất kỳ địa phương nào, do đó, Bộ không có cơ sở tổng hợp, cân đối, trình báo cáo cấp có thẩm quyền…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, vì tổng số giải ngân từ đầu năm tới nay mới đạt 26,06% kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài của năm 2022, do đó, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hoàn thành kế hoạch là rất lớn. Thứ trưởng Hưng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công trong đó có vốn nước ngoài trong thời gian tới.
“Bộ Tài chính cam kết tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các nhà tài trợ để xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị toàn ngành tài chính chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vay nước ngoài nói riêng”, ông Hưng nói.