Trao "thượng phương bảo kiếm", chính sách phát triển rừng liệu có đạt?

Thứ Tư, 27/10/2021, 11:27

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo băn khoăn, có tỉnh lợi thế phát triển kinh tế rừng của cả vùng, khu vực, nhưng nếu Quốc hội trao "thượng phương bảo kiếm" để chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thì chính sách phát triển rừng liệu có đạt? 

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Lo ngại "tấm chăn ngân sách" kéo bên này, co bên kia

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) băn khoăn, liệu các địa phương được xem xét cơ chế đặc thù lần này đã hoàn thành việc xây dựng quy hoạch, đã tính tới sự liên kết với các địa phương lân cận hay chưa, đồng thời đề nghị phải đặt cơ chế đặc thù trong tổng thể nền kinh tế, chứ không phải từng tỉnh riêng lẻ.

Trao
ĐBQH Phạm Trọng Nhân thảo luận trực tuyến từ điểm cầu Bình Dương.

Theo ông, khi xây dựng cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, Chính phủ xác định vai trò TP Đà Nẵng tiếp tục là trung tâm, là đầu tàu kinh tế - xã hội (KTXH) của miền Trung và Tây nguyên. Tuy nhiên lần này tờ trình đề cập đến Thanh Hoá cũng nhấn mạnh Thanh Hóa từng bước khẳng định là là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước. "Có hay không sự chồng lấn về vai trò đầu tàu hay động lực tăng trưởng khu vực miền Trung giữa Thanh Hoá, Đà Nẵng trong trường hợp này? Các địa phương mới hưởng đặc thù sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược liên kết vùng?", đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị dự thảo kèm theo nên có chương trình, đề án cam kết hiệu quả của Nghị quyết ứng với niềm tin của gần 500 đại biểu trao cho các địa phương này. Đồng thời, ông vẫn mong có cơ chế, chính sách đặc thù trọng điểm để hồi phục kinh tế, tạo động lực tăng trưởng, là "liều thuốc đủ mạnh" cho cơ thể yếu sau cơn bạo bệnh.

Trao
ĐBQH Nguyễn Tạo thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lo ngại, ngân sách Nhà nước (NSNN) chúng ta tới đây sẽ rất khó khăn do dịch COVID-19 hoành hành, KTXH của thế giới và nước ta trong những năm tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc điều tiết ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách là hết sức vất vả, bởi lẽ "tấm chăn" NSNN kéo bên này sẽ co lại bên kia, kéo bên kia sẽ bị hụt về bên này...

Đồng ý với câu chuyện "tấm chăn ngân sách", tuy nhiên theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), chúng ta phải hướng tới một quan điểm, sẽ có địa phương được tạo điều kiện phát triển đủ mạnh để thoát ra khỏi "tấm chăn ngân sách", để không phải có tình trạng co kéo nữa. Đó mới là hướng phát triển bền vững. Bà bày tỏ thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, bởi các nhóm chính sách cho từng địa phương thực chất là những chính sách bảo đảm tính đặc thù, được xây dựng dựa trên những phân tích, nghiên cứu rất kỹ, bảo điểm điều kiện, nhu cầu của từng địa phương.

Trao
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa thảo luận tại hội trường.

Đây là những cơ hội để các địa phương đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng của mình, tạo sức lan tỏa, sức kéo trong khu vực. Việc lựa chọn các địa phương đưa vào thí điểm đợt này có đặc thù rất rõ. "Có đại biểu băn khoăn Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế là các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhưng thưa rằng, Nghệ An, Thanh Hóa là 2 tỉnh lớn, số dân đông, nếu đầu tư cho 2 tỉnh này phát triển sẽ tác động lớn về dân số, điều kiện phát triển cho cả vùng Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa còn là điểm kết nối 3 vùng: Đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; Nghệ An là tỉnh có hơn 400km đường biên giới, phát triển các huyện biên giới Tây bắc Nghệ An chính là phát triển cả địa bàn rộng lớn, bảo đảm an ninh quốc phòng cũng như đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số..." - đại biểu phân tích.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị quan tam nghiên cứu, bổ sung điều khoản về tổ chức thực hiện, đánh giá tác động chính sách đến từng địa phương. Đồng tình với nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất, song đại biểu cũng đề nghị trong quá trình thực hiện nên quan tâm vấn đề an sinh của đồng bào dân tộc thiểu số.

Kích hoạt để những "người con" phát triển theo tiềm năng, lợi thế

Nhất trí việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 4 địa phương, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhấn mạnh 3 cơ sở là tạo cơ chế, động lực, điều kiện cho các tỉnh phát triển; thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, đường lối của Đảng và thí điểm chính sách trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trao
Toàn cảnh hội trường.

Đại biểu đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kỹ từng lợi thế, thế mạnh của từng tỉnh để có chính sách phù hợp, phát huy thế mạnh, đạt hiệu quả cao. "Có tỉnh có lợi thế phát triển kinh tế rừng của cả vùng, khu vực. Nếu Quốc hội trao "thượng phương bảo kiếm" để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì sau này khi tổng kết lại, chính sách phát triển rừng liệu có đạt không?" - đại biểu đặt câu hỏi.

Ông cũng cho rằng, cần bổ sung trách nhiệm người đứng đầu, chế tài để đảm bảo thực hiện đúng, thực hiện nghiêm, thực hiện hiệu quả nghị quyết này. Bởi, nghị quyết ban hành là cơ hội cho những người lãnh đạo, người đứng đầu có năng lực, tài năng, dám nghĩ, dám làm nhưng đồng thời phải có thêm chế tài, quy định về trách nhiệm để khẳng định đó không phải là cơ chế "xin - cho", mà phải có bản lĩnh.

Trao
ĐBQH Lê Thanh Vân.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), nước ta có 63 tỉnh, thành phố, hay nói cách khác là 63 "người con" nhưng năng lực, khả năng, tiềm năng, lợi thế khác nhau. Trừ Luật Thủ đô thì 62 tỉnh thành còn lại chung một nền tảng pháp lý, mà nếu ta không tạo hành lang riêng cho các địa phương thì chúng ta khó có thể kích hoạt cho họ phát triển theo lợi thế, tiềm năng của mình.

Vì nền tảng pháp lý chưa có thì chúng ta phải thí điểm. Thí điểm thì phải có mô hình để phân loại địa phương, cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm. Về cơ sở để thí điểm là có nghị quyết của Bộ Chính trị đã cho phép. Hiến pháp cho phép Quốc hội được đặt ra các quy tắc, xử sự tại các đạo luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép Quốc hội ban hành các Nghị quyết để thực thi các chính sách thí điểm.

"Về cơ sở thực tiễn, "lấp ló" ở nhiều địa phương vì chưa tháo gỡ về mặt cơ chế, chưa "xé rào" thì phải tạo cơ chế bằng thí điểm này. Lần này Chính phủ và Quốc hội dự kiến thí điểm ở 3 cấp độ, một là trao quyền cho các địa phương, thực chất là ủy quyền xuống một cấp; hai là trao quyền, cho phép; ba là điều chỉnh tỷ lệ phân chia"- đại biểu nhấn mạnh.

An Quỳnh
.
.
.