Diễn đàn quốc gia về “Tiếp biến văn hoá - Nền tảng phục hồi, phát triển bền vững kinh tế”

Thứ Hai, 06/12/2021, 06:49

Chiều 5/12, Diễn đàn quốc gia “Văn hoá với doanh nghiệp” năm 2021 với chủ đề “Tiếp biến văn hoá – Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế” đã diễn ra dưới hình thức kết hợp trực tiếp, trực tuyến và thực tế ảo.

Diễn đàn do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, có sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp.

vhoa.jpg -0
Toàn cảnh diễn đàn trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là hoạt động thiết thực và kịp thời triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11 về nội dung đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hoá mà trọng tâm là cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Văn hoá trong nền kinh tế và kinh tế trong văn hoá là một mối quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời. Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ xây dựng văn hoá trong kinh tế cần phải được quan tâm.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định lại quan điểm nêu trên và nhấn mạnh xây dựng văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh. Nhằm cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các quyết định và lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam.

Tại buổi lễ công bố Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam và phát động Cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Xây dựng văn hoá doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc văn hoá Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, đây là một nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đó phải là một phần không thể tách rời nhiệm vụ mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, đồng thời xây dựng và phát triển nền tảng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, coi phát triển văn hoá doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tư tưởng chỉ đạo đó đã cho thấy sự quan tâm rất sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề xây dựng văn hoá doanh nghiệp và văn hoá kinh doanh. Để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chúng ta cần phải có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, năng động, đoàn kết, hướng tới phát triển bền vững. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi các doanh nghiệp phát triển hài hoà, dựa trên các trụ cột kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường, trong đó văn hoá chính là yếu tố cốt lõi, là nền tảng để dẫn dắt các trụ cột khác.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các lãnh đạo doanh nghiệp đã có 2 phiên thảo luận về tiếp biến văn hóa và vai trò, ứng dụng của tiếp biến văn hóa với việc phục hồi và phát triển bền vững kinh tế.

Trong phiên thứ nhất, các đại biểu tập trung thảo luận về tiếp biến văn hoá và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hoá kinh doanh.

Phiên thứ 2 chủ đề “Vaccine văn hoá doanh nghiệp trước đại dịch COVID-19”, các đại biểu thảo luận về tính thời đại cấp thiết của vai trò văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, trước tác động của dịch bệnh. Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều vấn đề lý luận cơ bản về tiếp biến văn hóa trong phát triển kinh tế bền vững được các đại biểu tập trung làm rõ.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, câu chuyện, bài học từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, thảo luận sâu về cách thức tiếp biến văn hóa để tồn tại, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, triển khai phát triển bền vững. Nhiều kiến nghị hướng tới cơ chế chính sách minh bạch, nhất quán, ổn định, khả thi nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế cho đất nước cũng được đề xuất trong dịp này.

Phát biểu tổng kết diễn đàn, Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, ông Hồ Anh Tuấn khẳng định, từ kết quả thảo luận, diễn đàn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam trên cả nước, cho phép thiết lập Quỹ hỗ trợ phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và thực thi văn hoá công chức, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phụng sự đất nước là trên hết. Đối với các doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam, cần có chủ trương, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên…

N.Hoa
.
.
.