Cơ sở hạ tầng là tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số
Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021) do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức đã khai mạc vào tối 12/10 bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện này, Hội nghị Bộ trưởng của ITU diễn ra trong 3 ngày từ ngày 12 đến 14/10 đã tập trung thảo luận các chủ đề chung “Cùng nhau xây dựng thế giới số” theo 3 trụ cột: Hạ tầng cần thiết để chuyển đổi số; đầu tư và tạo điều kiện chuyển đổi số thông qua chính sách; các tác nhân chính cho chuyển đổi số. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 158 quốc gia với 32 bộ trưởng, 81 thứ trưởng và hàng chục tập đoàn công nghệ toàn cầu.
Tại hội nghị, ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký ITU cho biết: Hiện còn khoảng 50% người dân trên thế giới vẫn chưa được kết nối với Internet. Để giải quyết thách thức này, một trong những giải pháp là cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) với những chính sách đúng đắn, phù hợp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa.
Các quốc gia cần phải có những chính sách khuyến khích các mạng viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ ICT đầu tư, cung cấp dịch vụ ở những nơi không phải lúc nào cũng có lãi. Tuy nhiên, thiếu cơ sở hạ tầng ICT không phải là trở ngại lớn nhất. Chi phí cao và các yếu tố khác như nội dung không thiết thực, hạn chế về kiến thức, kỹ năng số của người dân cũng là những yếu tố làm chậm lại tiến trình chuyển đổi số.
Điều này đòi hỏi ngành ICT cần phải được hỗ trợ về tài chính cũng như có cách tiếp cận sáng tạo từ phía Chính phủ nhằm khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy quan hệ đối tác trên toàn bộ hệ sinh thái số. Các Chính phủ cần ban hành những quy định, chính sách mới, linh hoạt thúc đẩy sự tham gia hợp tác từ nhiều bên, đặc biệt trong việc kết nối nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Lãnh đạo nhiều quốc gia đều cho rằng, cơ sở hạ tầng số là tiền đề, là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong đại dịch COVID - 19 vừa qua, nếu không có một cơ sở hạ tầng viễn thông, ICT hiện đại, chất lượng như hiện nay, các quốc gia sẽ không thể triển khai làm việc từ xa, học tập trực tuyến, y tế từ xa, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Ông Rashad Nabiyev, Bộ trưởng Giao thông, Truyền thông và Công nghệ cao Azerbaijan cho biết: 80% hộ gia đình thành thị của nước này đã kết nối Internet băng rộng, tuy nhiên 70% trong số này vẫn truy cập Internet bằng công nghệ lạc hậu. Giải quyết vấn đề này, năm 2021, Chính phủ Azerbaijan đã triển khai 10 dự án ở khu vực nông thôn, kết nối được 150 nghìn hộ gia đình nông thôn với Internet.
Chính phủ đã có các chính sách thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, khuyến khích các công ty tham gia đầu tư vào mạng lưới để kết nối các vùng sâu, vùng xa. Do đó, người dân tại đây được kết nối Internet với giá cả phải chăng.
Bà Paola Vega Castillo, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Viễn thông của Costa Rica cho hay: Costa Rica đang triển khai một kế hoạch quốc gia mới nhằm phát triển viễn thông trong 5 năm tới và trong quá trình này, các chính quyền địa phương được cung cấp ngân sách, tạo điều kiện mời gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư chuyển đổi số hóa và hưởng lợi theo mô hình hợp tác công - tư.
Bộ trưởng Boviengkham Vongdara, Bộ trưởng CNTT-TT Lào cũng thừa nhận, mặc dù giá cước cao là một trong những trở ngại ngăn cản người dân Lào được tiếp cận dịch vụ Internet. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất thực ra là thiếu những nội dung bản địa hấp dẫn, phù hợp, không tạo ra động lực để người dân truy cập Internet. Chủ tịch Liên minh Internet (World Wide Web Foundation) thì kêu gọi các Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ chính sách khuyến khích việc mở rộng mạng lưới băng rộng đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để những người dân nơi đây không bị bỏ lỡ chuyến tàu chuyển đổi số.
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng số hiện đại, đẩy nhanh phát triển kinh tế số. Việc cấp phép tần số và cung cấp dịch vụ sẽ được triển khai trong Quý 4 để đảm bảo phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc năm 2022. Từ năm 2023, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G, có nghĩa là 100% người dân sẽ dùng điện thoại thông minh.
Đây là những nền tảng quan trọng để thực hiện chuyển đổi số toàn diện, toàn dân, trên toàn quốc. Để thúc đẩy chuyển đổi số, các nhà mạng viễn thông Việt Nam đã thực hiện gói hỗ trợ cước viễn thông và internet lên tới 10.000 tỷ đồng (gần 500 triệu USD). Trong năm 2021, các nhà mạng sẽ giải quyết triệt để các điểm lõm sóng cuối cùng để toàn dân được phủ sóng viễn thông và internet.
“Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành ICT và công nghệ số, Việt Nam đang kiên cường vượt qua thách thức, dùng công nghệ số để chiến thắng dịch bệnh, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực trong hợp tác quốc tế, cùng ITU và các nước triển khai các sáng kiến toàn cầu, chung tay xây dựng thế giới số”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.