Trẻ em có bố mẹ chết do COVID -19 được hỗ trợ như thế nào?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi rà soát, Bình Dương phát hiện có 22.000 người trùng nhau về tên tuổi, trong đó có 1.990 đã được phát hỗ trợ với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. Phần đông người nhận nhầm đã tự hoàn trả lại số tiền.
Chiều 10/11, sau Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Lĩnh vực lao động, an sinh, an dân và xã hội có nhiều hệ lụy
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là việc thực hiện gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam; giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường lao động và chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc... Bên cạnh đó là việc huy động, quản lý công tác thiện nguyện. Ngoài trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia giải trình những vấn đề có liên quan.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết làn sóng dịch từ cuộc khủng hoảng về y tế cộng đồng đã trở một cuộc khủng hoảng xã hội về việc làm, tình trạng mất việc làm, bất bình đẳng đã khiến sinh kế người dân bị đảo lộn, giảm sút về việc làm và thu nhập.
Tác động của đại dịch thứ tư đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, về vấn đề việc làm, đời sống của hàng triệu người lao động và người dân, nhất là khi, khi dịch xâm nhập vào TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi sử dụng đông lao động.
Theo Bộ trưởng, Đảng và Nhà nước cùng các địa phương đã chủ động tiến hành các chủ trương hỗ trợ người lao động và người hỗ trợ lao động. Đến nay, các gói hỗ trợ và an sinh xã hội của Trung ương và địa phương ban hành đã hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp lan tỏa. “Tuy nhiên lĩnh vực lao động, an sinh, an dân và xã hội có nhiều hệ lụy do tác động của dịch, quy mô hỗ trợ thấp, đòi hỏi sớm phải có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Không có chuyện phát nhầm hỗ trợ cho 22.000 trường hợp ở Bình Dương
Về việc phát hỗ trợ cho người chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, một địa phương đã phát nhầm cho 22.000 trường hợp, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt câu hỏi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có nắm được tình trạng này hay không và với trách nhiệm của mình, Bộ LĐTB&XH đã xử lý trường hợp này như thế nào, kết quả ra sao?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định không có chuyện nhận nhầm và phát nhầm cho 22.000 trường hợp. Bộ trưởng cho biết sau khi nhận thông tin qua phản ánh của báo chí, ông đã trực tiếp liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương báo cáo. Về phía Bộ cũng đã cử một số đoàn công tác trực tiếp vào Bình Dương làm việc.
Kết quả chỉ có 1.490 trường hợp nhận nhầm. Còn về con số 22.000, ông lý giải là chính sách riêng của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động để giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800.000 đồng/người.
Khi đến trực tiếp địa bàn kê khai, nhiều người cùng khai hộ dẫn đến vọt lên con số quá lớn. Sau khi rà soát, Bình Dương phát hiện có 22.000 người trùng nhau về tên tuổi, trong đó có 1.990 đã được phát hỗ trợ với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. “Phần đông người nhận nhầm đã tự hoàn trả lại số tiền, đến nay công việc đã được giải quyết và đã thu hồi được 1,6 tỷ đồng”- Bộ trưởng khẳng định.
Hỗ trợ trẻ em mồ côi mức tiền 1,8-5 triệu đồng/tháng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về giải pháp chăm sóc trẻ mồ côi do COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết do tác động của dịch, thế giới có 1,5 triệu trẻ em mồ côi, trong khi Việt Nam có 2.532 trẻ mồ côi với 81 trẻ mất cả cha và mẹ vì dịch bệnh. Thời gian qua, Bộ đã chủ động ban hành chính sách liên quan trẻ em nói riêng và đối tượng bảo trợ xã hội nói chung, ban hành Nghị quyết có quy định đối tượng bảo trợ trẻ em và cháu mồ côi.
Theo Bộ trưởng, chính sách chung nhằm đảm bảo tất cả cháu mồ côi cả cha và mẹ đều sẽ được chăm sóc dưới mái ấm gia đình, người thân. Hiện, cả 81 cháu đều sống với người thân, nếu không có người thân thì có mẹ đỡ đầu, trường hợp xấu nhất mới đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.