Tập kết - đoạn đầu của chặng đường thống nhất non sông

Ra đi để Bắc - Nam sớm sum họp một nhà (bài 1)

Chủ Nhật, 01/09/2024, 07:45

Tròn 70 năm trước, ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng lòng thực hiện Hiệp định. Một tuần sau đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi "Điện số 156/A" chỉ đạo Trung ương Cục miền Nam về lựa chọn cán bộ ra Bắc tập kết và cán bộ để hoạt động ở Nam Bộ.

Ðây là chủ trương thể hiện tầm nhìn chiến lược nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ vừa góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Trong dịp kỷ niệm 70 năm chuyến tàu đầu tiên chở cán bộ tập kết ra Bắc, nhóm PV Báo CAND đã tìm hiểu nhiều tư liệu, gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử để “tái hiện” phần nào một sự kiện lịch sử của dân tộc…

Theo Hiệp định Genève, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, nay thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu), Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười (Long Châu Sa, nay là Đồng Tháp) và Sông Đốc (Cà Mau). Tính từ 21/7/1954, thời gian tập kết tại Hàm Tân - Xuyên Mộc là 80 ngày (đến 6h sáng 11/10/1954); tại Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười là 100 ngày (đến 6h sáng 30/10/1954) và tại Sông Đốc là 200 ngày (đến 6h sáng 10/2/1955).

Cây vú sữa miền Nam gửi biếu Bác Hồ

Trung tá Võ Thành Nam (Chín Nam) năm nay 95 tuổi, nguyên Trưởng Công an huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) kể lại, 70 năm trước, ông là Trung đội phó Trung đội A, Đại đội 947, Tiểu đoàn 311. “Được giao nhiệm vụ bảo vệ 100 ngày ở Cao Lãnh, đêm chúng tôi canh gác, ban ngày thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, đó là tham gia xây dựng 2 công trình, gồm tu bổ mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sanh Huy (Nguyễn Sinh Sắc), thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây Đài Chiến sĩ trận vong, sau này gọi là Đài Liệt sĩ, có bia “Tổ quốc ghi công” rất tôn nghiêm. Cấp trên yêu cầu phải hoàn thành cả 2 công trình này trước ngày tập kết”, ông Nam nhớ lại.

Tập kết - đoạn đầu của chặng đường thống nhất non sông -0
Tiểu đoàn 311 vào viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp) trước khi xuống tàu tập kết ra Bắc.  Ảnh: tư liệu

Theo tư liệu lịch sử, tại Cao Lãnh, cuộc tập kết diễn ra trong 3 đợt với tổng số13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam tại các tỉnh Mỹ - Tân - Gò (nay là Long An và Tiền Giang), Long Châu Sa, Gia Định - Ninh (nay là TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh), Phân Liên khu miền Đông, Tình nguyện quân Miền, cán bộ Nam Bộ,...

 “Từ ngày 6/10/1954, tại bến phà Cao Lãnh, bắt đầu những chuyến tàu chuyển bộ đội ra Bắc. Từ trung tâm ra tới bến phà, hàng ngàn người đứng dọc 2 bên đường lưu luyến tiễn con em xuống tàu bằng những lời chúc, lời nhắn nhủ, những cái vẫy khăn, vẫy nón, cánh tay giơ lên cao chìa ra hai ngón, tượng trưng cho 2 năm sau sẽ gặp lại”, ông Nguyễn Đắc Hiền (Mười Long), 85 tuổi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhớ lại. Trước khi xuống tàu tập kết, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã đến viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nhiều người đã chụp ảnh mộ cụ Phó bảng, mang theo ra Bắc để nếu được gặp, sẽ kính tặng Bác Hồ. “Sau này, khi Bác qua đời, nhiều người rất xúc động khi biết có tấm ảnh nội dung như thế được Bác cất giữ trong cái hộp để trên đầu giường”, ông Hiền cho biết.

Trong hồi ký của mình, cố Anh hùng – Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy kể, hầu như đơn vị nào trước khi tập kết cũng ghé thắp nhang mộ cụ Phó bảng. “Không nói ra nhưng trong thâm tâm ai cũng nghĩ một điều, đó là ra Bắc gặp Bác sẽ thưa với Bác, chúng con đã thay Người thắp nén nhang cho Cụ thân sinh để Bác ấm lòng hơn. Sau này, tôi may mắn hơn anh em khác, nhiều lần được gặp Bác. Thế nhưng khi gặp chỉ lo nhìn Bác, xem Bác có khỏe không để Bác hỏi gì trả lời nấy, chẳng còn nhớ gì việc thưa với Bác điều này”, ông kể.

Tập kết - đoạn đầu của chặng đường thống nhất non sông -0
Lúc sinh thời, cụ Nguyễn Thị Bảy - con dâu cụ Lê Thị Sảnh (Má Sảnh), luôn nâng niu bức ảnh Bác Hồ tưới cây vú sữa. Ảnh: Huỳnh Hải

Cũng có mặt ở điểm tập kết Cao Lãnh, cố Thượng tướng Trần Văn Trà – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thời điểm 1954 là Tư lệnh Phân Liên khu miền Đông, từng kể: Khắp các làng xã thuộc huyện Cao Lãnh khi đó, nhà cửa dọc các sông rạch từ Mỹ An, Ba Sao ra Hòa An, Cao Lãnh, từ Phong Mỹ về An Bình, Mỹ Thọ, đâu đâu cũng có bộ đội ta đóng. Và đâu phải chỉ thế, đồng bào từ khắp chốn, vùng quê xa xôi, cả ở Sài Gòn xuống và Cần Thơ qua để tìm đứa con, người em, người cháu đã ra đi từ ngày nào và giờ đây lại sắp đi xa. Còn các má chiến sĩ nữa, các má cũng đổ về để tiễn đưa các con bộ đội đi ra Thủ đô, đi gặp Cụ Hồ. Các má còn gửi cho con đưa ra dâng Bác Hồ, Trung ương Đảng "nắm đất miền Nam". Đất này là mồ hôi, nước mắt của bao đời ông cha khai phá, là máu xương của nhiều lớp chiến sĩ quyết tâm bảo vệ đến cùng…

Hôm chúng tôi về Cà Mau – mảnh đất thiêng liêng ở cực Nam của Tổ quốc thì được biết, tỉnh đang thực hiện dự án đầu tư xây Bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”; đồng thời trùng tu, nâng cấp cả khu mộ của má Lê Thị Sảnh (má Sảnh) và tạo thành khuôn viên di tích.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Quê của má Sảnh gắn với địa danh Ranh Hạt - nằm cặp bờ kênh Chắc Băng, thuộc huyện Thới Bình - giáp ranh với huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang); đây cũng là một trong 3 khu vực mà bộ đội ta tập trung 200 ngày đêm để xuống tàu ra Bắc. Trong buổi tiễn đưa bộ đội tập kết 70 năm trước, má Sảnh bước lên khán đài trao cho đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Đại đội trưởng Đại đội pháo binh 370 (Tiểu đoàn 307) cây vú sữa được bứng trong vườn và nhờ chuyển đến dâng lên Bác Hồ. Hôm đó, bà má Nam Bộ cũng tự hứa sẽ cùng với đồng bào tiếp tục đấu tranh đến ngày đất nước thống nhất.

Tập kết - đoạn đầu của chặng đường thống nhất non sông -0
Đã 95 tuổi nhưng Trung tá Võ Thành Nam, nguyên Trưởng Công an huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) vẫn nhớ rất rõ về năm tháng tập kết chuyển quân ra Bắc.

Đến đầu năm 1955, trên con tàu Kilinki (quốc tịch Ba Lan) với hải trình vượt sóng gió ra Bắc, được chăm sóc rất đặc biệt nên khi tới Thanh Hóa, cây vú ấy sữa ấy vẫn xanh tươi. “Mồng 3 Tết năm ấy, cây vú sữa được Đoàn cán bộ của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam trực tiếp mang vào Phủ Chủ tịch kính tặng Bác Hồ. Bác vô cùng xúc động khi được biết đây là cây vú sữa của đồng bào tận vùng đất Mũi gửi tặng. Cây vú sữa được Bác trồng gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 54 - nơi Bác ở 4 năm đầu sau khi chuyển về khu Phủ Chủ tịch. Hằng ngày, Bác chăm sóc cây vú sữa, như là Bác đang nâng niu tình cảm của miền Nam; hình ảnh của miền Nam ở bên cạnh Người. Cây vú sữa của Cà Mau, đại diện cho miền Nam có mặt bên cạnh Bác, như lời hứa của nhân dân miền Nam với Bác không bao giờ rời xa, Bắc – Nam sẽ là một nhà”, ông Hồ TrungViệt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau chia sẻ.

Vùng “đất thánh” của Việt Minh

Năm tháng đi qua, nhưng những ấn tượng đẹp về 100 ngày thực hiện việc chuyển quân tập kết vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của bao người con Nam Bộ đi tập kết. Dịp kỷ niệm 60 năm chuyến tàu tập kết (2014), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, năm 1954, ông công tác ở tỉnh Gia Định - Ninh (tỉnh Gia Định được sáp nhập với tỉnh Tây Ninh), nên việc chuyển quân tập kết của đơn vị ông được phân vùng trên địa bàn Cao Lãnh. “Điều thành công lớn nhất của Đảng ta là chủ trương xây dựng các khu chuyển quân tập kết trên chiến trường Nam Bộ thành hình mẫu chính quyền cách mạng để đồng bào cảm nhận sâu sắc, so sánh với chế độ quốc gia giả hiệu, tay sai của Pháp và Mỹ, tạo ra những điều kiện để các tầng lớp nhân dân đấu tranh giữ lấy những quyền lợi mà cách mạng đem lại cho họ”, ông đúc kết.

Tập kết - đoạn đầu của chặng đường thống nhất non sông -0
Ông Nguyễn Đắc Hiền (Mười Long), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Đắc Hiền, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhớ lại, trong 100 ngày tập kết ra Bắc, Tỉnh ủy Long Châu Sa triển khai thực hiện chỉ thị về công tác dân vận. Ở vùng độc lập và những xã có bộ đội về đóng quân, bộ đội tổ chức đào kinh, cất thêm trường học, nhà hộ sanh, một số nhiệm vụ đặc biệt khác. “Thời gian tập kết tuy ngắn ngủi nhưng là những ngày thấm đẫm tình nghĩa quân dân, góp phần làm chuyển biến lớn nhận thức của người dân vùng tạm chiến, hiểu biết hơn về cách mạng”, ông Hiền cho biết.

Tại Cà Mau, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy xác định rõ “đi, ở đều là nhiệm vụ”. Trong thời gian 200 ngày tập kết, các hoạt động của chính quyền cách mạng rất hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta tiếp quản trên hầu khắp các lĩnh vực, đặc biệt tạo được uy tín của Đảng, chính quyền cách mạng đối với nhân dân....

Tổng kết cuộc chuyển quân lịch sử, trình bày trước Quốc hội khóa I kỳ họp lần thứ 4, ngày 20/3/1955, thay mặt Chính phủ, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Với một sự cố gắng rất lớn của quân đội, với sự ủng hộ tích cực và thắm thiết của nhân dân, với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn Liên Xô, Ba Lan trong việc vận chuyển, chúng ta đã thực hiện các việc nói trên đúng thời hạn hoặc sớm hơn thời hạn đã định. Toàn thể các cán bộ và chiến sĩ đều hăng hái và phấn khởi, họ đã kiên quyết chấp hành lệnh ngừng bắn, tập kết và chuyển quân, đã kiên quyết tạm xa miền Nam yêu quý, để tỏ rõ tinh thần kỷ luật, ý chí yêu chuộng hòa bình của quân và dân ta...".

Tin ngày chiến thắng trở về

Theo cố Thượng tướng Trần Văn Trà – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ngay trước khi xuống chuyến tàu chót từ Cao Lãnh di chuyển ra Vũng Tàu, chuyển sang tàu Kilinski (Ba Lan) đợi sẵn, ông chứng kiến đám cưới tập thể diễn ra tại Cao Lãnh. “Những cô gái quê hương Gò Công - nơi "đám lá tối trời" của Trương Định, đã được các má dẫn lên tận nơi tập trung quân của Tiểu đoàn 309 để làm lễ cưới cùng các chiến sĩ của tiểu đoàn, trước khi các con đi tập kết. "Các con liệu mà trọn lòng chung thủy, sau hai năm về đây các má sẽ giao lại tụi nó vẹn toàn", các má đã bảo đảm như vậy”, ông kể.

Ở Cà Mau, PV Báo CAND được Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lê Minh Sơn cho xem hình ảnh chiếc vòng vàng của bà Nguyễn Bích Lan (vợ ông Hồ Quang Vinh, đã mất năm 2022) và cho biết, ông Vinh quê ở huyện Cái Nước, đi bộ đội tại Cà Mau, sau đó tập kết, hoạt động tại miền Bắc cho đến 1975 mới quay về nhận nhiệm vụ tại Quân khu 9. “Năm đó, trước khi con lên tàu tập kết, mẹ ông Vinh (bà Phạm Thị Hui) đã trao chiếc vòng này với ý để cho con cưới vợ. Thế nhưng ông Vinh nêu lý do chính đáng rồi nhờ mẹ mình cất giữ giúp. Và người mẹ đã làm theo ý nguyện của con cho đến 1975. Khi ông Vinh về Cần Thơ, người mẹ đã mang chiếc vòng đến trao cho con dâu sau này chính bà Nguyễn Bích Lan”, ông Sơn cho biết.

Thái Bình – Văn Vĩnh
.
.
.