Tập kết – đoạn đầu của chặng đường thống nhất non sông

Bài 2: Ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc

Thứ Hai, 02/09/2024, 09:03

Cùng với Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ xây dựng các lán trại, bệnh viện, nhà điều dưỡng,… để đón đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Với tình cảm ruột thịt “Bắc - Nam một nhà”, cuộc đón tiếp lịch sử này chính thức bắt đầu từ chuyến tàu đầu tiên cập bến ngày 25/9/1954 cho đến hết năm 1955; địa điểm tập kết là khu vực cảng Lạch Hới, nay thuộc phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. Trong 7 đợt, với 45 chuyến tàu, đã có hàng chục nghìn người là thương, bệnh binh, cán bộ, bộ đội, học sinh, gia đình cán bộ miền Nam tập kết đến Sầm Sơn được đón tiếp, chăm sóc tận tình…

Như đón người thân trở về        

Cái thuở ấy mẹ cha đi đánh giặc

Gửi con ra miền Bắc xa xôi

Nhà chúng ta mỗi người mỗi ngả

Xa nhau rồi ngơ ngác nhớ nhau…

Nghe đọc lại những câu thơ của thầy Trần Văn Bực, cố Hiệu trưởng trường Học sinh miền Nam số 2 Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) – nơi mà 70 năm trước, thầy giáo Nguyễn Văn Hưởng (85 tuổi), nguyên Trưởng phòng Phổ thông - Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre còn là một học trò, đã không cầm được nước mắt.

Bài 2:  Ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc -0
Học sinh miền Nam trong những ngày học tập tại miền Bắc. (Ảnh tư liệu)

Ông Hưởng kể, năm 1954, ông là học sinh trường tiểu học ở huyện Châu Thành, Bến Tre. Khi đang nghỉ hè ở nhà ông bà nội thì ông được ba má gọi về rồi chỉ 3 ngày sau đó, cậu học trò Hưởng cùng với hai người bạn, là con của liệt sĩ Công an, được đưa xuống một con tàu nhỏ để về Cà Mau trong hành trình rất vất vả và suýt thiệt mạng vì tàu bị cháy ở sông Ngã Bảy.

Sau 3 tháng được học chính trị, tìm hiểu phong tục tập quán ở miền Bắc, cuối tháng 10/1954, Hưởng có mặt trên tàu Stavropol số 19 của Liên Xô cùng hàng trăm người con miền Nam tập kết ra Bắc. “Lúc mới xuất bến thì trời yên biển lặng nhưng khi tới vùng biển Thanh Hóa thì bão về, tàu phải vật lộn với sóng to, gió lớn rồi được lệnh trú tại đảo Hòn Mê cách đất liền khoảng 6 hải lý. Suốt một tuần đó, bà con Thanh Hóa dùng ghe chở lương thực, thực phẩm ra tiếp tế. Mỗi khi con tàu chao đảo, những người phụ nữ dìu nhau, vực dậy trước cơn say sóng. Ngày đó tôi chỉ mới 15 tuổi nhưng vốn là dân sông nước nên chế ngự được cơn say, thi thoảng choáng váng một chút. Thương nhất mấy chú bộ đội là thương binh nặng, sức khỏe yếu nên bị say sóng dữ dội”, ông Hưởng nhớ lại.

Khi bão tan, bầu trời chỉ còn vần vũ những cơn mưa, đoàn người được lên bờ, bố trí ở tạm nhà dân nhưng được chăm sóc chu đáo. Tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” với những bài hát truyền thống khích lệ như “kết đoàn, chúng ta là sức mạnh” vang lên trong màn đêm của biển trời Sầm Sơn, sống mãi trong ông cho đến bây giờ….

Bài 2:  Ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc -0
TS Nguyễn Trung Cang, nguyên Giám đốc Sở KH-CN&MT tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Quốc hội khóa VII và IX.

Cũng bồi hồi về những kỷ niệm ngót 70 năm trước, TS Nguyễn Trung Cang, nguyên Giám đốc Sở KH-CN&MT tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Quốc hội khóa VII và IX chia sẻ, tất cả cán bộ, bộ đội, học sinh khi rời tàu lên bờ được bà con địa phương tiếp đón rất niềm nở như người thân đi xa trở về. “Chúng tôi được bố trí ở trong nhà dân, sống như người trong nhà với nhau”, ông Cang nhớ lại.

Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau) cho biết, năm đó, 13 tuổi, có tên trong danh sách lên tàu tập kết tại điểm Sông Đốc, bà mơ ước sẽ được gặp Bác Hồ. “Gặp bão nên phải 9 ngày đêm tàu mới cập bến Sầm Sơn. Giai đoạn đó còn rất khó khăn nhưng bà con Thanh Hóa thể hiện rõ tinh thần thà chịu đói, chịu rét chứ không để đồng bào miền Nam không đủ áo ấm, không đủ cơm ăn. Với học sinh như chúng tôi, bà con dành tình cảm yêu thương rất đặc biệt. Những ngày Tết, nhà trường tổ chức gói bánh tét kiểu Nam bộ, tạo không khí vô cùng ấm cúng”, bà Thơ kể thêm.

Cũng trên con tàu Kilinski (của Ba Lan) rời bến Năm Căn (Cà Mau) vào một ngày cuối tháng 10/1954, có một thành viên nhí, được cha mẹ ẵm xuống tàu tập kết. Thành viên đặc biệt đó sau này chính là Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Còn ba mẹ của ông là vợ chồng BS Nguyễn Thiện Thành, khi đó là Trưởng phòng Quân y Phân liên khu miền Tây Nam Bộ, sau này là Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành Y tế của đất nước…

Bài 2:  Ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc -0
Cụ Trần Văn Ấm (93 tuổi, quê gốc Quảng Nam) vẫn nhớ những ngày sống trong sự thương yêu của người dân Thanh Hóa.

Được nghe ba kể lại, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau 3 ngày lênh đênh và phải vật lộn với sóng to gió lớn, tàu Kilinski cập cảng Sầm Sơn vào chiều 1/11/1954. Lúc chưa bước xuống tàu, mọi người đã nhìn thấy rất đông bà con tay cầm cờ đỏ sao vàng đứng hai bên đường vẫy chào. Thời gian chờ chuyển quân, đoàn tập kết được đối đãi chân thành, nồng ấm. Bà con nhường những chỗ rộng rãi thoáng đãng cho khách, còn gia đình họ ăn ở trong phần rất chật chội, có khi cả nhà rút vào trong gian bếp…

Hôm về vùng quê Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, PV Báo CAND đã gặp cụ Phan Lão (92 tuổi, nguyên quán ở Hoài Nhơn, Bình Định), từng là bộ đội Tiểu đoàn 71, Liên khu V. Theo lời cụ Lão, năm đó, vì sóng to, gió lớn, tàu không vào được mà phải chạy tiếp ra Quảng Ninh nhưng khi đến Hạ Long, tàu cũng không vào cảng được nên lại quay về Sầm Sơn. “Con tàu chở hàng trăm người rong ruổi trên biển gần cả tháng trời khiến nhiều người say sóng, mệt mỏi. Trong một số chuyến tàu khác, cũng do thời tiết xấu, tàu phải cập cảng Hải Phòng, sau đó đồng bào, chiến sĩ, học sinh tập kết di chuyển đường bộ ngược về Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau đó, sự đón tiếp chu đáo, tận tình, tình cảm đằm thắm của bà con địa phương đã làm ấm lòng những người con miền Nam”, cụ Phan Lão bộc bạch.

Ân tình mãi không phai

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, 70 năm trước, tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng với tình cảm ruột thịt Bắc - Nam, đặc biệt là niềm vui miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa hăng hái, tin tưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với việc thành lập Ban đón tiếp của tỉnh và bộ máy điều hành với hàng trăm cán bộ giúp việc, tỉnh nhanh chóng triển khai hàng loạt nhiệm vụ đón tiếp trên tinh thần an toàn, chu đáo nhất.

Để đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra tập kết ngay từ những ngày đầu, một bệnh viện tranh tre nứa lá quy mô 800 giường bệnh (do Bộ Y tế quản lý, có sự hỗ trợ kỹ thuật của Bệnh viện tỉnh) được xây dựng. Ty Y tế Thanh Hóa đã lập một trạm cấp cứu ở Sầm Sơn, 2 trạm khám sức khỏe ở huyện Hoằng Hóa; bệnh xá ở huyện Thiệu Hóa… để phục vụ khám chữa bệnh cho đồng chí, đồng bào miền Nam ra tập kết.

Bài 2:  Ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc -0
Vì lý do sức khoẻ nên ông Phan Lão (quê Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) không thể cùng đồng đội trở vào miền Nam đánh Mỹ.

Ngày 25/9/1954, tại bến Sầm Sơn, nay là cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn, rực rỡ cờ hoa chào đón chiếc tàu đầu tiên rẽ sóng tiến vào giữa tiếng hoan hô vang dậy của đồng bào địa phương đón những người con miền Nam ruột thịt. Trong 8 tháng (từ 9/1954 đến 5/1955), toàn tỉnh đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ. Sau khi đồng bào lên bờ được đón tiếp đưa vào các lán trại được chuẩn bị sẵn. Có lúc lán trại không đủ, người dân Quảng Tiến đưa đồng bào về gia đình mình để chăm sóc. Người dân địa phương khi đó mỗi người một việc, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều được giao nhiệm vụ cụ thể. Ngay cả thanh, thiếu nhi cũng được giao tham gia nấu cơm, phục vụ hậu cần,...

Nhân dân các huyện miền xuôi hăng hái ủng hộ lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn. Bà con ở các huyện Nông Cống, Đông Sơn ủng hộ 600 con bò, 700 con lợn, 15.000 con gà, vịt và 12 vạn quả trứng; Nga Sơn, Quảng Xương cung cấp 8.384 đôi chiếu; Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định may 2.800 màn cá nhân, 1.000 màn đôi, 4.100 mền chăn và 1.450 cốt áo bông; Đông Sơn, Quảng Xương và thị xã Thanh Hóa cung cấp, hỗ trợ 49.000 bộ quần áo bà ba, 6.161 đôi dép cao su. Đồng bào các huyện trung du Thanh Hóa ủng hộ 20 vạn bao thuốc lá, trên 1 vạn kg cà chua, 3 tấn cá và 415kg mộc nhĩ.

Bài 2:  Ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc -0
Thầy giáo Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Trưởng phòng, Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre trò chuyện với người bạn cựu học sinh miền Nam tháng 7/2024.

Cũng từ năm 1954, không ít cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ở Thanh Hóa đã tham gia gây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể ở Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Xuân,… góp phần xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho mục tiêu CNXH tại miền Bắc.

PV Báo CAND đã tìm gặp ông Trần Chí Trác, 87 tuổi, cựu Bí thư Đảng uỷ phường Quang Tiến, TP Sầm Sơn. 70 năm trước, ông là cán bộ được giao nhiệm vụ vận động đoàn viên, thanh niên ra đón tiếp đồng bào miền Nam, những trường hợp  bị mệt, say sóng thì kịp thời dìu dắt, cõng lên lán trại nghỉ ngơi. “Để đón tiếp đồng bào miền Nam, hàng ngàn người dân ở Sầm Sơn, huyện Quảng Xương và các địa phương lân cận được huy động xuống Lạch Hới xây dựng lán trại. Chỉ trong thời gian ngắn, hai khu lán trại rộng được hoàn thành để bà con miền Nam vào ở. Do luồng Lạch Hới cạn nên tàu phải đậu cách bờ 2 – 3km, địa phương phải huy động thuyền đánh cá của ngư dân ra tàu lớn “tăng bo” đồng bào vào bờ, mỗi thuyền 20 – 30 người đến hết thì thôi”, ông Trác kể thêm.

Xuống tàu tập kết ra Bắc tại địa điểm vàm Chắc Băng (Cà Mau), ông Huỳnh Tấn Lộc (89 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Quân y - Bộ đội Biên phòng tỉnh Minh Hải, nay là Bạc Liêu và Cà Mau), cho biết, đâu phải chỉ lúc ở Thanh Hoá, suốt thời gian sinh sống, học tập trên đất Bắc, cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam đi đến đâu cũng được bà con quan tâm, chăm sóc kỹ càng.

 “Bao năm sinh sống ở đất Bắc, chúng tôi đã nhận được nhiều tình cảm yêu thương, sẻ chia, đùm bọc của người dân nơi đây; gia đình nào cũng đang lúc khó khăn nhưng tình làng, nghĩa xóm, tình cảm đồng chí, đồng đội luôn keo sơn, mật thiết”, cụ Trần Văn Ấm (93 tuổi, quê gốc Quảng Nam; hiện ngụ tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, Thanh Hóa), từng tham gia xây dựng Nông trường quân đội 19.5 (Nghệ An) chia sẻ với PV Báo CAND.

T.Bình – V.Vĩnh – N.Hoa – Đ.Thắng
.
.
.