“Nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Sáu, 22/12/2023, 05:25

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng hợp từ thông tin của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 30/11/2023, ước tính, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 461.000 tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77 điểm phần trăm về số tương đối và 122.600 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, chỉ riêng tháng 11/2023, số vốn giải ngân được lên tới 71.300 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số trung bình của 11 tháng là 41.900 tỷ đồng/tháng. Riêng giải ngân vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2023 từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, tính đến ngày 30/11/2023, đạt khoảng 62.920 tỷ đồng. Như vậy, các số liệu trên đã thể hiện rõ sự chuyển biến đáng ghi nhận, tiến bộ hơn hẳn so với cùng kỳ của hoạt động giải ngân nguồn vốn rất quan trọng này.

22.11.2023duanvanhdai2lapth.jpg -0
Các dự án đều phải tăng tốc, chủ động hơn trong thi công.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, kết quả trên cho thấy, những các giải pháp đôn đốc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng hoạt động của các tổ công tác của Chính phủ, đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Song, hiện còn 41 bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Thực tế trên cũng cho thấy khối lượng công việc, phần vốn cần giải ngân còn lại vẫn rất lớn, đặt ra áp lực về tiến độ, thời gian đối với nhiều dự án, chủ đầu tư, địa phương cấp liên quan…Trong khi đó, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn (khoảng 247.000 tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong khi thời gian còn lại không nhiều. Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân; quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao.

Trong khi đó, các hạn chế, tồn tại tiếp tục được điểm danh, trong đó nổi lên vẫn là khó giải phóng mặt bằng, bồi thường bên cạnh sự bất cập trong giai đoạn chuẩn bị dự án, một số chồng chéo trong quy định… Đặc biệt, còn tâm lý lúng túng, e ngại của một số cán bộ thực thi công vụ. Những vấn đề trên là không mới nhưng chậm được khắc phục.

Mặc dù, đứng trước những khó khăn, khi niên độ ngân sách năm 2023 sắp kết thúc, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, lúc này là lúc tốc độ giải ngân có khả năng tăng tốc rất rõ nét, bởi nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đã xong việc chuẩn bị, xác lập phương án thi công, huy động nguồn lực, nguồn cung ứng vật liệu để triển khai kế hoạch một cách chủ động. Các nhà đầu tư cũng đã hoàn thành những quy định, thủ tục cần thiết. Các dự án đều phải tăng tốc, chủ động hơn trong thi công. Đáng lưu ý là, có 3 dự án giao thông lớn phải hoàn thành đưa vào sử dụng gồm cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Những dự án này quy mô vốn lớn và hiện nhà thầu đang tăng ca, kíp để đẩy nhanh tốc độ đến tối đa. Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nếu dồn sức giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể tăng 13,2% và đóng góp 2% vào mức tăng trưởng GDP năm 2023. Đây cũng là minh chứng cho tầm quan trọng của công tác giải ngân nguồn vốn này đối với toàn bộ nền kinh tế năm 2023.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã gửi công điện đốc thúc giải ngân đến lãnh đạo 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân thấp. Hiện, nhiều bộ, cơ quan giải ngân dưới tỷ lệ trung bình cả nước đang chủ động, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân tối đa.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm tra, giám sát; tiếp tục duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Lưu Hiệp
.
.
.