Lưu ý nguy cơ sử dụng nguồn nước phá hoại an ninh quốc gia

Thứ Năm, 16/09/2021, 17:04

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng đây là nguy cơ hiện hữu, do đó cần có giải pháp bảo vệ công trình đập, hồ chứa nước, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá hoại chất lượng nguồn nước...

Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045.

Huy động 610.000 tỷ thực hiện Đề án

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người nhưng đang suy thoái trầm trọng. Đến năm 2025, ước tính có 1,8 tỷ người sẽ sống ở các khu vực hoặc quốc gia khan hiếm nước, đến năm 2030 gần 50% dân số nằm trong vùng căng thẳng cao về nước.

Nguồn nước có nguy cơ trở thành vũ khí phá hoại an ninh quốc gia -0
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình bày tờ trình.

An ninh nguồn nước là loại hình an ninh phi truyền thống, liên quan đến các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội từ cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ, tác động đến ổn định, phát triển bền vững của quốc gia. "Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhằm đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài là hết sức cần thiết và cấp bách", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đề án cũng đưa ra tổng nhu cầu kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2030 dự kiến khoảng 610.000 tỷ đồng (chia hai giai đoạn: 2121-2025 và 2026-2030). Trong đó: Ngân sách Trung ương 200.000 tỷ đồng; Ngân sách địa phương và xã hội hóa 410.000 tỷ đồng.

Thẩm tra Đề án trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy thay mặt Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cấp bách xây dựng Đề án, bởi an ninh nước là vấn đề mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế hết sức quan tâm. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nước do yếu tố tự nhiên, trước áp lực gia tăng dân số, thách thức của quá trình đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu.

Nguồn nước có nguy cơ trở thành vũ khí phá hoại an ninh quốc gia -0
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra.

Để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ tổng hợp đầy đủ kinh phí đã phân bổ ở tất cả các ngành, lĩnh vực và đã được Quốc hội phê duyệt và đối chiếu với Nghị quyết số 23 của Quốc hội để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn đầu của Đề án; làm rõ cơ sở pháp lý xác định tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn trong toàn bộ giai đoạn triển khai Đề án và riêng giai đoạn 2021- 2025.

"Đề nghị Chính phủ cần làm rõ khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách bố trí cho Đề án trong giai đoạn 2021- 2025; nhất là nguồn vốn xã hội hóa; nguồn hợp tác công tư; bổ sung thêm nguồn vốn lồng ghép với các chương trình, dự án khác đang triển khai nhằm đảm bảo tính thống nhất, khả thi, đồng bộ; làm rõ căn cứ phân bổ nguồn vốn giai đoạn 2026-2030", Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT nêu.

Cần có giải pháp giải quyết xung đột nguồn nước xuyên biên giới

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho rằng, an ninh nước là một loại an ninh phi truyền thống, có mối quan hệ mật thiết với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

"Thực tế, trên thế giới đã xảy ra những cuộc xung đột liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn nước; đã xảy ra những cuộc tấn công vào các hệ thống quản lý, bảo vệ nước, các công trình tích lũy, sản xuất, cung cấp nước sạch. Việc lợi dụng nước công trình hồ, đập thủy lợi, công trình sản xuất nước như một mục tiêu tấn công nhằm phá hoại an ninh quốc gia là nguy cơ hiện hữu trong tình hình hiện nay. Vì vậy, đề án cần tiếp cận hướng mở rộng hơn các khía cạnh về an ninh nước, an toàn đập, hồ chứa nước", ông nhấn mạnh.

Nguồn nước có nguy cơ trở thành vũ khí phá hoại an ninh quốc gia -0
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới thảo luận tại phiên họp.

Chủ nhiệm UBQPAN đề nghị lưu ý, nguy cơ sử dụng nguồn nước phá hoại an ninh quốc gia hoặc dùng nguồn nước làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, an ninh trật tự, nguy cơ gây mất an ninh công trình nguồn nước, đập, hồ chứa nước, tấn công hệ thống quản lý, khai thác nguồn nước.

Từ những phân tích, Thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá toàn diện hơn về các vấn đề liên quan, bổ sung giải pháp ngoại giao, hợp tác quốc tế trong việc phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước và khi có tranh chấp, xung đột nguồn nước xuyên biên giới thì cần giải quyết, bảo vệ công trình đập, hồ chứa nước, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá hoại chất lượng nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.

Chủ nhiệm UBQPAN cũng đề ra giải pháp ứng khó, khắc phục hậu quả, điều tra, phát hiện xử lý vi phạm đối với những hành vi phá hoại nghiêm trọng an ninh về nước, an toàn đập, hồ chứa nước phù hợp với tình huống, quy mô, hậu quả xảy ra. Đồng thời trong Đề án cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Nhất là trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong công tác chỉ đạo, tổ chức các lực lượng nắm tình hình, đánh giá nguy cơ phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm và tổ chức, bố trí bảo vệ các công trình quan trọng về an ninh nguồn nước, hồ, đập chứa nước.

Đánh giá tiềm năng nguồn nước để đảm bảo sử dụng và xuất khẩu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn chứng, thực tế tại Isarel đã biến nước mặn thành nước ngọt để bán cho các quốc gia khác với giá cao, Singapore từ chỗ phải nhập nước từ Malaysia thì giờ đã tự chủ được việc này và còn bán ra nước ngoài. Do đó, Việt Nam có thể đánh giá tiềm năng để học hỏi, tận dụng lợi thế, sản xuất nguồn nước vừa sử dụng trong nước, vừa xuất khẩu.

"Tại sao hiện nay vào nhà hàng, khách sạn 5 sao tại Hà Nội đều thấy sử dụng nước uống của các nước tiên tiến trên thế giới? Cần có quy định khuyến khích xã hội hóa nguồn nước; quy định rõ vai trò cơ quan quản lý, khai thác nguồn nước, xây dựng quy hoạch tài nguyên nước", ông nêu quan điểm.

Nguồn nước có nguy cơ trở thành vũ khí phá hoại an ninh quốc gia -0
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đề án làm sao cân bằng rủi ro và kết quả đạt được để đảm bảo 3 yêu cầu: vấn đề xã hội, vấn đề kinh tế và vấn đề môi trường. Phải thể hiện việc quản lý tài nguồn nước hiệu quả, bền vững, giảm thiểu rủi ro liên quan đến tài nguyên nước. An ninh nước cho sinh hoạt hộ gia đình phải đảm bảo nhu cầu sử dụng về số lượng và chất lượng; đảm bảo an ninh nước cho phát triển kinh tế, các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển đô thị, đảm bảo nhu cầu cấp nước cho đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung...

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, nước ngầm ở Việt Nam có trữ lượng lớn nhưng ô nhiễm không kém nước mặt, tuy nhiên đề án ít đề cập và giải pháp còn mờ nhạt. Bà đề nghị cần có giải pháp để chủ động nguồn nước nội sinh, đó là thay đổi phong tục tập quán của người dân trong an táng (hỏa táng thay vì địa táng, quy hoạch nghĩa trang); trong chôn lấp rác thải (hiện nhiều địa phương chôn bừa bãi, tính quy hoạch không cao) và thay đổi công nghệ xử lý rác thải.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cả nước ngầm và nước mặt, trong đó nước ngầm chiếm hơn 30%. Ông cũng cho rằng, cần có giải pháp quy hoạch và xử lý nước thải để tái sử dụng, không chỉ phục vụ mục tiêu sử dụng nước mà còn gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường...

Do đây là một chủ trương lớn, liên quan đến nguồn lực đầu tư, kết lại nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban soạn thảo xin ý kiến Bộ Chính trị việc ban hành Nghị quyết về Đề án và một số nội dung quan trọng của Đề án trước khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định.

Quỳnh Vinh
.
.
.