Bài 2: Kinh nghiệm từ việc vận hành “siêu” huyện, “siêu” xã
Khi nhiều phường xã, quận huyện trên cả nước còn chưa đủ tiêu chí về dân số hoặc dân số mới chỉ dừng lại ở mức một vài chục nghìn người, thì thực tế từ lâu đã có những đô thị cấp huyện vận hành bộ máy hành chính để phục vụ cả triệu người dân, cũng có những đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên 100.000 dân.
Song bộ máy hành chính của các “siêu” phường xã này vẫn vận hành một cách khá hiệu quả trong quản lý trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trong thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân…
“Siêu” phường cần cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đến nay quy mô dân số của TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ở mức 1,3 triệu người. Đây cũng là thành phố giữ kỷ lục là đô thị trực thuộc tỉnh đông dân nhất nước, vượt qua cả quy mô dân số của TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) sau khi được sáp nhập 3 quận. Ngoài ra, TP Biên Hòa cũng là đô thị trực thuộc tỉnh giữ kỷ lục của cả nước khi có đến 2 phường có hơn 130.000 dân và có quy mô phát triển kinh tế “không thể xem thường” so với một ĐVHC cấp huyện.
Những năm qua, bộ máy hành chính của 2 địa phương được xem là “siêu” phường của TP Biên Hòa hoạt động hiệu quả nhờ công tác lựa chọn, sắp sếp và bố trí cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phường Trảng Dài với diện tích lên đến 1.459ha (14,59km2) được thành lập từ việc tách một phần của phường Tân Phong và tiếp nhận một phần diện tích của phường Tân Tiến. Để vận hành bộ máy hành chính của “siêu” phường này, đến nay phường cũng chỉ có 78 nhân sự, gồm 11 cán bộ chuyên trách, 12 công chức, 45 cán bộ hoạt động không chuyên trách cùng 10 lao động hợp đồng và 31 cán bộ khu phố. Sau 30 năm phát triển, phường Trảng Dài hiện đã trở thành một “siêu” phường của cả nước với một diện mạo mới với dân số lên đến 130.000 người. Dân cư đông đúc đã kéo theo nhiều loại hình dịch vụ, kinh doanh tại chỗ, từ đó đã thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Hiện trên địa bàn phường có gần 600 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, 3.700 hộ kinh doanh cá thể, thu ngân sách hàng năm đạt trên 20 tỷ đồng, tình hình ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo.
Ông Mạch Văn Xuân, một người dân có hàng chục năm sinh sống tại phường Trảng Dài bày tỏ, càng ngày đội ngũ cán bộ phường càng được trẻ hóa với những tư duy mới, tư duy mở nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành khá linh hoạt. Nhiều quyết định táo bạo được đưa ra thực hiện để tạo ra những bước đột phá trong phát triển của địa phương.
Ông Nguyễn Thành Dân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài cho hay, để bộ máy chính quyền địa phương hoạt động có hiệu quả thì công tác lựa chọn bố trí cán bộ là khâu then chốt. Ngoài việc phải lựa chọn những cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ thì phẩm chất đạo đức của cán bộ được Ban Thường vụ Đảng ủy phường cân nhắc mỗi khi lựa chọn bố trí cán bộ đảm nhiệm bất cứ vị trí công tác nào. Bởi, nếu cán bộ không đạt về chuyên môn sẽ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là với địa phương có dân cư đông, khối lượng công việc lớn. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của phường có những ngày phải giải quyết lên tới hơn 500 trường hợp đến làm các thủ tục hành chính. Điều này đòi hỏi cán bộ phải có chuyên môn nghiệp vụ “cứng” và phải nỗ lực lớn mới giải quyết hết các yêu cầu của người dân. Nhưng phẩm chất, đạo đức cán bộ cũng quyết định sự hiệu quả và trong sạch của bộ máy vì nếu cán bộ có năng lực chuyên môn nhưng lại có thái độ “phiền nhiễu” nhân dân cũng làm cho bộ máy không thể vận hành tốt được.
Với phường Long Bình, địa bàn có đến 4 khu công nghiệp và dân số cũng ít có phường nào trên cả nước so sánh được khi đạt tới con số 130.000 người. Những năm qua, kinh tế của địa phương luôn duy trì tăng trưởng ổn định, các nguồn lực được phát huy, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 15 - 17%, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Diện mạo đô thị của phường đã có sự thay đổi nhanh chóng, hệ thống đường giao thông nội bộ trên địa bàn được bê tông hoá, nhựa hóa 100% bằng nguồn lực do nhân dân đóng góp xây dựng. Theo một cán bộ phường Long Bình, có những thời điểm Chủ tịch UBND phường ký các thủ tục hành chính và các văn bản liên quan trong một ngày hết luôn mực của một cây bút là chuyện có thật. Điều đó cho thấy lượng công việc mà cán bộ ở phường đông dân như Long Bình phải giải quyết là rất lớn. Áp lực công việc là vậy, nhưng cán bộ phường đã nỗ lực đem lại sự hài lòng cho người dân. Năm 2023, phường Long Bình là một trong những đơn vị được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Đồng Nai trong phong trào Thi đua yêu nước.
Là khu vực ngoại thành, nhưng huyện Bình Chánh của TP Hồ Chí Minh cũng là một địa phương giữ kỷ lục nhiều năm qua khi có đến 3 xã vượt qua mức 100.000 dân là xã Vĩnh Lộc A, xã Vĩnh Lộc B và xã Bình Hưng. Trong đó ngay từ năm 2021, dân số xã Vĩnh Lộc A đã vượt qua con số 165.000 người và xã Vĩnh Lộc B là trên 140.000 người. Do đặc thù của TP Hồ Chí Minh, các xã này đều được bố trí lực lượng Công an chính quy từ hàng chục năm trước để tăng cường đảm bảo ANTT. Dân số đông, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng những năm qua, nhưng trật tự xã hội ở các “siêu” xã này luôn được đảm bảo, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Cực tăng trưởng mới từ việc sáp nhập
Tháng 12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho phép TP Hồ Chí Minh thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 49,79km2 diện tích tự nhiên, dân số 171.000 người của quận 2; toàn bộ 113,97km2 diện tích tự nhiên, 310.000 người của quận 9 và 47,8km2 diện tích tự nhiên, dân số 532.000 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có diện tích lên đến 211,56km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người. Đây là mô hình “thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương” đầu tiên trên cả nước.
Là người đặt nhiều tâm huyết vào việc sáp nhập và kỳ vọng TP Thủ Đức sẽ trở thành khu vực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh từng nhìn nhận: Quận 2 có thế mạnh là Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng lại quản lý theo kiểu quận 2, chứ không phải để phục vụ Khu công nghệ cao ở quận 9. Quận Thủ Đức - nơi có Đại học Quốc Gia với với nhiều trường đại học thành viên cùng Đại học Sư phạm Kỹ Thuật, Đại học Nông Lâm, với con số 100.000 sinh viên, hơn 2.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ… nhưng quận Thủ Đức cũng chỉ tập trung lo phát triển hạ tầng và đảm bảo trật tự an toàn cho các trường đại học hoạt động. Nhận thấy 3 quận này có những lợi thế mà nếu tích hợp lại sẽ tạo sự tương tác cao và trở thành vùng động lực phát triển mới, TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, xúc tiến và đề xuất việc lập TP Thủ Đức. Trở thành cực tăng trưởng mới của TP Hồ Chí Minh, GRDP của Thủ Đức được kỳ vọng sẽ chiếm 1/3 của TP Hồ Chí Minh, tương ứng với mức đóng góp khoảng 7% của cả nước.
Để đưa TP Thủ Đức trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế của TP Hồ Chí Minh cũng như cả vùng trong các hoạt động kinh tế tri thức là đào tạo, nghiên cứu và sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút 50.000 cư dân đến sinh sống, trong đó có 20.000 kỹ sư, chuyên gia vào năm 2025. Đến năm 2035 sẽ thu hút 100.000 người dân đến sinh sống với 80.000 chuyên gia, kỹ sư. Trong đó Khu công nghệ cao sau gần 20 năm thành lập đã thu hút 8 tỷ USD đầu tư nước ngoài, số vốn đã thực hiện là 7,6 tỷ USD với hơn 42.000 lao động, sản phẩm xuất khẩu đã đạt hàng chục tỷ USD. GS Nguyễn Thiện Nhân nhận định, TP Thủ Đức cũng đã có hệ thống giao thông đường bộ gắn với cao tốc hoàn chỉnh, kết nối thuận tiện với sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành, tuyến Metro số 1, cảng container lớn nhất nước là Cát Lái. Đồng thời Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và hạ tầng nhà ở hiện đại tại các khu đô thị sẽ thu hút lao động trình độ cao trong và ngoài nước đến sinh sống và làm việc. Do đó, trong tương lai không xa, TP Thủ Đức sẽ đóng góp ngân sách vượt quy mô của một tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.
Theo GS Nguyễn Thiện Nhân, là đô thị có quy mô sản xuất công nghệ cao lớn nhất cả nước, có mật độ đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc nhóm top đầu, nên “siêu” đô thị gồm 3 quận đã được sáp nhập này sẽ là một trung tâm cung cấp các giải pháp 4.0 cho phát triển của TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, hướng mạnh tới xuất khẩu các giải pháp và sản phẩm 4.0. Đồng thời TP Thủ Đức với vị trí giao thông đặc biệt thuận lợi sẽ giúp TP Hồ Chí Minh kết nối, tương tác mạnh mẽ với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để hình thành vùng kinh tế 4.0 ở khu vực phía Nam. Những mục tiêu trên nếu không sáp nhập 3 quận, sẽ không đạt được.
Thực tế sinh động trên đã thể hiện rằng, việc vận hành một “siêu” phường, “siêu” đô thị hay một xã đông dân không phải là điều bất khả thi và lợi ích kinh tế - xã hội từ các ĐVHC được hợp nhất mang lại là hết sức to lớn. Kết quả thực tiễn này là điển hình dành cho các địa phương khác nhìn vào, nhất là với những địa phương mà việc sắp xếp lại ĐVHC hiện vẫn còn ngổn ngang.
Bà Vũ Thị Thúy Hà, Bí thư Đảng ủy “siêu” phường Long Bình:
Để phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành thì công tác quản lý, điều hành ở địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài việc tập trung khối đại đoàn kết toàn dân thì đoàn kết trong Đảng, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành đến hành động của từng cán bộ, Đảng viên có ý nghĩa lớn trong hiệu quả công tác. Do đó bộ máy vận hành hiệu quả hay không là do công tác bố trí sắp xếp cán bộ.