Thí sinh không nhất thiết phải tham dự nhiều kỳ thi riêng
Năm 2023, công tác tuyển sinh đại học có một số điểm điều chỉnh mà cơ sở đào tạo và thí sinh cần lưu ý. Đó là cách tính điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 22,5 điểm trở lên sẽ giảm dần; thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT và một năm kế tiếp.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 để các trường có thể khai giảng vào đầu tháng 9; tạo điều kiện để các trường đại học tổ chức thi riêng có thể làm việc với Bộ GD&ĐT mở Cổng để cập nhật dữ liệu này lên hệ thống xét tuyển chung.
Những điều chỉnh này sẽ mang lại những thuận lợi gì cho thí sinh? Các em cần lưu ý những gì khi tham gia các phương thức xét tuyển sớm cũng như cách thức lựa chọn tham dự các kỳ riêng như thế nào để giảm tải áp lực? Báo CAND thông tin tới bạn đọc chia sẻ của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
PV: Thưa đồng chí Thứ trưởng, với những điều chỉnh mới trong mùa tuyển sinh năm 2023 sẽ mang lại những thuận lợi gì cho thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Những điều chỉnh của năm nay chủ yếu tập trung về mặt kỹ thuật để thuận lợi cho thí sinh khi đăng ký để giảm sai sót. Các trường đại học có thêm dữ liệu, nguồn dữ liệu tin cậy hơn trong công tác xét tuyển. Đây là hai điểm căn bản. Một điểm nữa là năm nay Bộ GD&ĐT sẽ mở cổng đăng ký xét tuyển đại học để các trường tổ chức thi riêng và được nhiều trường sử dụng có thể cập nhật dữ liệu vào hệ thống. Qua đó, các em thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi này có thể đăng ký xét tuyển vào các trường khác tương tự như phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ bậc THPT.
PV: Hiện nhiều trường đại học đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Đồng chí Thứ trưởng có khuyến cáo gì với các trường và lưu ý gì đối với thí sinh khi tham gia các phương thức xét tuyển sớm?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Có một điểm lưu ý, điều này Bộ GD&ĐT cũng đã nhắc nhiều lần. Các trường có thể xét tuyển sớm nhưng không được yêu cầu thí sinh nhập học chính thức cũng như không được công bố các em trúng tuyển. Để công bố trúng tuyển chính thức thì các em phải chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT và lịch nhập học phải theo quy trình chung của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo cơ hội lựa chọn cho các thí sinh. Trường đại học nếu yêu cầu các em nhập học sớm, thí sinh sẽ phân vân, lựa chọn cái này hay chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Và vì vậy, nhiều em có thể đưa ra quyết định sớm, lựa chọn ngay mà bỏ qua các cơ hội khác, nhất là các nguyện vọng mà mình có sự ưu tiên hơn. Thứ hai, thí sinh cũng cần nắm rõ quy định này để không cần phải nhập học sớm nếu như các trường yêu cầu. Các em có quyền lựa chọn, không có trường nào có thể ép các em phải nhập học sớm và các em hoàn toàn có thể chờ đến đợt xét tuyển chung sẽ lựa chọn được nguyện vọng mà mình ưu tiên nhất, thấy phù hợp nhất.
PV: Năm nay, có rất nhiều kỳ thi riêng được các cơ sở giáo dục tổ chức để sử dụng kết quả làm căn cứ xét tuyển vào đại học. Đồng chí Thứ trưởng đánh giá như thế nào về xu hướng này?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Việc các trường tổ chức các kỳ thi riêng xuất phát từ yêu cầu riêng cho một số ngành có tính cạnh tranh cao, có tính đặc thù mà cần phải có thang thước đánh giá, có độ tin cậy cao hơn, phù hợp với yêu cầu của trường mình. Cái này là theo tự chủ các trường. Chúng tôi chỉ đề nghị các trường dù tuyển sinh dựa trên phương thức nào, tổ chức kỳ thi riêng, dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT hay xét tuyển học bạ thì cũng cần phải có sự đánh giá phân tích, đánh giá tương quan giữa kết quả thi, kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của các em trong quá trình đó. Từ đó, sẽ có những cái rút kinh nghiệm, điều chỉnh để làm sao có thể đưa ra phương thức và xác định chỉ tiêu phù hợp nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh và đảm bảo chất lượng đầu vào.
PV: Nhiều ý kiến lo ngại rằng, bên cạnh việc tăng cơ hội vào đại học cho thí sinh, các kỳ thi riêng cũng sẽ chất thêm gánh nặng áp lực lên các thí sinh khi các em có thể sẽ phải chạy “sô” để tham dự các kỳ thi này. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này? Ông có lời khuyên gì đối với các thí sinh khi tham dự các kỳ thi riêng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thực ra tôi cũng chưa nghe các thí sinh nào nói về việc này. Thực chất các trường tổ chức kỳ thi có đặc thù khác nhau. Em nào có nguyện vọng vào các trường Công an thì chắc chắn các em sẽ tham dự kỳ thi của Bộ Công an tổ chức và không cần thiết phải dự thi thêm các kỳ thi khác. Em nào có nguyện vọng vào các trường sư phạm thì cũng có lựa chọn rất rõ. Và kể cả các em không lựa chọn tham dự các kỳ thi đó thì cũng phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chúng ta nghe nói, có 8-10 kỳ thi nhưng phân bổ cả 2 miền, cũng đã giảm một nửa và từng vùng miền thì cũng đã chia theo từng lĩnh vực. Tôi cho rằng, các thí sinh không nhất thiết phải tham dự quá nhiều kỳ thi, chỉ một kỳ thi tốt nghiệp THPT và 1 kỳ thi riêng nữa là đủ. Bên cạnh đó, dự thi là một việc nhưng không phải vì thế mà tạo thêm áp lực học tập vì kì thi nào chung quy cũng đánh năng lực và đánh giá kết quả học tập của học sinh ở bậc THPT chứ không phải chỉ là kết quả làm bài thi của kỳ thi đó. Đương nhiên là nếu thí sinh tham dự nhiều kỳ thi sẽ tốn kém hơn từ việc đi lại, lệ phí, do vậy, các em cần cân nhắc để lựa chọn tham gia kỳ thi riêng phù hợp nhất với nguyện vọng của mình.
PV: Đồng chí Thứ trưởng có lưu ý gì đối với các trường tổ chức kỳ thi riêng và các đơn vị sử dụng kết quả của các kỳ thi này để xét tuyển?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Các trường phải phân tích sau khi có kết quả tuyển sinh của năm trước và năm nay. Đặc biệt là phải phân tích tương quan, có sự đối sánh giữa các phương thức khác nhau như cách mà Bộ GD&ĐT đã làm với toàn hệ thống. Cùng với đó là việc phân tích tương quan giữa kết quả thi đầu vào với kết quả học tập của thí sinh để từ đó có thể lựa chọn, đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp nhất.
PV: Lộ trình xét tuyển đại học sẽ ổn định đến năm 2025 hay sẽ có những thay đổi gì từ năm 2025, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chúng ta chứng kiến 5-7 năm nay phương thức tuyển sinh đại học nhìn chung ngày càng ổn định. Hàng năm các trường đều cải tiến, Bộ GD&ĐT cũng có những cải tiến để sửa chữa các hạn chế, bất cập. Với các xu hướng này, có thể thấy rằng nó đang ổn định và chúng ta đang đi đúng hướng. Có thể các kỳ thi đánh giá năng lực về sau sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô nhưng số lượng các trường tổ chức sẽ không nhiều. Và việc kết hợp các hình thức khác nhau, từ quá trình học tập ở bậc phổ thông rồi các thành tích học tập khác, kết quả thi đánh giá năng lực cũng là một xu hướng cần thiết để các trường có thêm căn cứ đánh giá làm sao để kết quả xét tuyển trở nên tin cậy hơn, đảm bảo công bằng hơn đối với thí sinh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng