Sẽ trình Quốc hội cơ chế đặc thù mới cho TP Cần Thơ
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ vì đây là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chiều 21/12, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 6 (kỳ 2) để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Trình bày dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, việc xây dựng Nghị quyết này là cần thiết, bởi đây là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo dự thảo Nghị quyết, về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, đối với mức dư nợ vay, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đối với việc nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, dự án xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu là đối tượng được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư năm 2020; trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Chính phủ...
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn về tác động môi trường khi thực hiện dự án trên cơ sở cập nhật dữ liệu về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. “Việc nhận chìm vật chất nạo vét cũng cần xem xét rất kỹ, vì ở khu vực này vật chất nạo vét chủ yếu là bùn, lượng cát rất ít. Cũng vì thế mà không nhiều nhà đầu tư muốn tham gia dự án” – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường góp ý.
Trả lời ý kiến này, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, hiện nay việc xã hội hoá các dự án nạo vét đã được quy định đầy đủ trong Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa của Chính phủ, trong đó định nghĩa rõ nạo vét, tận thu, trình tự, các bước kiểm soát tác động môi trường…“Riêng dự án luồng Định An - sông Hậu thì Bộ Giao thông vận tải vẫn đưa vào danh sách dự án kêu gọi xã hội hoá hàng năm; nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư nào cả, lợi nhuận không đủ hấp dẫn. Tức là việc này không có gì mới, ở đây là chỉ xin tăng mức ưu đãi để thu hút nhà đầu tư mà thôi” – Bí thư Thành uỷ Cần Thơ giải thích.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ bổ sung thêm một số thông tin như hoạt động nào thì được ưu đãi để đảm bảo minh bạch, tiện áp dụng, đồng thời cũng tránh lợi dụng chính sách; quy mô, thời hạn của các dự án thành phần rất khác nhau nên quy định chung 1 mức ưu đãi đầu tư là chưa phù hợp. Đây là ưu đãi cao nhất thôi, còn để địa phương quyết đình cho từng dự án cụ thể. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng còn băn khoăn là nghị quyết xác định thời gian thí điểm 5 năm, nhưng vòng đời dự án dài hơn, vậy khi hết thời gian thí điểm thì xử lý thế nào.
Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đúng là các quy định trong Nghị định 159 đã khá rõ. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, nên xây dựng theo hướng vừa dẫn chiếu nghị định, vừa ghi thẳng vào Nghị quyết cho dễ thực hiện. Với thời gian thí điểm 5 năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là thời hạn để thu hút đầu tư, các chính sách nào đã quyết định thì sẽ áp dụng ổn định đến hết vòng đời dự án. Nhưng hết thời gian thí điểm 5 năm thì không được hưởng ưu đãi nữa. Những ưu đãi cho dự án và cả Trung tâm liên kết sẽ kích hoạt cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chứ không cho riêng Cần Thơ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Cần Thơ được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần hoàn thiện một số nội dung trước khi trình Quốc hội. Cụ thể là: Hoàn thiện 6 nhóm chính sách về các quy định về áp dụng pháp luật, về hiệu lực thi hành Nghị quyết theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 558. Lưu ý việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương, thu nhập tăng thêm chỉ được thực hiện khi thành phố Cần Thơ tự cân đối được ngân sách. Đối với việc thành lập Trung tâm liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các chính sách ưu đãi cho Trung tâm như Chính phủ trình. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định nhằm bảo đảm việc thành lập trung tâm phù hợp với các quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời, quy định cụ thể việc áp dụng các chính sách ưu đãi cho trung tâm khi hết thời hạn 5 năm thực hiện thí điểm.
Về nạo vét luồng hàng hải Định An – sông Hậu đến các cảng của Cần Thơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi như Chính phủ trình; đề nghị Chính phủ lưu ý đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, cần đánh giá tính khả thi chính sách và đánh giá đầy đủ tác động khi tiến hành nạo vét dự án, nhất là tác động đến môi trường, trách nhiệm của Bộ Giao thông và Vận tải, và các địa phương khác có liên quan; thời hạn ưu tiên thống nhất là 5 năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường tới đây của Quốc hội Khóa XV.