Chánh án TAND TP Hà Nội: Còn tư tưởng chọn án dễ làm trước
Theo Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, số lượng án nhiều, trình độ thẩm phán chưa đồng đều, một số thẩm phán vẫn còn tư tưởng chọn án dễ để làm trước là nguyên nhân dẫn đến một số vụ án phức tạp bị để lâu, kéo dài.
Xét xử nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp
Tại Kỳ họp thứ Ba HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Chánh án TAND TP Nguyễn Hữu Chính đã báo cáo kết quả công tác xét xử năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Theo báo cáo, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác triệu tập đương sự gặp nhiều khó khăn, nhiều đương sự xin hoãn phiên tòa, phiên làm việc với lý do ở vùng dịch hoặc thuộc diện bị cách ly. Nhiều thời điểm, TAND hai cấp TP Hà Nội phải tạm dừng việc triệu tập đương sự, việc tổ chức xét xử để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, ông Chính cho biết, kết thúc năm 2021, TAND hai cấp TP Hà Nội đã thụ lý 34.823 vụ việc các loại; giải quyết 27.513 vụ việc, đạt tỷ lệ 79,01%. So với cùng kỳ năm 2020, số thụ lý giảm 3.194 vụ việc, số giải quyết giảm 6.644 vụ việc; còn tồn 7.310 vụ.
Trong số các vụ án được giải quyết, có nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Cụ thể, vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ; vụ án Vũ Huy Hoàng và đồng phạm xảy ra tại Bộ Công thương và Công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ án Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Duy Linh bị truy tố về tội "Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ"…
Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, các vụ án hình sự xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Bản án của Tòa án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Bản án thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo sự công bằng của pháp luật, có tác dụng cải tạo, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Đặc biệt, qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, một số bị cáo lúc đầu không nhận tội nhưng sau đó đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, vận động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt, điển hình như vụ án Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Duy Linh. Qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Duy Linh đã thay đổi thái độ từ chối tội sang thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, bị cáo Nguyễn Duy Linh đã vận động gia đình bị cáo khắc phục toàn bộ số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt là 5 tỷ đồng.
Đối với các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, các đơn vị thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội đã triển khai thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại (có hiệu lực từ 1/1/2021).
Công tác kiểm tra được tăng cường; thông qua việc thành lập Đoàn kiểm tra của TAND thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra toàn bộ án quá hạn, án tạm đình chỉ, việc giải quyết đơn khởi kiện của 30 TAND cấp huyện và các Tòa chuyên trách TAND TP Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án phức tạp, đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm chung đối với TAND hai cấp TP Hà Nội…
Tập trung các vụ án trọng điểm, án kinh tế, tham nhũng
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết, trong năm 2021, TAND hai cấp TP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng án giải quyết thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ giải quyết án trong năm mới chỉ đạt 79%; vẫn còn một số vụ án quá hạn, án tạm đình chỉ kéo dài.
Về nguyên nhân khách quan, theo ông Chính, điều này một phần như do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội khiến việc tiến hành tố tụng, xét xử bị ngừng gần như hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xét xử nhiều vụ án; một số quy định pháp luật còn bất cập.
"Về nguyên nhân chủ quan do biên chế ít, số lượng án nhiều, trình độ thẩm phán còn chưa đồng đều, một số thẩm phán vẫn còn tư tưởng chọn án dễ để làm trước. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo đơn vị vẫn còn chưa sát sao trong công tác quản lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến một số vụ án phức tạp bị để lâu, kéo dài", ông Chính thông tin.
Trong năm 2022, ông Chính khẳng định, ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương; các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố liên quan đến công tác của ngành cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, cơ quan này sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử các vụ án; khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện, án quá hạn, án tạm đình chỉ không đúng căn cứ pháp luật; tập trung giải quyết tốt các vụ án, đặc biệt là các vụ án trọng điểm, án kinh tế, tham nhũng, án về an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thủ đô.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động của Tòa án. Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính tư pháp đảm bảo công khai, minh bạch, đặc biệt, công khai các bản án, quyết định của Tòa án và lịch phiên tòa các đơn vị trên Cổng thông tin điện tử TAND thành phố. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc…