Chủ động nhiều giải pháp ứng phó với mưa, lũ và bão số 7
Trong ngày 8/10, tại TP Hội An (Quảng Nam) xảy ra mưa lớn, nước lũ lên nhanh tràn vào tuyến đường Bạch Đằng và gây ngập sâu, chia cắt nhiều nơi. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Thừa Thiên Huế đề nghị các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban 24/24h, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.
Tại Thừa Thiên Huế, chiều 8/10, Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh cho biết, do ảnh hưởng bão số 7 nên trong 24h qua, địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa từ ngày 7 đến 8/10 ở huyện A Lưới và Nam Đông phổ biến 100-250mm.
Để chủ động phòng chống mưa lớn gây ngập lụt cục bộ tại một số địa phương, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở GTVT đã triển khai phương án, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, nghiêm cấm phương tiện giao thông lưu thông tại các tuyến đường bị ngập lụt.
Căn cứ tình hình mực nước hồ Tả Trạch lúc 13h ngày 8/10 ở mức +29,34m; lưu lượng đến hồ 704m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 382m3/s, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tả Trạch vận hành điều tiết hồ Tả Trạch qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến đảm bảo khống chế lưu lượng điều tiết dưới 1.000m3/s để hạ dần mực nước hồ về mực nước đón lũ theo quy định. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng lúc 15h00 ngày 8/10.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Sở Y tế chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và sơ tán dân an toàn ứng phó mưa lũ; đặc biệt là các địa phương đang áp dụng giản cách, cách ly theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Sở Công thương có phương án dự trữ 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo và vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai.
Đến sáng 8/10, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh với 2.062 chiếc vào neo đậu an toàn. Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi gồm ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban 24/24h, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.
Do mưa lớn và triều cường nên tại bờ biển thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, TP Huế bị sạt lở chiều dài khoảng 250m, ăn sâu vào đất liền khoảng 5m.
Tại Quảng Nam, do mưa lớn liên tục nên nước sông Hoài (TP Hội An) dâng nhanh làm ngập tuyến đường Bạch Đằng. Theo người dân phố cổ Hội An cho hay, sáng sớm nay không hề có nước nhưng chỉ một tiếng đồng hồ sau nước sông dâng lên rất nhanh, có nhiều nơi nước ngập sâu hơn 0.5m.
Nước lũ tràn lên làm một số tuyến đường trong khu phố cổ Hội An như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ bị ngập. Đây là trận lũ đầu tiên trong năm nay gây ngập tại tuyến đường ven sông Hoài.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, ngày 5-8/10 địa phương có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến hơn 200 mm. Hiện nay mực nước sông Vu Gia đang lên nhanh. Mực nước lúc 1 giờ ngày 8/10/2021: tại Thành Mỹ là 18,35m dưới báo động II 0,65m, tại Hội Khách là 13,70m dưới báo động I 0,80m, tại Ái Nghĩa 6,63m trên báo động I 0,13m. Mực nước sông Vu Gia dâng nhanh khiến các vùng hạ lưu sông Thu Bồn trong đó có phố cổ Hội An ngập lụt.
Nguy cơ cao gây ra lũ quét ở các sông suối miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc. Nguy cơ sảy ra ngập úng cục bộ tại các đô thị và ngập lụt ở các vùng trũng thấp hạ lưu sông Thu Bồn như Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ.