Đại thắng mùa Xuân 1975 là biểu tượng của sự phối hợp giữa CAND và QĐND

Thứ Sáu, 03/04/2015, 18:06
Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 3/4, tại TP HCM, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP HCM đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Nhà nước với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình”.

Dự hội thảo có nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN.

Tham dự còn có các đồng chí Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng… cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học và đại diện nhiều bộ, ban ngành, địa phương…

Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đồng chí lãnh đạo tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, với hơn 100 tham luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ những nội dung cơ bản về ý nghĩa to lớn của đại thắng mùa Xuân 1975 - sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của cả dân tộc như: Đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn thể dân tộc Việt Nam; sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm, sáng tạo của nhân dân và LLVT; vai trò của hậu phương lớn miền Bắc và sự ủng hộ của quốc tế dành cho Việt Nam; đánh giá tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Đồng chí Bộ trưởng phát biểu tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quan trọng và quyết định nhất là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đó còn là thắng lợi của sự đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa QĐND và CAND, đã trở thành truyền thống quý báu của lực lượng vũ trang cách mạng xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đồng chí Bộ trưởng cho biết, từ năm 1957, Mỹ - ngụy công khai phát động chiến tranh gián điệp biệt kích ra miền Bắc với mưu đồ phá hoại ngay từ hậu phương của ta, lực lượng Công an đã phối hợp với Quân đội hướng dẫn, tập dượt cho quần chúng các phương án phòng chống gián điệp, biệt kích trên từng địa bàn dân cư. Qua đó đã xây dựng được thế trận phòng ngừa, chủ động đánh địch,  đấu tranh có hiệu quả với các trung tâm gián điệp, biệt kích của Mỹ - ngụy, bắt hàng trăm toán gián điệp với gần 400 tên, thu hàng chục tấn vũ khí tối tân, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại.

Năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc và đẩy mạnh chiến tranh cục bộ ở miền Nam, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội, cấp ủy chính quyền các cấp, lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố làm tốt công tác bảo vệ ANTT; đấu tranh phòng chống gián điệp biệt kích, người nhái thuộc lực lượng biệt hải Mỹ - ngụy thâm nhập vùng Duyên hải để phá hoại cầu cống, cơ sở vật chất ở miền Bắc; bóc gỡ, xử lý toàn bộ số đối tượng gián điệp, hoạt động theo phương thức cài gián điệp trong tù binh.

Trong các trận máy bay địch đánh phá miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, lực lượng Công an đã phối hợp với Quân đội và dân quân, tự vệ tuần tra canh gác, bảo vệ trật tự trị an; vừa chiến đấu bắn máy bay Mỹ, vừa đảm bảo giao thông vận tải, tham gia cứu thương, chữa cháy.

Đáng chú ý đội phòng cháy chữa cháy Hoa Lư, thuộc Công an tỉnh Ninh Bình đã mưu trí, dũng cảm dập tắt đám cháy tên lửa, cứu được cả trận địa tên lửa và pháo phòng không. Kinh nghiệm này ngay sau đó đã được nhân rộng, giúp Công an các tỉnh Thanh Hóa, Nam Hà, Hà Bắc, Hải Phòng… chữa cháy tên lửa đạt kết quả tốt hơn.

Bộ trường Trần Đại Quang trao đổi với nguyên Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương.

Đồng chí Bộ trưởng khẳng định, với sự chi viện to lớn về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc, cùng với sự lớn mạnh nhanh chóng của Quân Giải phóng miền Nam, lực lượng An ninh miền Nam cũng đã phát triển thành hệ thống tổ chức từ TW Cục đến khu, tỉnh và các huyện xã. Lực lượng An ninh miền Nam và Quân Giải phóng miền Nam tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chiến đấu anh dũng, kiên cường, thông minh sáng tạo; phối hợp xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của Mỹ - ngụy, diệt ác, trừ gian, bảo vệ căn cứ cách mạng; làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, nội gián của địch, bảo vệ các cơ quan của Đảng, căn cứ cách mạng, bảo vệ lực lượng vũ trang, kho tàng vũ khí, đạn dược, các trận địa, mục tiêu…

Lực lượng An ninh đã tích cực, chủ động nắm chắc tình hình địch; bám sát cơ sở, vận động quần chúng, chống các hoạt động tình báo, gián điệp, phục vụ có hiệu quả các chiến dịch quân sự. Trên khắp các chiến trường miền Nam, lực lượng An ninh vũ trang, trinh sát vũ trang của An ninh miền Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Quân đội làm thất bại kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược, đẩy mạnh diệt ác phá kìm. Sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng trinh sát vũ trang, An ninh vũ trang và lực lượng Đặc công, Biệt động tấn công vào sào huyệt địch ở các thành phố, thị xã đã gây tiếng vang lớn, góp phần đánh thắng chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy.

Tại các vùng giải phóng, lực lượng An ninh và Quân đội đã phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia các phong trào cách mạng, phong trào phòng gian, bảo mật, đánh bại âm mưu và hoạt động do thám, gián điệp, nội gián, chiến tranh tâm lý, chiêu hàng của địch.

Lực lượng An ninh vũ trang đã phối hợp với các đơn vị Quân đội và du kích bám trụ chiến đấu, bảo vệ các căn cứ địa cách mạng, bảo vệ TW Cục, các Khu ủy, Tỉnh ủy; bẻ gãy các cuộc hành quân càn quét, diệt ác, trừ gian làm rối loạn hàng ngũ của địch. Đồng thời, với phương châm đánh sâu, đánh hiểm, đánh trúng đối tượng, các lực lượng phối hợp đã tiến công vào tận hang ổ của địch.

Ngày 30/3/1972, khi quân và dân ta mở cuộc tấn công chiến lược vào tuyến phòng thủ đường 9 - Quảng Trị, Kon Tum, Khu 5, miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi bộ đội chủ lực đánh vào các tỉnh lỵ và căn cứ của địch, thì lực lượng An ninh phối hợp với bộ đội địa phương tấn công các chi khu cảnh sát, dinh tỉnh trưởng, ty chiêu hồi, cơ quan tình báo, biệt kích của địch và hỗ trợ quần chúng phá ấp chiến lược.

Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây nguyên chính thức bắt đầu với trận mở màn đánh vào thị xã Buôn Mê Thuột. Để thực hiện chiến dịch quan trọng này, lực lượng An ninh và Quân đội đã tăng cường phối hợp xây dựng cơ sở, đẩy mạnh hoạt động nội tuyến để thu thập tình hình, hệ thống bố phòng cũng như mục tiêu trọng điểm của địch. Trong chiến dịch này, lực lượng An ninh đã phối hợp với Quân đội phát động quần chúng diệt ác phá kìm, đánh chiếm các mục tiêu được phân công như trụ sở làm việc của ngụy quyền, cảnh sát và tình báo trá hình, trụ sở các ty chiêu hồi, bình định nông thôn và các tổ chức, đáng phái phản động.

Tại các thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, lực lượng an ninh đã đưa cán bộ, trinh sát vào nội đô phát triển thêm cơ sở, nắm tình hình địch và phát động quần chúng chuẩn bị nổi dậy. Với khí thế cách mạng tiến công, lực lượng Quân đội, An ninh cùng các lực lượng khác đã giải phóng thành phố Huế ngày 26/3, Đà Nẵng ngày 29/3, Bình Định ngày 1/4, Khánh Hòa ngày 3/4/1975...

Thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các binh đoàn chủ lực đã phối hợp với lực lượng An ninh tổ chức những trận đánh lớn, ác liệt ở vòng ngoài như Phan Rang, Xuân Lộc… Ở nội đô, nhiệm vụ của lực lượng đặc công, biệt động, an ninh vũ trang, tự vệ là chủ động đánh chiếm và bảo vệ các cầu trọng yếu, không để địch phá hoại. Đồng thời hướng dẫn, chỉ đường cho các mũi đột kích của quân chủ lực, khống chế các lực lượng địch tại địa bàn và phát động quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của địch.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử diễn ra từ ngày 26 đến ngày 30/4/1975 không chỉ là sự hiệp đồng giữa các binh chủng trong quân đội mà còn là sự hiệp đồng giữa CAND và QĐND. Trong chiến dịch này, lực lượng Quân đội và An ninh miền Nam đều huy động tổng lực những đơn vị tinh nhuệ, chủ lực tham gia tấn công ở cả 5 hướng, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Trong giờ phút cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, cơ sở của lực lượng An ninh đã cùng các lực lượng khác phối hợp tiếp cận, tác động Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn minh ra lệnh ngừng bắn. Tổ chức ghi âm và phát thanh lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 9h30 phút sáng 30/4/1975.

“Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là biểu tượng sáng ngời tình đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, có hiệu quả giữa lực lượng CAND và lực lượng QĐND. Tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của hai lực lượng vũ trang nhân dân trong 30 năm chiến đấu kiên cường, bất khuất để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gửi thư hoan nghênh các cơ quan đã phối hợp tổ chức hội thảo

Trong thư gửi đến các đại biểu tham dự hội thảo, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hoan nghênh Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình” và nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến tham dự hội thảo tại thành phố mang tên Bác - nơi Chiến dịch Hồ chí Minh Lịch sử kết thúc toàn thắng.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Hội thảo khoa học này là dịp để chúng ta ôn lại trang sử hòa hùng, chiến thắng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. của toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta; là dịp ghi nhớ, khắc sâu công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam; tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sỹ; tôn vinh và tri ân các bậc lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, các gia đình và người có công đã không tiếc máu xương, đóng góp sức người, sức của và tuổi thanh xuân của mình vì khát vọng độc lập, tự do, vì khát vọng hòa bình và thống nhất Tổ quốc.

Trước những thời cơ và thách thức mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cũng tin tưởng rằng qua cuộc hội thảo này các đại biểu tham dự sẽ rút ra những bài học quý báu cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của tổ quốc và thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng đất nước.

PV       

Đức Thắng
.
.
.