Kiểm toán nhà nước chỉ rõ nhiều tỉnh có doanh nghiệp kê khai ưu đãi thuế không đúng

Thứ Tư, 24/05/2023, 05:44

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022. Theo đó, trong quá trình thu thuế tại nhiều đơn vị, đia phương đã bộc lộ những bất cập.

Miễn tiền thuê đất không đúng thời gian

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 nêu rõ, về công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, còn tình trạng kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định trong công tác quản lý thu thuế của tỉnh Nam Định, Bến Tre, Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Bình Dương, Ninh Bình (Cục Thuế), Gia Lai (Chi cục Thuế khu vực Ia Grai - Chư Păh, Chi cục Thuế huyện Chư Prông). Các tỉnh như Bến Tre, Thái Bình còn chậm lập biên bản kiểm tra, thanh tra hoặc lập chưa đúng mẫu (Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thái Bình, Tây Ninh, Nghệ An, Bắc Gian).

Kiểm toán nhà nước chỉ rõ nhiều tỉnh có doanh nghiệp kê khai ưu đãi thuế không đúng -0
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, tại Ninh Bình còn có tình trạng khai thác khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng thuê đất.

Đồng thời, tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra, thanh tra ngoài phạm vi quyết định; chưa thực hiện kiểm tra 100% hồ sơ kê khai theo quy định; cơ quan thuế chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nhu tỉnh Sóc Trăng.

Miễn tiền thuê đất không đúng thời gian được miễn; miễn tiền thuê đất cho cả thời gian chậm nộp hồ sơ xin miễn như ở Đồng Nai, Cà Mau, Điện Biên; miễn tiền sử dụng đất khi chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định; miễn tiền thuê đất cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính về chi đầu tư và chi thường xuyên.

Ngoài ra, nhiều trường hợp doanh nghiệp kê khai ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không đúng quy định như ở TP Hồ Chí Minh với 352 doanh nghiệp; Cần Thơ 226 doanh nghiệp; Đồng Nai là 45 doanh nghiệp, Cao Bằng 3 doanh nghiệp, Nam Định 55 doanh nghiệp, Tây Ninh 71 doanh nghiệp…

Ngoài tình trạng trên, KTNN còn phát hiện tại TP Hồ Chí Minh có tới 270 trường hợp sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuế đất, hợp đồng thuê đất. Tình trạng này cũng xảy ra ở Hà Nội với 115 trường hợp, Hải Phòng 323 trường hợp, Thanh Hoá, Quảng Ninh là 34 trường hợp, Sơn La 21 trường hợp, Bắc Giang 16 trường hợp…

Việc chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất khi hết thời gian ổn định đơn giá thuê còn xảy ra ở Hải Phòng, Đồng Nai, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đắk Nông, Bình Dương… Tại tỉnh Cần thơ, Bến Tre còn có tình trạng các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tính tiền thuê đất đối với diện tích sử dụng kinh doanh và cho thuê; tỉnh Điện Biên xác định tiền thuê đất chưa đúng quy định; tỉnh Trà Vinh có tình trạng chưa quản lý thu tiền thuê đất có mặt nước…

Thậm chí, tại Ninh Bình còn có tình trạng khai thác khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng thuê đất. Tỉnh Nghệ An có 45 tổ chức khai thác khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền; chưa gia hạn đối với giấy phép hết thời hạn khai thác, xác định tiền cấp quyền khai thác chưa đúng quy định xảy ra ở tỉnh Điện Biên.

Về vấn đề quản lý nợ thuế, KTNN cũng chỉ ra nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến 31/12/2021 là 116.961 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2020, trong đó nợ có khả năng thu tăng 36,7% (22.467 tỷ đồng); nợ khó thu giảm 16,3%; nợ đang xử lý giảm 01% (94,3 tỷ đồng).

Qua kiểm toán cho thấy, có 46/63 địa phương có mức dư nợ có khả năng thu năm 2021 tăng so với năm 2020, một số địa phương có mức tăng lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ tăng 63,3%; Bình Định tăng 73%. Bên cạnh đó cũng có 7/63 địa phương có mức dư nợ khó thu tăng so với năm 2020 gồm TP Hồ Chí Minh tăng 4%, Hà Tĩnh tăng 151%, Bình Định tăng 40%, Long An tăng 104%, Tây Ninh tăng 19,8%.

Cùng đó, một số cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời, 27 cơ quan thuế chưa tổng hợp đầy đủ nợ đọng thuế 1.593,167 tỷ đồng như thành phố Đà Nẵng 290,7 tỷ đồng; tỉnh Bình Định 164,7 tỷ đồng, Quảng Nam 125,8 tỷ đồng, Lạng Sơn 74,1 tỷ đồng, Cao Bằng 63,6 tỷ đồng, Quảng Bình 62,2 tỷ đồng, Tuyên Quang 49,9 tỷ đồng, Thanh Hóa 4,1 tỷ đồng, Cà Mau 4,8 tỷ đồng, Lâm Đồng 3,8 tỷ đồng, Khánh Hòa 3,6 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế 2 tỷ đồng, Hà Giang 2,6 tỷ đồng, Bạc Liêu 1,1 tỷ đồng…

Còn “mập mờ” trong việc khoanh nợ tiền thuế, xoá tiền phạt

KTNN cũng nêu rõ, tình hình khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp năm 2020 và 2021 theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan thuế và cơ quan hải quan tổng số khoanh nợ, xóa tiền phạt, tiền chậm nộp lũy kế đến 31/12/2021 gồm khoanh nợ 637.369 người nộp thuế (NNT) với số nợ 27.410,9 tỷ đồng, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 226.661 NNT với số tiền 5.292,2 tỷ đồng.

Song điều đáng chú ý trong việc nợ thuế, xoá thuế là KTNN đã chọn mẫu danh sách người nộp thuế được khoanh, xoá đến ngày 31/12/2021 của 7 cục thuế để đối chiếu thì thấy lộ nhiều bất cập.

Cụ thể, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có trường hợp các chi nhánh ở tình trạng “không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh” trong khi Công ty của các chi nhánh này thuộc tình trạng “đang hoạt động” hoặc “tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn” tại website tracuunnt.gdt.gov.vn nhưng được khoanh, xóa nợ tiền thuế là chưa phù hợp quy định tại khoản 5 Điều 67 Luật Quản lý thuế năm 2019 (hiệu lực 1/7/2020). Cùng đó, kết quả KTNN khẳng định có tình trạng NNT “ngừng hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” có ngày thay đổi thông tin trên website tracuunnt.gdt.gov.vn của Tổng cục Thuế phát sinh sau ngày các chi nhánh được khoanh nợ thuế, xóa nợ tiền chậm nộp.

Có tình trạng tại website tracuunnt.gdt.gov.vn của Tổng cục Thuế NNT thuộc diện “ngừng hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” nhưng tại web: https://dichvuthongtin.dkkd.gov.vn của Bộ KH&ĐT thì NNT đang có trạng thái “đang hoạt động”; nguyên nhân theo giải thích của Tổng cục Thuế là do cơ quan kế hoạch và đầu tư chưa cập nhật đúng trạng thái của NNT trên cơ sở hồ sơ cơ quan thuế gửi sang…

Đặng Nhật
.
.
.