Thời sự - Suy ngẫm

Chống dịch nhưng không lơ là chống tham nhũng

Thứ Sáu, 06/08/2021, 13:18

Những ngày đầu tháng 8/2021, dù cả nước đang tập trung phòng chống dịch, bảo đảm sản xuất, ổn định cuộc sống của Nhân dân, thì một nhiệm vụ cực kì quan trọng và cấp bách không kém là tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng vẫn được triển khai quyết liệt, hiệu quả…

 

Liên tiếp trong những ngày gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính  phủ, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có những kết luận, kiến nghị, quyết định quan trọng, được các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng tình. Đặc biệt, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (diễn ra ngày 5/8/2021): “Chống tham nhũng phải làm mạnh hơn và chỉ có tiến lên”, khiến cán bộ và Nhân dân thêm phấn chấn và nhiệt liệt hưởng ứng.

Chống dịch nhưng không lơ là chống tham nhũng -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Đậu Tiến Đạt - Thanh Niên) 

Tiếp theo đà thắng lợi của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, riêng 6 tháng đầu năm 2021, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập...

Với chức năng của mình, ngành Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện có sai phạm về kinh tế 54.474 tỷ đồng và 1.760 ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân...

Đó là những con số ấn tượng, song rất ý nghĩa nữa là số tiền lên đến hàng trăm triệu USD: Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác, trong giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có những vụ việc tày đình, tưởng như đã bị “hóa bùn” vì thời gian, thì nay vẫn bị “điểm mặt, chỉ tên” rõ tập thể, cá nhân phải chịu trách nhiệm.

Điển hình trong tuần qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra quyết định xử lý và kiến nghị xử lí kỷ luật một số tổ chức đảng và hàng loạt cán bộ cấp cao của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, một số trường hợp bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí khai trừ đảng hoặc phải xử lí hình sự. Sai phạm của những tổ chức và cá nhân này tập trung một số hành vi sau: quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, đấu thầu và thực hiện các gói thầu; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quản lý đất đai, tài sản, phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Một vụ việc nhức nhối từ nhiều năm trước cũng vừa được Thanh tra Chính phủ kết luận, đó là Dự án xe Buýt nhanh BRT tại Hà Nội. Theo đó, tổng số tiền sai phạm tại Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, được Thanh tra Chính phủ công bố, lên tới trên 43,5 tỷ đồng. Kết luận của Thanh tra Chính phủ về tính hiệu quả cũng là điều mà nhiều chuyên gia, thậm chí người dân đã nhận thấy ngay khi dự án này mới triển khai đầu tư: Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng phương tiện giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm. Dự án chưa đạt hiệu quả như mong đợi, không đạt mục tiêu đề ra nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và chưa nâng cao được chất lượng môi trường của TP Hà Nội.

Với kết luận nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị “giao UBND TP Hà Nội xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thống nhất với nhà tài trợ để thu hồi số tiền theo kết luận thanh tra”.

Vụ việc đình đám, nhức nhối hơn nữa trong dư luận, là “chiến dịch” chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh, cổ thụ cũng diễn ra tại địa bàn Hà Nội mấy năm trước, đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án trong tuần, đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hanh và các đối tượng liên quan.

Cơ quan điều tra xác định quá trình “thay cây”  trong các năm 2016-2017, các đối tượng đã nâng khống giá một số loại cây (chủ yếu là cây Chà là và cây Bàng lá nhỏ), gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng… Con số thiệt hại đã được Cơ quan điều tra nói rõ chỉ là “bước đầu”. Cùng với việc điều tra, mở rộng vụ án, chắc chắn sẽ còn nhiều khuất tất, hành vi vi phạm pháp luật trong “Chiến dịch chặt hạ - thay thế cây xanh” ở Hà Nội tiếp tục bị lật tẩy và lộ diện thêm những “con sâu”…

Là cơ quan thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã “quyết liệt, làm có bài bản, có kinh nghiệm hơn, gần như thành quy trình, khâu nào làm trước, làm sau, phối hợp rất nhuần nhuyễn” – như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bởi vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội XII và 6 tháng đầu năm 2021, đã có nhiều vụ đại án được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử một cách nghiêm minh, được Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, tin tưởng vào quyết tâm và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Qua đó, uy tín của Đảng, Nhà nước với Nhân dân, vị thế của đất nước với quốc tế tiếp tục được củng cố, nâng cao.

Dù cả nước đang phải chiến đấu với đại dịch COVID-19, song cán bộ và Nhân dân có niềm tin công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không bị lơ là, mà tiếp tục được đẩy mạnh, đạt hiệu quả cao hơn nữa. Bởi, đó là quyết tâm nhất quán đã được thực tế chứng minh. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: Thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên. Đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục. Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, khó khăn, không được chủ quan. Mong mỏi của Nhân dân vẫn là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không được dừng.

 Trần Duy Hiển
.
.
.