Bộ Công an giải đáp kiến nghị của cử tri:

Xử nghiêm hành vi trả thù, trù dập người tố cáo tham nhũng

Thứ Bảy, 14/12/2013, 10:21
“Lực lượng Công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng; kịp thời, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo” - Bộ Công an khẳng định trước lo ngại của cử tri về hiện tượng người tố cáo tham nhũng bị trả thù. Nhiều kiến nghị thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an do cử tri gửi đến trước, trong và sau kỳ họp Quốc hội đã được Bộ Công an tập hợp trả lời cụ thể, thẳng thắn.

Cử tri Nghệ An cho rằng, nhiều người biết hành vi tham nhũng nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, trù dập. Cử tri đề nghị có cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng, cơ chế hiện hành chưa đủ mạnh, chưa khuyến khích mọi người tham gia. Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo Bộ Công an và các ngành có liên quan chú trọng, tăng cường công tác bảo vệ người tố giác tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng.

Điều 61 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định: “Người đứng đầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi nhận được đơn tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật cho họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu”.

Hòm thư tố giác tội phạm được thiết lập tại nhiều địa phương với sự tham gia tích cực của thanh niên, sinh viên.

Tuy nhiên, Bộ Công an thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng còn nhiều bất cập, do vậy Bộ đã hoàn thành dự thảo Quy chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng để trình Thủ tướng Chính phủ duyệt, ký ban hành. Cùng với đó, để tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, Bộ Công an kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nội dung như các cơ quan, tổ chức có liên quan phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy trình về tiếp nhận, giải quyết tố cáo, trong đó đề cao trách nhiệm của cá nhân trong bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo tội phạm.

Đẩy mạnh phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo tội phạm để mọi người hiểu, yên tâm và sẵn sàng tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng. Về phía lực lượng Công an cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng; kịp thời, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo tham nhũng.

Ở phạm vi rộng hơn, cử tri Hải Dương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành chức năng sớm có hướng dẫn thực hiện việc quản lý tin tố giác, tin báo về tội phạm. Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, do quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về công tác này còn nhiều nội dung chưa cụ thể, dẫn đến việc hiểu và vận dụng quy định của pháp luật ở một số địa phương hoặc ở một số vụ việc chưa có sự thống nhất, gây khó khăn trong việc xử lý.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 2/8/2013, lãnh đạo các bộ, ngành, gồm: Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự về nội dung này.

“Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an đang phối hợp xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong lực lượng Công an nhân dân, nhằm quản lý chặt chẽ, thống nhất và nâng cao hiệu quả xử lý tố giác, tin báo về tội phạm theo tinh thần của Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội” - Bộ Công an nêu rõ.

Cử tri An Giang kiến nghị: Để răn đe thanh, thiếu niên sử dụng rượu bia làm mất trật tự xã hội ngày càng tăng, đề nghị tăng thêm thời gian tạm giữ hành chính vì hiện nay chỉ được tạm giữ 24 giờ là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

“Quy định thời gian tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 24 giờ là phù hợp với trường hợp bị tạm giữ hành chính, vì hành vi của họ chưa cấu thành tội phạm nên không thể kéo dài thời hạn tạm giữ. Đối với người uống rượu bia, gây ra những hành vi nguy hiểm, làm mất trật tự, an toàn xã hội, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm đến mức phải xử lý hình sự thì xem xét áp dụng biện pháp tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật” - Bộ Công an khẳng định.

Về những giải pháp phòng ngừa, trấn áp tội phạm, Bộ Công an cho biết, thời gian tới sẽ triển khai liên tục các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn… Ngăn chặn không để hình thành tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; điều tra khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội

Nguyễn Thành
.
.
.