Bế mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 67:

Xây dựng lực lượng - nhiệm vụ trọng tâm quyết định mọi thắng lợi

Thứ Tư, 21/12/2011, 08:42
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, chiều 20/12, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 67 họp phiên bế mạc. "Các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp những ý kiến có chất lượng, góp phần quan trọng để hội nghị thành công tốt đẹp" - Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an kết luận.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Độc lập hạng Nhì và hạng Ba tặng Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, phái viên của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghiên cứu, quán triệt các văn bản: Báo cáo tổng kết tình hình, công tác năm 2011; Nghị quyết của Đảng ủy Công an TW về nhiệm vụ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND năm 2012; Chỉ thị của Bộ về nhiệm vụ công tác Công an năm 2012. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội nghị, lãnh đạo Bộ giải đáp những vướng mắc, đề xuất của Công an các đơn vị, địa phương về các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh - trật tự, công tác xây dựng lực lượng, hậu cần, khoa học kỹ thuật CAND.

Bộ trưởng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương quán triệt nghiêm túc phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lực lượng CAND tại phiên khai mạc Hội nghị, ngày 19/12.

Về các nhiệm vụ công tác Công an năm 2012, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, trong giai đoạn mới, hòa bình, đối thoại vẫn là xu hướng chủ yếu. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố khó lường. Bối cảnh đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bối cảnh cũng đặt ra những vấn đề mới trong công tác Công an. Căn cứ Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị của Bộ về nhiệm vụ công tác năm 2012, Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động đề ra kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, gắn với thực tiễn công tác, chiến đấu tại đơn vị, địa phương mình.

Trấn áp mạnh các loại tội phạm

Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về phòng chống ma túy và phòng, chống mua bán người. Triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống kiểm soát ma túy đến năm 2020, định hướng đến 2030. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04, ngày 30/3/2011 của Bộ Công an về một số nhiệm vụ cấp bách, bảo vệ an ninh - trật tự trong tình hình mới.

Tập trung trấn áp mạnh các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm sử dụng vũ khí nguy hiểm, các băng nhóm côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp hoạt động bảo kê, xiết nợ, cho vay nặng lãi. Đẩy mạnh điều tra làm rõ và xử lý các vụ án trọng điểm gây bức xúc dư luận. Tăng cường công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư, quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, buôn lậu, sản xuất hàng giả, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2012 là năm an toàn giao thông, Công an các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tăng cường tuần tra kiểm soát, giảm thiểu tai nạn giao thông, gắn với việc làm trong sạch lực lượng CSGT. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác phòng, chống ma túy. Tập trung lực lượng chống tội phạm ma túy các tuyến trọng điểm, triệt phá các đường dây buôn bán ma túy qua biên giới, rà soát xóa các tụ điểm ma túy. Thực hiện các đề án, chương trình, nội dung cải cách tư pháp trong CAND theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020. Củng cố tổ chức và hoạt động của cơ quan CSĐT các cấp, điều chỉnh đội ngũ điều tra viên theo hướng tăng cường cho Công an cấp huyện. Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kỹ thuật hình sự, giám định pháp y của CAND.

Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định: Về công tác tuyên truyền, Bộ đã chú trọng xây dựng quy hoạch hệ thống các cơ quan báo chí CAND, phát triển kênh Truyền hình CAND thành đơn vị tuyên truyền quan trọng và hiệu quả của lực lượng CAND. Những ngày đầu lên sóng, dư luận đánh giá cao kênh truyền hình này, điều đó cho thấy việc ra kênh truyền hình đáp ứng sự mong đợi của khán giả trong và ngoài lực lượng CAND.
* Báo CAND và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh CAND được nhận Cờ thi đua của Bộ Công an năm 2011.

Kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả

Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, trong công tác tổ chức cán bộ, thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí giám đốc Công an tỉnh và Trưởng Công an huyện không phải là người địa phương. 

Về xây dựng lực lượng, xây dựng Đảng, đây là nhiệm vụ trọng tâm quyết định mọi thắng lợi. Theo đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, quy trình công tác, tác phong, thái độ trong quan hệ với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ; tăng cường toàn diện cho Công an cấp huyện, lực lượng trực tiếp chiến đấu; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ Công an… Phương châm hành động của lực lượng CAND thời gian tới là "kỷ cương, trách  nhiệm, hiệu quả".

Về nhiệm vụ cần làm ngay, Bộ trưởng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm  trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Chăm lo gia đình người có công với cách mạng.

Cũng tại phiên bế mạc, Hội nghị đã công bố các quyết định khen thưởng của Chính phủ và Bộ Công an và trao cờ, bằng khen cho Công an các đơn vị, địa phương. Theo đó, có 21 Công an đơn vị, địa phương được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, 104 Công an đơn vị, địa phương được Bộ Công an tặng Cờ thi đua và 46 Công an đơn vị, địa phương được Bộ Công an tặng Bằng khen.

Tập trung đấu tranh các vấn đề nổi cộm

Không sa vào diễn giải thành tích, tham luận của các đại biểu hướng vào các chuyên đề phòng, chống tội phạm với đặc điểm cụ thể ở đơn vị, địa phương mình. Điều đó làm không khí thảo luận tập trung, có chiều sâu và "đụng" tới nhiều vấn đề nóng…

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm thừa nhận, tội phạm về kinh tế, nhất là tài chính, ngân hàng vừa qua diễn biến phức tạp, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng; kéo theo hành vi đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê. Theo đó, Tổng cục chủ động phân tích, dự báo tình hình, đề xuất các ngành khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quản lý, giải quyết tốt các nguy cơ gây bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; xử lý nghiêm các loại tội phạm trong lĩnh vực này.

Tội phạm có sự thay đổi về thủ đoạn, quy mô, vậy người đấu tranh chống tội phạm cần thay đổi gì? Người đứng đầu Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm khẳng định mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự đổi mới mình bằng trí tuệ, đạo đức và trách nhiệm; chú ý phòng ngừa các hành vi chống người thi hành công vụ nhưng không thờ ơ, né tránh nhiệm vụ.

Từ chuyên đề theo "mảng miếng" của Hà Nội đến "nhìn thẳng, gỡ trúng" của TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng

Hà Nội, địa phương nổi danh với "thương hiệu" phá trọng án, kinh nghiệm được Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh chia sẻ "trước hết ở sự chỉ đạo rốt ráo và sự tập trung, kinh nghiệm phá án của cán bộ, chiến sĩ". Năm 2011, địa bàn này xảy ra 49 vụ sử dụng vũ khí nóng gây án, trong đó có 4 vụ dùng vũ khí quân dụng. Trong khi đó, các băng nhóm lưu manh, đâm thuê chém mướn, gây án do va chạm giao thông… gây bức xúc dư luận. "Chúng tôi đã mở các chuyên đề như phòng, chống cướp xe ôm, taxi; phòng, chống tội phạm lưu động, tội phạm trong thanh, thiếu niên, tội phạm công nghệ cao" - Giám đốc Nguyễn Đức Nhanh cho hay.

Theo đồng chí, một trong các cách làm mới đạt hiệu quả là triển khai kế hoạch 141, thành lập các tổ công tác đặc biệt gồm CSCĐ, CSGT, CSHS tuần tra, kiểm soát xử lý các đối tượng đi ôtô, xe máy coi thường pháp luật, lạng lách, đánh võng, mang vũ khí nóng. Ngoài ra có Kế hoạch 142 tập trung đấu tranh tội phạm hình sự trên xe bus; Kế hoạch 149 phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng, bạc, ngoại tệ; Kế hoạch 155 phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. "Những chuyên đề đi vào chiều sâu như vậy đã chứng tỏ hiệu quả, tuy rằng cách làm còn một số điểm phải điều chỉnh" - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khẳng định.

Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Công an các đơn vị, địa phương.

Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Quân công hạng Ba tặng Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực trao Cờ thi đua của Bộ Công an tặng Công an các đơn vị, địa phương, trong đó có Báo CAND.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng trao Cờ thi đua của Bộ Công an tặng Công an các đơn vị, địa phương.

Trung tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng trao Cờ thi đua của Bộ Công an tặng Công an các đơn vị, địa phương.

Trung tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng trao Bằng khen của Bộ Công an tặng Công an các đơn vị, địa phương.

Với TP Hồ Chí Minh, vừa qua xảy ra một số loại tội phạm khiến dư luận lo ngại như đòi nợ thuê, giết người thuê. Công an TP Hồ Chí Minh đã làm gì để ngăn chặn cũng như trong điều tra, xử lý? Thiếu tướng, Giám đốc Nguyễn Chí Thành cho biết việc tổ chức trấn áp tội phạm theo chuyên đề cũng đang được thực hiện, trong đó tập trung đấu tranh mạnh các băng nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên nghiệp, lưu manh côn đồ, sử dụng vũ khí nóng, đòi nợ, thuê giết người và giết người thuê. Tăng cường thông tin trao đổi nhiều chiều về tội phạm, nắm tình hình hoạt động các băng nhóm hình sự để tổ chức đấu tranh. Đối với thị trường vàng, ngoại tệ, tài chính ngân hàng, Giám đốc Nguyễn Chí Thành cho rằng, năm tới còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các ngân hàng vay mượn qua lại trên thị trường liên ngân hàng, mất khả năng thanh khoản, đồng thời tin đồn về tính minh bạch cũng gây tác động tiêu cực.

Hải Phòng, địa bàn nóng với các vụ phạm pháp hình sự có sử dụng súng hoa cải, súng bút, súng kíp đã có cách làm nào để ngăn chặn? Đại tá, Giám đốc Đỗ Hữu Ca liệt kê con số năm 2011 cho thấy, Công an thành phố "hoa phượng đỏ" đã đấu tranh 41 vụ tàng trữ, sử dụng các loại súng, điều tra làm rõ 37 vụ, bắt 40 đối tượng, thu 37 súng các loại. Có 26 vụ đối tượng sử dụng súng gây án. Các vụ án dạng này đều được điều tra khẩn trương, chuyển cơ quan tố tụng xử lý nghiêm. Đồng thời, qua tuần tra vũ trang đã phát hiện, bắt giữ 7 vụ tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, súng tự chế, bắn đạn hoa cải. "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát các tuyến giao thông trọng điểm, phát hiện các ổ nhóm vũ khí nóng để đấu tranh, tập trung điều tra khám phá các vụ án đối tượng sử dụng vũ khí gây án, thu hồi vũ khí, truy bắt đối tượng, đưa ra xét xử lưu động các vụ án điểm" - Giám đốc Đỗ Hữu Ca quả quyết.

Là cấp trên chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của lực lượng CSGT, Trung tướng Tô Thường băn khoăn trước việc dư luận ồn ào về hiện tượng tiêu cực ở một số cán bộ, chiến sĩ CSGT. Vì thế, tham luận gửi tới hội nghị của Trung tướng thẳng thắn nhìn nhận tồn tại này và xác định rõ, Tổng cục sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết làm trong sạch lực lượng CSGT. Về góc độ quản lý, Trung tướng cho rằng, mô hình tổ chức của CSGT hiện bộc lộ một số bất cập như tổ chức tuần tra kiểm soát, bảo đảm an toàn trên tuyến đường cao tốc; mô hình tổ chức của phòng CSGT một số thành phố lớn chưa phù hợp, đòi hỏi phải tổ chức lại, phân công phân cấp lại công tác tuần tra kiểm soát...

Danh sách 21 tập thể thuộc Bộ Công an được tặng Cờ thi đua của Chính phủ:

1. Thanh tra Bộ Công an;
2. Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động;
3. Cục Bảo vệ chính trị 4, Tổng cục An ninh I;
4. Cục An ninh chính trị nội bộ, Tổng cục An ninh II;
5. Cục Đào tạo, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân;
6. Cục B41, Tổng cục V;
7. Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm;
8. Cục Cảnh sát Bảo vệ, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội;
9. Cục Theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;
10. Cục Y tế, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật;
11. Viện Kỹ thuật điện tử và cơ khí nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật;
12. Công an thành phố Hà Nội;
13. Công an thành phố Hải Phòng;
14. Công an tỉnh Cao Bằng;
15. Công an tỉnh Tuyên Quang;
16. Công an tỉnh Ninh Bình;
17. Công an tỉnh Quảng Bình;
18. Công an tỉnh Gia Lai;
19. Công an tỉnh Quảng Nam;
20. Công an tỉnh Tây Ninh;
21. Công an tỉnh Cà Mau.

Các đồng chí được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc

1. Tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì:

- Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an;

- Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

2. Tặng Huân chương Độc lập hạng Ba:

- Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

3. Tặng Huân chương Quân công hạng Ba:

- Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an.

4. Tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì:

- Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

5. Tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba:

- Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Công Gôn - Đăng Trường
.
.
.