Trường đại học top đầu nên có thêm kỳ thi phụ để tuyển sinh

Chủ Nhật, 26/09/2021, 07:00

Trong 2 năm 2020 và 2021, điểm chuẩn trúng tuyển đại học dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT liên tục tăng cao. Cá biệt, có một số ngành dù thí sinh đạt 30 điểm 3 môn song vẫn trượt. Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay không còn mục tiêu “2 trong 1” mà có mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp nên độ phân hoá của đề thi hạn chế, không còn thực sự phù hợp với việc xét tuyển đại học, nhất là các trường top đầu.

Thực tế trên đòi hỏi các trường đại học cần phát huy cao tinh thần tự chủ, tăng cường đổi mới tuyển sinh để có thể lựa chọn được người học phù hợp, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với TS.Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về vấn đề này.

 

PV: Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2021 đã xảy ra hiện tượng, thí sinh dù đạt 30 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1. Theo ông, điều này có bất thường?

TS. Lê Viết Khuyến: Năm nay, trong gần 3.000 ngành tuyển sinh của gần 250 trường đại học trên cả nước, chỉ có 2 ngành có điểm chuẩn trên mức 30. Tất nhiên, để có mức điểm chuẩn này, bắt buộc thí sinh trúng tuyển phải được hưởng điều kiện ưu tiên để có điểm xét tuyển (điểm thi + điểm ưu tiên) đạt mức điểm chuẩn trên mức 30. Thực tế cho thấy, điểm chuẩn trên 30 cũng đã có ở những năm trước chứ không phải mới xuất hiện ở năm 2021. Điều này xảy ra với những ngành ít chỉ tiêu nhưng lại có nhiều thí sinh, đặc biệt là thí sinh có điểm thi cao đăng ký xét tuyển.

ts le viet khuyen.jpeg -0
TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Và hiện tượng thí sinh có điểm cao nhưng vẫn trượt tất cả nguyện vọng năm nào cũng có, tuy nhiên số này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Với quy định thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, cơ hội thí sinh trúng tuyển đại học là rất cao. Vấn đề đặt ra là thí sinh phải có chiến lược chọn và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng sao cho vừa theo mong muốn của bản thân nhưng cũng cần phù hợp mức độ điểm thi và tham khảo điểm chuẩn các ngành liên quan ở những năm trước.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay có mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp nên độ phân hoá của đề thi hạn chế, không còn thực sự phù hợp với việc xét tuyển đại học, nhất là các trường top đầu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay chủ yếu phù hợp với các trường top giữa và top cuối vốn chiếm đa số song chưa thực sự phù hợp với các trường top đầu, các ngành hot có tỷ lệ chọi cao. Do dịch bệnh COVID-19, đề thi năm 2021 có phần giảm tải, dễ hơn so với các năm trước, độ phân hoá không cao. Kết quả là mặt bằng phổ điểm các môn thi năm nay đều tăng mạnh, cá biệt có những tổ hợp tổng số bài thi đạt điểm giỏi  tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn như Tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng tự chủ hơn trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT như xét học bạ, thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế. Có không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức trên. Ngoài ra, số lượng năm nay thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước trong khi chỉ tiêu lại không có sự tăng đột biến.

Các yếu tố này đã tác động và đẩy điểm chuẩn trúng tuyển lên cao, đặc biệt ở một số trường, một số ngành có tỷ lệ “chọi” cao. Để nâng cao chất lượng nguồn tuyển, các trường đại học top đầu, trường có thương hiệu cần phải đi tiên phong trong đổi mới tuyển sinh.

Trước mắt, các trường cần điều chỉnh cách thức tuyển sinh đại học theo hướng chỉ nên coi điểm thi tốt nghiệp THPT là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường. Sau đó phải có thêm kỳ thi phụ, sử dụng bài thi để đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy thực của thí sinh và không có bất kỳ điểm cộng, điểm ưu tiên nào ở bài thi này để tạo sự công bằng.

PV: Năm 2021, rất nhiều trường đại học dành từ 30-50% chỉ tiêu để xét tuyển học bạ. Ông đánh giá như thế nào về tính khách quan, công bằng của phương thức xét tuyển này?

TS. Lê Viết Khuyến: Nếu những năm về trước, phương thức xét tuyển đại học chủ yếu là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì năm nay, có rất nhiều phương thức, tiêu chí xét tuyển khác nhau như xét bằng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển kết hợp.

Trong đó, tỷ lệ chỉ tiêu bằng xét tuyển học bạ được nhiều trường điều chỉnh tăng so với các năm trước và thực hiện không nhất quán: có trường dựa vào điểm trung bình 2 học kỳ của năm lớp 12, có trường dựa vào điểm trung bình của 3 học kỳ gần nhất, có trường lại dựa vào điểm trung bình của 5 học kỳ ở bậc THPT. Cá nhân tôi cảm thấy chưa yên tâm về độ tin cậy của hình thức xét tuyển này khi mà điểm tổng kết của học sinh tại các địa phương có độ “vênh” khác nhau.

Bằng chứng là qua 2 năm Bộ GD&ĐT đối sánh điểm cho thấy, điểm học bạ của học sinh đang “vênh” rất nhiều với điểm thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, xét trên bình diện chung, xét tuyển dựa vào điểm học bạ sẽ không đảm bảo sự khách quan, công bằng đối với tất cả thí sinh. Ngoài ra, khi chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ của các trường tăng mạnh, chiếm ưu thế thì điểm chuẩn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ càng tăng do tỷ lệ “chọi” bị đẩy lên cao, tình trạng lạm phát điểm chuẩn trúng tuyển càng có nguy cơ tái diễn.

PV: Ông có cho rằng, nếu không xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ, sẽ có nguy cơ trường đại học trở về thời kỳ “nở rộ” các kỳ thi riêng do các trường tự tổ chức và “nở rộ” lò luyện thi?

TS.Lê Viết Khuyến: Ưu điểm lớn của kỳ thi THPT quốc gia (nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT) là học sinh chỉ cần thi 1 lần và có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào các trường đại học khác nhau. Điều này không chỉ tiết kiệm cho thí sinh, gia đình và toàn xã hội mà còn tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do các em được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Nếu các trường đại học quay lại thời kỳ tổ chức thi riêng sẽ đồng nghĩa với việc học sinh từ các tỉnh, thành trên cả nước sẽ phải khăn gói đến các trường khác nhau, thi vào những ngày khác nhau do từng trường quy định.

Đề thi mỗi trường ra mỗi kiểu khác nhau nên học sinh cũng sẽ phải tham gia ôn luyện tại các lò luyện thi. Đáng lo ngại hơn, việc “bùng nổ” các thi riêng sẽ đưa đến tình trạng trúng tuyển ảo mà chính các trường đại học lớn sẽ phải gánh chịu khi mà những học sinh giỏi đăng ký dự thi ở nhiều trường và đồng thời cùng trúng tuyển.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, việc tổ chức một kỳ thi riêng như thế là rất tốn kém và cũng lắm rủi ro. Đây cũng là lý do giải thích vì sao từ năm 2015, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được tổ chức, các trường đại học đều sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.

PV: Vậy theo ông, phương án các trường đại học cùng nhóm ngành, cùng khối xét tuyển bắt tay để tổ chức một kỳ tuyển sinh rồi sử dụng kết quả để xét tuyển chung liệu có khả thi trong bối cảnh hiện nay?

TS. Lê Viết Khuyến: So với việc từng trường tổ chức thi riêng, xu hướng thi theo nhóm trường sẽ tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro hơn. Tuy nhiên, quy mô của kỳ thi này cũng sẽ tương đối nhỏ do mỗi nhóm chỉ quy tụ được một số trường có cùng nhóm ngành, cùng khối xét tuyển hoặc cùng tiêu chí. Trong khi đó, để huy động được một nhóm trường đáp ứng được các yêu cầu chung như thế này sẽ không hề đơn giản.

Do vậy, các trường sẽ phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn phương án này. Ngoài ra, nếu xét ở góc độ quyền lợi của thí sinh, do quy mô của các nhóm trường xét tuyển chung này tương đối nhỏ nên học sinh vẫn phải tham gia thi, xét tuyển ở các nhóm khác nhau. Điều này sẽ khiến thí sinh vất vả, tốn kém hơn nếu so với việc cả nước chỉ duy trì một hệ thống xét tuyển chung dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.

PV: Tại hội nghị tổng kết ngành Giáo dục mới đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã yêu cầu việc tuyển sinh đại học năm học tới phải có sự đổi mới. Trong đó, việc cần làm ngay là hai trường Đại học Quốc gia và cần bắt tay vào xây dựng hệ thống trung tâm khảo thí để tổ chức kiểm tra, đánh giá nhằm phục vụ tuyển sinh trong thời gian tới. Ông nghĩ sao về xu hướng này?

TS. Lê Viết Khuyến: Việc thành lập các trung tâm khảo thí đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào đại học là kinh nghiệm nhiều nước đã thực hiện và Việt Nam cũng có thể triển khai theo hướng này. Trong đó, các trung tâm khảo thí này phải hoạt động theo mô hình độc lập, không sử dụng ngân sách Nhà nước; có năng lực xây dựng đề thi chuẩn hoá và tổ chức các kỳ thi thành nhiều đợt trong năm để các trường đại học có thể sử dụng kết quả tuyển sinh.

Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, cần có thời gian chuẩn bị. Cùng với đó, phải có sự kiểm soát chất lượng và “cầm trịch” của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là trong khâu xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hoá nhằm tạo lập được sự tương đương chuyển đổi phù hợp giữa các bài thi của các trung tâm khảo thí khác nhau.

Điều này không chỉ đảm bảo công bằng, khách quan trong tuyển sinh mà còn giải quyết được các vướng mắc phát sinh khác như việc chuyển trường, chuyển ngành học giữa các cơ sở đào tạo cùng sử dụng kết quả chung do các trung tâm này tổ chức.

PV: Theo ông, có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT khi có dư luận cho rằng kỳ thi này không giải quyết được mục tiêu tốt nghiệp lẫn tuyển sinh đại học?

TS. Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng, thời điểm này chưa thể bỏ thi tốt nghiệp THPT và giao về cho các địa phương tự xét, bởi căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn khá nặng. Lý do là nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thả lỏng hoàn toàn cho các trường thì các địa phương sẽ đua nhau giữ thành tích, chắc chắn sẽ gây rối loạn và bất ổn.

Nếu muốn bỏ thi tốt nghiệp THPT thì buộc phải có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông, hình thành văn hóa chất lượng bám chặt vào chuẩn đầu ra. Trong khi đó, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của chúng ta hiện đang mới làm ở bậc đại học, phổ thông thì chưa biết đến bao giờ.

Do vậy, giải pháp tối ưu hơn cả là nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng phải điều chỉnh đề thi, đưa tỷ lệ đỗ tốt nghiệp từ trên 95% hiện nay về con số thực với khoảng 70-80% thí sinh đạt chuẩn. Điều này là hoàn toàn phù hợp bởi với kết quả đó, các em sẽ có thêm động lực học tập để vượt qua kỳ thi.

PV: Vậy trong ngắn hạn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cần được điều chỉnh ở khâu nào để vừa đảm bảo tính ổn định, không gây xáo trộn cho học sinh nhưng vẫn giúp các trường đại học thuận lợi nếu dựa vào kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh, thưa ông?

TS. Lê Viết Khuyến: Hiện nay, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức được nhiều trường đại học sử dụng và có đông thí sinh chọn nhất. Độ tin cậy và độ phân cách của điểm thi về cơ bản đủ để các trường đại học dùng làm cơ sở xét tuyển từ nhiều năm qua, từ kỳ thi THPT quốc gia 2015 đến nay. Do vậy, trong điều kiện hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được thay đổi một cách từ từ, từng bước.

Mỗi bước thay đổi cần được chuẩn bị và có thời gian để học sinh thích nghi. Trong đó, việc chuẩn hoá và ổn định chất lượng đề thi là vấn đề cần cải thiện nếu kết quả thi tốt nghiệp còn tiếp tục là cơ sở quan trọng để các trường đại học sử dụng để tuyển sinh.

Bên cạnh đó, các trường đại học top đầu, các ngành hot cũng cần phát huy tính tự chủ, trách nhiệm xã hội của mình trong công tác tuyển sinh bằng cách hãy xem kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều kiện sơ tuyển, sau đó các trường có thể tổ chức thêm một kỳ thi phụ để sát hạch. Đó có thể là phỏng vấn, làm bài kiểm tra tư duy, đánh giá năng lực để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất vào các ngành đào tạo.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.