Ngày Bắc, đêm Nam và bức thư của vị lãnh tụ (bài 3)
Lời hẹn 2 năm nhưng rốt cuộc thành 21 năm đằng đẵng chia ly, đợi chờ, nhớ mong,… Đó là quãng thời gian những người con miền Nam tập kết phải sống trong tâm trạng ngày Bắc, đêm Nam.
Điều đáng trân trọng đó là nhận thức được ý nghĩa to lớn của cuộc “ra đi để trở về”, tạo lực lượng để giải phóng miền Nam và xây dựng miền Nam sau ngày đất nước thống nhất, đúng theo chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ, hầu hết cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là số học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đều nỗ lực lao động, học tập…
Chuyện của những đứa con… “lưu lạc”
Ông Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Trưởng phòng Phổ thông, Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre cho biết, sau khi tập kết ra Bắc, ông và các bạn thuộc lứa thiếu niên được đưa về trường học sinh miền Nam số 3 tại Quảng Xương; một năm sau, được đưa ra Hưng Yên rồi xuống trường số 21 ở Hải Phòng. Xong chương trình lớp 4, trò Hưởng chuyển lên trường số 23 Chương Mỹ - Hà Đông rồi được cử đi học Trường bổ túc Công nông. Năm 1966, học xong Đại học sư phạm Hà Nội, ông là một trong 43 sinh viên ngành vật lý được tuyển chọn để đào tạo cán bộ cốt cán cho giáo dục miền Nam học hệ 4 năm đầu tiên của miền Bắc; sau tốt nghiệp, ông về dạy tại trường cấp 3 Tam Nông (Phú Thọ).
“Năm 1969, tôi có quyết định đi B (vào miền Nam) chiến đấu. Nghe được tin này, tôi rất vui, nghĩ đến ngày trở về được gặp lại người thân, bạn bè và bao người dân xứ Dừa vừa tay cày tay cuốc lại vừa tay súng anh dũng chiến đấu với kẻ thù. Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi lên Xuân Mai (Hòa Bình) học 6 tháng tiếng Pháp, học bắn súng, leo núi, mang vác, hành quân… Tuy nhiên, xong khóa học, tôi được phân công quay trở lại trường học số 2 ở Vĩnh Phúc vừa dạy chữ, vừa dạy làm người, cùng học sinh tăng gia sản xuất. Lớp của tôi chủ nhiệm đều là con em miền Nam. Các em nhớ ba mẹ, nhớ ngôi nhà của mình bao nhiêu thì tôi đều cảm nhận được, vì nỗi lòng con em miền Nam đều giống nhau”, ông Hưởng bộc bạch.
Nhớ lại thời gian miền Bắc bị Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại, thầy trò phải liên tục sơ tán, tránh bom đạn, khi thì về nông trường Thiện Hòa, lúc lại lên đỉnh núi Tam Đảo, ông kể: “Thầy trò tham gia cải tạo lại những nhà kho để làm lớp học, làm bếp nấu ăn; cùng nhau đi đào sắn, mót khoai, hái rau rừng, xúc cá suối để cải thiện bữa ăn; cùng nhân dân sửa lại nhà cửa, đường sá trong các làng xã bị bom Mỹ phá hoại”.
Tháng 8/1975, thầy giáo Hưởng được về lại miền Nam mang theo 1.100 học sinh của Trường 8 (Vĩnh Phúc), hầu hết chưa học xong cấp 3. “Chúng tôi đi bằng đường biển hết 3 ngày 3 đêm. Vừa là trưởng đoàn cũng kiêm luôn bảo mẫu của các em, trách nhiệm của tôi rất nặng nề”, giọng ông Hưởng nghẹn ngào khi nhớ về kỷ niệm này.
Những ngày tháng Tám lịch sử, tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh - nơi vừa diễn ra đợt trưng bày chuyên đề “Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 – 1975)”, PV Báo CAND gặp ông Huỳnh Minh Tuấn, con trai của KTS Huỳnh Tấn Phát. Theo dòng hồi ức, ông Tuấn kể, ông và anh trai cả cùng em gái lần lượt tập kết ra Bắc. Ngày rời miền Nam, mấy anh em chỉ nghe nội kể lại rằng ba mẹ mình là bộ đội, đang chiến đấu ở trong rừng. Vì thế, hình ảnh về ba mẹ mình rất mỏng manh trong tâm trí. “Không chỉ tôi mà tất cả học sinh miền Nam đang học trên mái trường Bình Xuyên – Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đều không nắm rõ được gốc gác, lai lịch của mình”, ông Tuấn nhớ lại.
Năm 1969, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, hình ảnh của Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát hiện trên các bản tin, lời giới thiệu từ sóng radio, đài phát thanh, truyền hình của Việt Nam và thế giới, ông Tuấn mới nhận ra đó là cha của mình. “Tôi rất vui sướng vì ba tôi còn khỏe mạnh, đang tận tâm tận lực chiến đấu giải phóng miền Nam, để mai kia chúng tôi quay trở về, gia đình được đoàn tụ”, ông Tuấn chia sẻ.
Khắc khoải ngày Bắc, đêm Nam
Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ, 83 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau) kể, cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, ngày đi, bà háo hức niềm vui nhưng sau đó, cháy lòng nỗi nhớ. “Lúc còn sống, ba tôi nói: Hai năm nhưng tính từ ngày ký Hiệp định Geneve thì chỉ còn 18 tháng, không phải là dài nếu nó không trở thành 21 năm. 21 năm cháy lòng đất nước bởi chiến tranh, cháy lòng con người bởi kẻ Nam người Bắc. Ai có trong tình cảnh này mới thấu hiểu tình quê hương, nỗi nhớ gia đình”, bà Thơ kể.
Tuy được sự đùm bọc, che chở của nhân dân miền Bắc, được dành cho những điều kiện tốt nhất, nhưng những đứa con xa gia đình như ông Hưởng, ông Tuấn, bà Thơ luôn khắc khoải khi nghe tin miền Nam đang chìm trong biển lửa, nhiều người phải chịu cảnh đàn áp dã man của kẻ thù. Bà Thơ kể, trong 21 năm đó, nhiều học sinh quê gốc Cà Mau đã gắn trên ngực áo mình miếng vải tang đen cho vụ thảm sát ở Phú Lợi, vụ B52 rải bom thảm sát đồng bào ở huyện Trần Văn Thời; và cứ liên tục khi cha bạn này, chú của bạn kia bị giặc xử tử…
Kể thêm về thời điểm nhiều học sinh miền Nam, trong đó có bản thân đã tình nguyện xếp bút nghiên quay trở về miền Nam chiến đấu, cảm xúc vỡ òa khi được gặp ba mẹ giữa chiến khu, ông Huỳnh Minh Tuấn bồi hồi khi nhắc đến người chị ruột của mình - Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Huỳnh Lan Khanh, cái tên được đặt cho một con đường ở thành phố mang tên Bác: “Năm 1965, khi đang học lớp đệ nhị của Trường nữ sinh Gia Long, Sài Gòn, chị tôi được chọn đưa ra miền Bắc. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị ấy đã nài nỉ xin cha mẹ cho mình được ở lại và chị đã chiến đấu kiên cường, rồi anh dũng hy sinh trong một lần công tác vào đầu năm 1968, khi vừa tròn 19 tuổi”.
Lần giở một số tư liệu lịch sử cùng với lời kể của nhiều chứng nhân, chúng tôi được biết trong khoảng thời gian 1954 - 1975, có hơn 32.000 học sinh miền Nam bằng nhiều con đường lần lượt ra vùng giải phóng. Những "hạt giống đỏ" năm xưa nằm trong diện tập kết bao gồm: con em cán bộ miền Nam theo cha mẹ tập kết, học sinh có thành tích cao, con liệt sĩ, học sinh vượt tuyến, học sinh Bình Trị Thiên, Liên khu V được ra Bắc học trong kháng chiến, nhưng không có cha mẹ ở miền Bắc và không liên lạc được với gia đình; một số cán bộ, bộ đội dưới 18 tuổi cũng được cho đi học văn hóa...
Do số lượng học sinh đông, Trung ương cho xây dựng các trường nội trú dành riêng cho học sinh miền Nam ăn học, lưu ý các tiêu chí "thuận tiện giao thông, gần Hà Nội, gần Hồ Chủ tịch, gần Chính phủ". 28 trường học sinh miền Nam (tên trường từ 1 đến 28) được thành lập ở các địa phương quanh Hà Nội, như: Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam… Nơi có nhiều trường nhất gồm Hà Đông (12 trường), Hải Phòng (10 trường). Ngoài ra, còn có các trại nhi đồng miền Nam và khu học sinh ở Quế Lâm, Nam Ninh (Trung Quốc); cùng hàng nghìn học sinh được gửi đi đào tạo ở Liên Xô, CHDC Đức...
Theo TS Nguyễn Trung Cang, nguyên Giám đốc Sở KH-CN&MT tỉnh Đồng Tháp, khi đến Thanh Hóa và tiếp sau đó được phân đi các nơi, học sinh miền Nam được kiểm tra sơ bộ trình độ văn hóa, căn cứ vào đó để phân về học trường, lớp thuộc hệ học sinh miền Nam. Quy trình đào tạo đối với cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam liền mạch các cấp, bậc học. Những trường hợp có năng lực được chọn đi học cao hơn với ngành nghề, phương pháp đào tạo đa dạng để về phục vụ đất nước.
Nhớ lần về Đồng Tháp cách nay gần chục năm, chúng tôi được Anh hùng LLVT, Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy (đã mất 9/2019) kể khi ra Bắc, ông được khám sức khỏe để tuyển phi công, sau đó được hướng dẫn học cấp tốc với… “7 ngày, 7 lớp” để kịp qua Liên Xô học lái máy bay quân sự. Trở về Việt Nam, lái Mig-17 tham gia chiến đấu trên bầu trời miền Bắc, với thành tích bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ, ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp “ách” (aces) - một danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai, dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.“Bác ơi, sao Bác lại không chờ được ngày thống nhất để con sẽ lái máy bay chở Bác vào thăm mộ đấng sinh thành,…”, ông Bảy kể khi ông hay tin Bác Hồ qua đời vào đầu tháng 9/1969.
70 năm trôi qua, những cán bộ, chiến sĩ, con em đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, học tập và làm theo lời Bác dạy. Trong số đó, đã có nhiều “hạt giống đỏ” ươm mầm cho phong trào cách mạng miền Nam, tiếp tục trở thành cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhiều đồng chí làm lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương; nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, diễn viên, sĩ quan cao cấp, anh hùng LLVTND, doanh nhân thành đạt...
Trung tá Võ Thành Nam (Chín Nam), 95 tuổi, nguyên Trưởng Công an huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) kể, trong 21 năm tập kết tại miền Bắc, ông được tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội; sau đó vinh dự có mặt trong đoàn quân chiến đấu bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh, tham gia vào giải phóng Huế, Đà Nẵng… Sau ngày đất nước thống nhất, về lại Đồng Tháp, ông được chuyển qua công tác trong ngành Công an cho đến khi về hưu. “Tôi tự hào mình luôn hoàn thành nhiệm vụ, góp công sức nhỏ cho đất nước trong nhiều giai đoạn cách mạng…”, ông Nam bộc bạch.
Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ (SN 1941, ngụ TP Cà Mau, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ) kể, Bác Hồ thường xuyên đến thăm, động viên; mang theo niềm vui tươi, ấm áp, tiếp thêm động lực cho học sinh miền Nam.
Vào ngày 21/9/1954, Bác đã viết bức thư có tựa đề “Thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc” đăng trên BáoNhân dânsố 229, từ 21 – 22/9/1954. Chưa đầy 200 chữ nhưng bức thư chứa đựng tình cảm sâu nặng và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với đồng bào miền Nam. Tuy “đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”. Lời động viên ấy của Bác đã kịp thời cổ vũ tinh thần đồng bào miền Nam và thổi bùng “ngọn lửa đoàn kết dân tộc”. Bác mong đồng bào được mạnh khỏe, “mỗi người sẽ tuỳ theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.