Nhận biết sớm và phòng tránh lũ quét, sạt lở đất

Chủ Nhật, 28/07/2024, 07:24

Từ đầu năm 2024 đến nay nhiều địa phương miền núi đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Gần đây nhất, hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Tính đến ngày 27/7, mưa lũ đã khiến 16 người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng.

Vậy, làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại mưa lũ, đặc biệt là cách nhận biết, phòng tránh sạt lở đất, lũ quét, lũ ống đang được người dân  đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết nguyên nhân gây ra sạt lở đất, lũ quét và thời điểm hay xảy ra hình thái thiên tai này.

Ông Hoàng Văn Đại: Sạt lở thường xảy ra ở khu vực có những sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất, đá xảy ra từ từ. Sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Chúng có thể gây ra thiệt hại đáng kể và rất khó dự đoán. Nguyên nhân gây ra sạt lở đất, thứ nhất là do liên kết cấu trúc trong nền đất đá bị thay đổi bởi sự tác động của thời tiết và ngoại cảnh dẫn tới đất đá ở khu vực đó không còn đủ chắc chắn để giữ vững cấu trúc ban đầu. Sạt lở đất còn có nguyên nhân do tác động từ môi trường, thời tiết.

hoang van dai.jpg -0
Ông Hoàng Văn Đại.

Mưa lớn kéo dài làm cho lượng nước được tích tụ trong đất tăng lên dẫn tới phá vỡ mối liên kết của đất và đá ở cấu trúc địa hình sườn dốc hay dựng đứng. Các mối liên kết giữa đất với đất, giữa đất và rễ cây không đủ bền chắc để có thể giữ được lớp đất đá ở địa hình sườn dốc dẫn đến việc sạt lở. Nguyên nhân tác động từ con người tới môi trường cũng là yếu tố quan trọng. Con người khai thác gỗ, gây cháy rừng làm mất lớp mùn phủ bề mặt giúp thoát nước cũng như làm yếu liên kết giữa các tầng địa chất với nhau dẫn đến việc sạt lở dễ dàng xảy ra hơn. Ngoài ra, các hoạt động san, gạt như khai thác khoáng sản trong lòng đất, đào hầm, đào hố, cũng góp phần làm yếu đi các lớp liên kết giữa đất và những phần khác nên càng gia tăng nguy cơ sạt lở đất. Sạt lở đất có thể gây ra tỷ lệ tử vong và thương tích cao. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất trong các vụ lở đất là chấn thương hoặc ngạt thở do mắc kẹt. Sạt lở đất cũng có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống y tế và các dịch vụ thiết yếu như nước, điện hoặc đường dây thông tin liên lạc. Sạt lở đất diễn biến nhanh, bất ngờ gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho các công trình dân sinh như trường học, nhà ở. Sạt lở đất thường xảy ra ở vùng trung du, miền núi, cuốn trôi và phá hủy nhiều tài sản, gây thiệt hại về gia súc, gia cầm, vật nuôi. Các công trình kiến trúc mà sạt lở đất quét qua rất khó có thể phục hồi. Người dân mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cải tạo lại nền đất để tiếp tục sản xuất và cư trú.

Lũ quét là một loại hình của lũ đặc biệt lớn, xảy ra bất ngờ trên các khe hẹp, sông, suối tại miền núi, trung du và duy trì trong một khoảng thời gian ngắn. Lũ quét có thể xảy ra tại các rãnh ở sườn đồi núi thì thường được gọi là lũ quét sườn hoặc xảy ra ở trong sông, suối gọi là lũ quét dòng. Khi lũ quét dòng có nguyên nhân do co thắt lòng sông, suối thì được gọi là lũ quét nghẽn dòng. Trong trường hợp lũ quét mang theo một lượng lớn bùn đá thì được gọi là lũ bùn đá. Nguyên nhân chính gây ra lũ quét thường là mưa có cường độ lớn hoặc kết hợp giữa lũ với sạt lở sườn dốc. Ngoài ra, lưu vực các sông suối có bề mặt lưu vực bị phong hóa mạnh, kết cấu kém cũng dễ xảy ra lũ quét. Đặc điểm chính của lũ quét là dòng chảy có tốc độ lớn và khi lũ quét chứa một lượng vật rắn rất lớn, thường là bùn, đá... được gọi là lũ bùn đá, rất hay xảy ra ở nước ta. Lũ quét thường xảy ra nhất vào ban đêm và sáng sớm, kéo dài từ 3 - 6 tiếng trong các tháng mùa lũ. Ngoài ra, cũng có thể bắt gặp các loại hình khác của lũ quét, như lũ quét nghẽn dòng, lũ quét do vỡ đập, đê, hồ chứa...  Chính bởi yếu tố có lượng nước lớn, nên lũ quét có sức tàn phá rất lớn, có thể cuốn phăng mọi vật cản trên đường, kể cả nhà cửa, công trình, cây cối.

Phóng viên: Dấu hiệu nhận biết sạt lở đất và lũ quét thế nào, thưa ông? Người dân cần làm gì để tránh nguy hiểm cho bản thân và gia đình?

Ông Hoàng Văn Đại: Người dân sinh sống ở khu vực miền núi, ở những nơi có sườn dốc cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạt… Có trường hợp mực nước suối  đột ngột giảm trong khi vẫn có mưa. Ở trong nhà xuất hiện vết nứt trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển. Chú ý tiếng động lớn bất thường ở thượng nguồn, sự thay đổi của dòng nước, nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có lũ hoặc lũ quét.

Nhận biết sớm và phòng tránh lũ quét, sạt lở đất -0
Sạt lở đất thường diễn biến nhanh, bất ngờ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Đã có rất nhiều tài liệu tuyên truyền về cách ứng phó khi có dấu hiệu của sạt lở đất. Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời. Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc: Đảm bảo tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước. Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: Trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận. Mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: Nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin… Đối với chính quyền địa phương cần chú ý, vì đa số người dân tại những khu vực dễ xảy ra sạt lở thường sinh sống ở đây rất lâu đời và chưa từng xảy ra những sự việc tương tự nên thường chủ quan, khi được cảnh báo di dời thường chần chừ và ngại di dời. Trong khi đó lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra vào nửa đêm về sáng vì đó thường là thời điểm cường độ mưa lớn nhất gây kích hoạt.

Dấu hiệu xảy ra lũ quét chúng ta lưu ý là thời gian mưa lớn nhiều ngày, đặc biệt ở thượng lưu. Nước sông suối chuyển màu đục. Có tiếng động bất thường của đất đá, cây cối. Xuất hiện âm thanh lạ trong lòng đất. Khi có các dấu hiệu này, người dân luôn cảnh giác đề phòng, nhất là khi có mưa lớn kéo dài. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ quét, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu lũ quét. Cần tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét, không được lội qua sông, suối, ngầm, tràn, đường bị ngập. Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền. Chạy thật nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm đến các khu vực, vị trí cao hơn. Tuyệt đối hạn chế đi lại qua sông, suối, không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh. Không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc thấy có dấu hiệu bất thường như nước từ trong chuyển sang đục hẳn. Không lội xuống nước nếu nhìn thấy dây điện hoặc cột điện đổ xuống nước.

Phóng viên: Xin ông cho biết, năm nay mưa lũ có bất thường không? Sang tháng 8, tình hình mưa lũ sẽ diễn biến thế nào?

Ông Hoàng Văn Đại: Tháng 7-8-9 là những tháng chính vụ của mùa mưa bão ở Bắc Bộ. Cho nên, khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên trong tháng 7-8-9 tiếp tục có những đợt mưa lớn, nguy cơ lũ quét, trượt lở đất khu vực này vẫn có nguy cơ cao. Đến tháng 9-10-11, mưa sẽ chuyển sang khu vực Trung Bộ. Đây cũng là giai đoạn La Nina hoạt động. Tác động của La Nina trùng với thời điểm mùa mưa ở Trung Bộ có thể xảy ra những đợt mưa lớn và đặc biệt lớn ở Trung Bộ, nguy cơ xảy ra hiện tượng thiên tai kèm theo như lũ quét, trượt lở đất ở khu vực Trung Bộ ở giai đoạn cuối năm nay sẽ cao và rất cao. Người dân cần chủ động theo dõi các bản tin thời tiết, diễn biến mưa thực tế để có phương án phòng tránh kịp thời.

Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2024 có thể ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và tập trung vào nửa cuối mùa bão. Riêng khu vực miền Trung, số lượng xoáy thuận nhiệt đới có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7-9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10-12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời kỳ cuối năm. Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, các khuyến cáo về ứng phó với từng loại hình thiên tai đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đưa ra và hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương và người dân thực hiện. Đối với góc độ người làm công tác dự báo chúng tôi mong muốn người dân thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác. Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó thì thiệt hại giảm đi đáng kể.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.