Tập kết - đoạn đầu của chặng đường thống nhất non sông

Người ở lại - chuyện bây giờ mới kể (bài 4)

Thứ Tư, 04/09/2024, 08:40

Bên cạnh việc tổ chức cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đúng tinh thần Hiệp định Genève, nhận định về khả năng địch phá hoại Hiệp định, thượng tuần 9/1954, Bộ Chính trị đã ban hành thêm chỉ thị về tình hình, nhiệm vụ và chính sách mới, vạch rõ: “Nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam trong giai đoạn hiện tại là lãnh đạo đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, đồng thời phải lãnh đạo nhân dân chống những hành động khủng bố, đàn áp, phá cơ sở của ta, bắt bớ cán bộ ta và quần chúng cách mạng, tấn công của địch, giữ lấy quyền lợi quần chúng giành được trong thời kỳ kháng chiến, nhất là ở những căn cứ địa và vùng du kích của ta”.

Ở là anh dũng 

“Khi bộ đội ta xuống chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc, khu vực Cao Lãnh và Đồng Tháp Mười được giao lại cho Liên hiệp Pháp. Chính quyền Sài Gòn chỉ có mặt ở cấp quận tại thị trấn Cao Lãnh. Việc làm đầu tiên của chính quyền Sài Gòn ở đây bấy giờ là cho đục phá Đài Liệt sĩ hòng xóa dấu vết của cách mạng để lại, tất nhiên hành động này đã vấp phải cuộc đấu tranh trực diện, quyết liệt của học sinh Cao Lãnh”, ông Nguyễn Đắc Hiền (Mười Long), 85 tuổi, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhớ lại.

Người ở lại - chuyện bây giờ mới kể (bài 4) -0
Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp gỡ các gia đình là cơ sở bí mật trong thời kỳ kháng chiến tại các địa phương Cà Mau, Bến Tre và TP Hồ Chí Minh năm 1980. Ảnh tư liệu.

Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi đó cũng là nơi mà địch không cho ai được bén mảng đến. Ông Phạm Văn Đoàn (Đồng Tháp) kể, trước khi xuống tàu tập kết, các chú, các anh bộ đội căn dặn phải cố gắng giữ gìn công trình lịch sử mộ cụ Phó bảng để có thể, khi có điều kiện Bác vào thăm… Vậy là cùng với tấm lòng ủng hộ cách mạng, lứa học sinh với ông Đoàn đã linh hoạt, khôn khéo chọn thời cơ tốt nhất để tổ chức tu bổ, sơn quét vôi mộ cụ Phó bảng.

Theo hồi ký của cụ Phạm Văn Thuận (SN 1934, ngụ TP Cao Lãnh, đã mất cách đây 3 năm), từng là Phó bí thư Chi đoàn của 3 trường học tại Cao Lãnh thời điểm đó, gần Tết Nguyên đán 1958, cấp trên chỉ đạo phải sơn mới cho tươm tất mộ cụ Phó bảng.

Lúc này, địch bố phòng khá chặt chẽ nhưng các học sinh vẫn bí mật đem dụng cụ tập kết gần trước đó, đợi đến giờ G thì bắt đầu làm. Trong vòng một giờ lúc nửa đêm, công việc đã hoàn thành. Cụ Thuận kể sau đó ông có 2 lần bị địch bắt. Trong lần bị bắt sau, khi bị địch tuyên án 18 tháng tù cũng là lúc ông hay tin vợ vừa mang thai đứa con đầu lòng. Bụng mang dạ chửa nhưng vợ ông vẫn cùng chị em đấu tranh trực diện với địch, chống đốt nhà, dồn dân, giết người vô tội...

Lần giở từng trang của quyền hồi ký “Đi vinh quang, ở anh dũng” do lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp tặng, chúng tôi thật sự cảm động khi đọc nội dung kể lại của nhiều nhân chứng trong những ngày bám trụ kiên cường, với những hoạt động gian khổ trong lòng địch, sự khốc liệt của chiến trường miền Nam.

 “Ở lại như chúng tôi, đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nề mà tổ chức tin tưởng, giao phó. Bởi, ở lại bám dân là chấp nhận hy sinh…”, ông Trần Văn Khánh, cựu chiến sĩ Đại đội 122, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt (Đồng Tháp) bộc bạch. Sau khi bộ đội tập kết, Hiệp định Genève bị địch ngang nhiên vi phạm. Những người hoạt động cách mạng trước đây bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Người ở lại - chuyện bây giờ mới kể (bài 4) -0
Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến thăm Cà Mau những năm đầu giải phóng. .

Năm 1959, ông Khánh bị địch bắt trong một trận chống càn; chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn đến những lời lẽ ngon ngọt để dụ dỗ nhưng không được. Tòa án quân sự đặc biệt tại Sài Gòn sau đó đã tuyên mức án 12 năm khổ sai, lưu đày biệt xứ đối với ông.

“Những năm tháng khổ sai ở Côn Đảo - địa ngục trần gian, với tôi là hành trình gian khổ nhưng rất đỗi tự hào vì góp phần nhỏ bé cho quê hương giành được độc lập, tự do. Đó cũng là minh chứng về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận hàng vạn con người không tiếc máu xương để xứng đáng với bốn chữ ở là anh dũng”, ông Khánh viết trong hồi ký.

Riêng với Đại tá Phan Văn Đấu, nguyên Chủ tịch tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Đồng Tháp, bên cạnh những chuyện không thể nào quên về năm tháng mà địch liên tiếp lùng sục, bắt bớ, đánh phá cơ sở cách mạng khốc liệt, có một sự kiện quá đau lòng. Hôm đó, trong lúc đi từ Mỹ Đức Tây vào Ngã Sáu, Thanh Mỹ tìm thăm ông Đấu, chiếc xuồng chở vợ ông, 7 đứa con và 2 đứa cháu đã bị trúng đạn pháo từ máy bay trinh sát L.19 của địch. Tất cả đã bị đuối nước tử vong…

Người cán bộ tập kết bí ẩn

Sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam được bố trí bí mật ở miền Nam để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới.

Trong một bài viết về đồng chí Lê Duẩn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết, đầu năm 1955, trước sự chứng kiến của Ủy ban Giám sát quốc tế, “anh Ba” (tức đồng chí Lê Duẩn) cùng các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Kỉnh,… lên chuyến tàu Ba Lan neo ở vàm sông Ông Đốc (Cà Mau) để tập kết ra Bắc. “Đó là chuyến tập kết áp chót. Gần nửa đêm, anh bí mật xuống tàu quay trở lại. Tôi được phân công đón anh về một căn cứ bí mật đã chuẩn bị từ trước”.

Người ở lại - chuyện bây giờ mới kể (bài 4) -0
Đài liệt sĩ do Quân – Dân – Chính - Đảng tỉnh Long Châu Sa xây dựng trước 29/10/1954.

Ông Nguyễn Văn Hoành, nguyên Phó cục trưởng Cơ quan T78, Ban tài chính quản trị Trung ương Đảng, từng là cán bộ bảo vệ và phục vụ đồng chí Lê Duẩn, nhớ rất rõ sự kiện hôm đó, 20/1/1955: “Khi tàu nhổ neo, đúng 12h đêm, anh Văn Viên, anh Cao Đăng Chiếm (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) và vài cán bộ đưa tàu ra đón anh Ba trở vào đất liền. Trước khi chia tay, anh Ba chúc sức khỏe mọi người và nói với anh Sáu Thọ: Cho tôi gửi lời chúc sức khỏe đến Bác Hồ và các anh ở ngoài đó, hẹn có thể 20 năm mới gặp nhau”.

Lúc xuống tàu đò di chuyển về hướng Huyện Sử (nay thuộc Thới Bình, Cà Mau), ông Hoành miên man suy nghĩ về lời hẹn 20 năm... “Lúc đó, tôi chưa hình dung hết được. Đến 30/4/1975, tôi thật sự nhận ra anh Ba có cái nhìn xuyên thấu bản chất giai đoạn lịch sử trọng đại của đất nước lúc ấy”, ông Hoành kể.

Kể thêm về những ngày đồng chí Lê Duẩn hoạt động trong điều kiện bí mật rất vất vả ở Cà Mau, ông Hoành cho biết anh Ba phải thay đổi nơi ở nhiều lần vì bà con nhận ra, thậm chí khi thấy tóc ông đen nhánh nhưng râu bạc phơ, có người nghi ngờ ông là… “Cụ Hồ giả dạng thường dân”.

Để giữ bí mật, từ cái tên gọi quen thuộc là “anh Ba”, ông bảo phải chuyển sang gọi là “anh Chín”. “Sáng đó, anh Ba nói: Chúng ta bắt đầu ở lại hoạt động bí mật, việc nói năng, ăn ở, đi lại phải hết sức cẩn thận. Phải tôn trọng tập quán của nhân dân trong vùng. Bọn địch (Mỹ - Diệm) không thi hành Hiệp định Genève đâu, tình hình sẽ khó khăn diễn biến phức tạp lắm. Anh em mình phải mang cái tên khác…", ông Hoành kể cuộc họp trong một chòi lá sau nhà ông Hai Xô ở cuối con kinh Đòn Dong (Cà Mau).

Trước đó, để tiện việc chỉ đạo liên quan đến điểm tập kết 200 ngày đêm, đồng chí Lê Duẩn đã cho chuyển cơ quan Xứ ủy Nam bộ về Huyện Sử. Tại đây, anh Ba đã chủ trì nhiều cuộc họp của Thường vụ Xứ ủy, nhiều hội nghị với các đồng chí lãnh đạo quân - dân - chính - đảng để bàn triển khai chuyển hướng mọi mặt hoạt động của cách mạng, sắp xếp lại tổ chức cơ sở Đảng và bộ máy các cấp ủy, bố trí người đi, người ở lại, tăng cường việc nắm tình hình địch, kể cả đưa người của ta vào hàng ngũ địch. Một việc rất quan trọng là chôn giấu vũ khí, điện đài, chọn gài lại một số chiến sĩ làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang cách mạng sau này.

Người ở lại - chuyện bây giờ mới kể (bài 4) -0
Cụ Võ Thị Quỳnh Mai (vợ cụ Phạm Văn Thuận, Đồng Tháp) cùng con gái xem kỷ vật của chồng, ba để lại.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau được sắp xếp lại. Đồng chí Võ Văn Kiệt phụ trách Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Ung Văn Khiêm chuyển về Trung ương. Từ 12 - 20/9/1954, Tỉnh ủy họp hội nghị mở rộng nhằm quán triệt tình hình, nhiệm vụ phương châm, sách lược mới; tập trung thảo luận kế hoạch biện pháp thực hiện hai nhiệm vụ do Trung ương Cục đề ra...

Xác định rõ "đi, ở đều là nhiệm vụ", từ đó Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng công tác tổ chức. Có trên 10.000 đảng viên, cán bộ nòng cốt, có lập trường quan điểm vững vàng, có điều kiện hoạt động bí mật, được giáo dục kỹ về nhân sinh quan - khí tiết của người đảng viên trước kẻ thù… được sắp xếp ở lại để lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc chiến mới.

Nhận định về tình huống địch phản bội Hiệp định Genève, nhiều địa phương phát động lại đấu tranh vũ trang, Tỉnh ủy Bạc Liêu - Cà Mau chủ trương giữ nguyên công binh xưởng của tỉnh và trên 2.000 súng các loại cất giấu phân tán trong rừng U Minh.

Một số cán bộ được Tỉnh ủy phân công cất giấu vũ khí, đã bố trí nhiều chiếc xuồng ra đến tàu tập kết, bí mật chuyển trên 6 tấn súng, đạn đã đóng thùng sẵn về cất giấu ở các xã Khánh An, Nguyễn Phích và Khánh Lâm, cùng thuộc huyện U Minh ngày nay.

Bí mật rời tàu tập kết ở lại để cùng với Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới, dù có lúc bị bệnh nặng, người gầy nhom, nhưng “Anh Ba – ngọn đèn hai trăm nến”, biệt danh mà nhiều người dân Cà Mau hâm mộ dành cho đồng chí Lê Duẩn, di chuyển liên tục qua nhiều vùng nông thôn hẻo lánh của miền Tây Nam bộ, sống trong sự chở che của nhân dân và có thời gian nán lại ngôi nhà 29 Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn, nay là TP Hồ Chí Minh, khởi thảo và hoàn thành văn bản “Đề cương cách mạng miền Nam”.

“Đề cương cách mạng miền Nam” đã được hình thành và chín muồi dần trong tư duy đồng chí Lê Duẩn kể từ khi kẻ thù thẳng tay đàn áp khủng bố cán bộ, đồng bào ta và ra sức phá vỡ các cơ sở cách mạng tại khu vực các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Khi ở Quản Phú, phía Vàm Đình thuộc xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước (Cà Mau), đồng chí đã căn dặn tôi phải theo dõi sát sao các cuộc tàn sát đẫm máu của địch để kịp thời phát động sâu rộng lòng căm thù địch trong quần chúng, hướng tới việc sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng”, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết.

Bản đề cương lịch sử này hoàn thành xong vào mùa thu năm 1956 và đã gửi ra tới Thủ đô Hà Nội trong tháng 12 năm đó. Đề cương này đã được Đảng ta đánh giá là cơ sở của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 - hội nghị lịch sử do Hồ Chủ tịch chủ tọa họp tại Thủ đô Hà Nội vào 1/1959, xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam.

Thái Bình – Văn Vĩnh
.
.
.