Làm sáng tỏ hơn công trạng của chúa Nguyễn trong công cuộc mở cõi

Thứ Bảy, 03/06/2023, 15:40

Sáng 3/6, tại TP Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Việt Nam đồng chủ trì tổ chức hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn với đất phương Nam” với sự tham gia của nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ các vấn đề về vai trò của các chúa Nguyễn trong công cuộc mở cõi và xác lập chủ quyền ở vùng đất mới và biển đảo. Những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, đô thị và văn hóa Đàng Trong. Vai trò đất và người phương Nam trong việc định cõi, định đô và chuẩn bị cho công cuộc thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, dưới thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ và Gia Long.

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu trao đổi làm sáng rõ nhiều vấn đề quan trọng, nổi bật dưới thời các chúa Nguyễn như quá trình xác lập chủ quyền và khai thác kinh tế tại quẩn đảo Hoàng Sa – Trường Sa, các quần đảo Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Phú Quý, Côn Lôn, Phú Quốc… 

Ngoài ra, hội thảo còn nhận 29 tham luận với các chủ đề, quá trình mở đất, xây dựng chính quyền; quá trình xác lập chủ quyền, khai thác biển đảo; phát triển kinh tế, đô thị; đời sống văn hóa, đối ngoại; nhân vật lịch sử.

Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn với đất Phương Nam” -0
Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn với đất Phương Nam”.

PGS. TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam khẳng định, Đàng Trong - Đàng Ngoài ra đời trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627- 1672) và kết thúc vào năm sau khi Nguyễn Huệ chỉ huy quân đội Tây Sơn chiến thắng quân Xiêm - năm 1786, tái lập nền thống nhất đất nước. Đàng Trong trở thành vấn đề sử học được nhiều học giả trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và có những công bố quan trọng trong hơn nửa thế kỷ qua.

Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn với đất Phương Nam” -0
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo.

Sau khi mở đất Nam Trung Bộ, chúa Nguyễn Phúc Tần và Nguyễn Phúc Chu tiếp tục mở đất Đông Nam Bộ gắn liền với tên tuổi Nguyễn Hữu Cảnh, một  trong những anh hùng mở cõi đất phương Nam. PGS.TS Trần Nam Tiến cho hay, từ thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn xác lập chủ quyền đầy đủ ở khu vực Đông Nam Bộ ngày nay, bao gồm cả vùng đất trên bộ lẫn các vùng biển đảo, qua đó thúc đẩy quá trình sáp nhập và quản lý vùng đất Đông Nam Bộ vào lãnh thổ Đại Việt, góp phần quan trọng thống nhất toàn bộ chủ quyền của Việt Nam như ngày nay.

Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn với đất Phương Nam” -0
Các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử phát biểu tại hội thảo.

Mở cõi đi đôi với định cõi, định đô. Vào cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Ánh sau khi đã xác lập chủ quyền trên toàn cõi đất Nam Bộ, đã xây dựng thành Gia Định, như là một kinh đô của chúa Nguyễn ở đất phương Nam. Nghiên cứu về vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Mai nhận xét: “Trong hơn một thập kỷ cuối thế kỷ XVIII và một hai năm đầu thế kỷ XIX, Sài Gòn - Gia Định đã trải qua những biến đổi to lớn, trở thành trung tâm kinh tế, trung tâm xã hội và văn hóa lớn Đàng Trong. Gia Định kinh không chỉ là kinh đô của toàn miền Nam Bộ, mà còn là địa bàn chiến lược tạo thế, tạo lực để Nguyễn Ánh đánh bại các phe phái đối lập, tạo dựng vương triều, vươn ra cai quản toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của nước Việt Nam thống nhất và đặt nền móng vững chắc cho Sài Gòn - Gia Định nhanh chóng trở thành đại đô thị đầu tiên của Việt Nam mang tầm vóc quốc tế”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình kiến nghị các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan vùng đất Thừa Thiên-Huế và Phương Nam gắn với thời chúa Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn để làm sáng tỏ giá trị lịch sử, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy đặc trưng văn hóa, di sản của vùng đất Cố đô Huế.

Anh Khoa
.
.
.