Đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào cuộc sống

Thứ Năm, 26/10/2023, 15:44

Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 11/9/2018, tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Luật Cảnh sát biển được ban hành có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt trong thực thi pháp luật trên biển, thể hiện sự tập trung ý chí của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân, là tuyên bố mạnh mẽ và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

2.jpg -0
Cơ quan chức năng lấy mẫu dầu DO đi giám định (Ảnh: Đức Định).

Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước bằng pháp luật trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc và hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ an tinh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển của lực lượng chuyên trách. 

Từ khi Luật Cảnh sát biển có hiệu lực, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động để đưa Luật vào cuộc sống, với những nhiệm vụ trọng tâm, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho lực lượng Cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ.

Trong thời gian qua, để đưa Luật Cảnh sát biển đi vào cuộc sống, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Đã trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp bắt giữ, xử lý hàng trăm vụ vi phạm pháp luật trên biển. Đặc biệt, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, nhất là tình trạng mua bán xăng dầu trái phép trên biển đã được tăng cường kiểm tra, bắt giữ.

Điển hình, vào đêm 11/10, tại khu vực biển cách Tây Bắc đảo Thổ Chu, Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 20 hải lý, tổ công tác Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện tàu cá vỏ gỗ mang số hiệu KG - 90268-TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn, đã ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính.

1.jpg -0
Đưa tàu chở dầu vi phạm về cảng (Ảnh: Đức Định).

Theo Đại tá Lương Đình Hưng - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam, tổ công tác của đơn vị đã kiểm tra trên tàu vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO trái phép.

Tổ công tác đã tiếp cận, tiến hành kiểm tra phương tiện và thuyền viên. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu cá có 3 thuyền viên do ông Lương Văn Xuyên (SN 1986, trú tại Hưng Yên, An Biên, Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Theo lời khai của ông Xuyên, tàu KG - 90268-TS đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu D.O và toàn bộ số dầu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, thiết lập hồ sơ ban đầu, niêm phong hàng hóa vi phạm; dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 401 và bàn giao cho Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Cũng tại vùng biển phía Nam, ngày 24/10, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phát hiện tàu TG 90297 TS có dấu hiệu vi phạm nên đã ra tín hiệu dừng tàu để tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên. Thuyền trưởng là ông Nguyễn Văn Bường (SN 1972, quê ở xã Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho, Tiền Giang) khai đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO nhưng không xuất trình được chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Lực lượng Cảnh sát biển đã dẫn giải tàu chở dầu về đến cảng Hải đội 301, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (Bà Rịa -Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực thi Luật Cảnh sát biển, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm và thu được hiệu quả cao. Để đưa Luật vào cuộc sống và thực thi Luật Cảnh sát biển đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân thông qua các chương trình như: “Em yêu biển đảo quê hương”, “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”…đem lại hiệu quả cao.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lớn về định hướng chiến lược biển. Xác định mục tiêu, quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam là: Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên biển; giữ vững ổn định chính trị trong nước, giữ vững môi trường hòa bình ổn định lâu dài là lợi ích cao nhất để xây dựng và phát triển đất nước.

T.H
.
.
.