Việt Nam sẽ hội nhập thành công, với bản lĩnh và sự tính toán kỹ lưỡng

Chủ Nhật, 09/08/2015, 10:06
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -  EU (EVFTA) chính thức được ký kết sẽ đưa ra những thuận lợi cũng như thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam bước chân vào thị trường EU.

Với việc cùng Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, trước đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc và tiếp đến là Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã bước vào một thời kỳ hội nhập sâu rộng chưa từng có trước đây. 

Trước những sự kiện lớn này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có trao đổi với PV về những cơ hội và thách thức đang chờ đợi Việt Nam trên con đường phía trước và những việc phải chuẩn bị để sẵn sàng cho chặng đường mới này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

PV: Gần đây Việt Nam đã kết thúc và chuẩn bị kết thúc hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như Hàn Quốc và lần này là EU. Với việc kết thúc cơ bản đàm phán với EU, Bộ Công thương sẽ triển khai các công việc gì để hỗ trợ các DN trong việc cạnh tranh với các đối tác lớn như trên?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -  EU (EVFTA) chính thức được ký kết, sẽ có một loạt công việc mà chúng ta phải tiếp tục triển khai, trong đó có việc tuyên truyền, làm rõ những thuận lợi, thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định. 

Bằng các chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan của Việt Nam với các cơ quan nước ngoài, trong đó có EU, sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao điều kiện cho DN Việt Nam có cơ hội tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hội thảo trao đổi với các đối tác liên quan, qua đó tìm ra những đề án, dự án hợp tác mà DN các bên cùng có lợi.

Với các DN Việt Nam, bản thân từng DN thông qua việc nghiên cứu các FTA cũng sẽ nhận thức được đâu là thuân lợi mình phải tranh thủ tối đa, đâu là thách thức để đưa ra lộ trình phù hợp, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, để không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu.

PV: Việt Nam sẽ có những thuận lợi và khó khăn nào khi tham gia Hiệp định này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đây là một Hiệp định toàn diện; bao gồm thương mại hàng hoá, đầu tư, mua sắm công, sở hữu trí tuệ... Có thể nói tóm tắt, EU và Việt Nam là những nền kinh tế cơ bản hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, không có cạnh tranh lớn. Riêng về nông nghiệp, với việc hiệp định đi vào thực hiện, các mặt hàng của Việt Nam, trong đó rau quả, thuỷ sản, gạo sẽ được EU dành cho ưu đãi về thuế. Vấn đề là phải tiếp tục nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ hội là rất lớn. Ngược lại, một số sản phẩm nông nghiệp EU có thế mạnh, chúng ta còn ít sản xuất được như sản phẩm lúa mì thì chúng ta sẽ tạo điều kiện cho DN châu Âu xuất vào Việt Nam. Cũng có một số mặt hàng khác, nhất là hoa quả ôn đới mà chúng ta không có, sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà chúng ta đang thiếu.

PV: Thưa Bộ trưởng, phiên đàm phán cấp Bộ trưởng các nước TPP gần đây đã không đi đến được kết quả như mong muốn. Có nhiều ý kiến cho rằng việc các Bộ trưởng chưa ra được tuyên bố chung kết thúc đàm phán lần này có thể coi như một dấu chấm hết cho Hiệp định TPP. Quan điểm của Bộ trưởng về điều này ra sao?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Ở vòng đàm phán này, khi mới bắt đầu, mọi việc tương đối thuận lợi. Thực tế thì phần lớn các nội dung đã đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, đêm cuối cùng trước ngày kết thúc đàm phán, chỉ vì một vài vướng mắc còn lại, nhỏ thôi, nhưng chưa thể vượt qua giữa một vài nước với nhau, dẫn đến các Bộ trưởng thấy khó có thể kết thúc hoàn toàn đàm phán lần này, mà phải chờ 1 vòng nữa. Các thành viên đoàn đàm phán đã hết sức nỗ lực.

Bản thân tôi khi nghe tin đó cũng có một  chút băn khoăn. Với nỗ lực của các đoàn đàm phán, đáng lẽ kết quả phải tốt hơn. Nhưng về cơ bản, trên hầu khắp các vấn đề các bên đã thống nhất với nhau rồi, chỉ còn một số ít vấn đề chủ yếu là song phương. Chúng tôi vẫn tin tưởng trong thời gian ngắn nữa thôi chắc chắn hiệp định sẽ được thông qua vì tất cả các nước đều cần hiệp định này, không có lý do gì đã đạt được trên 90% rồi, chỉ còn vài vướng mắc không phải của toàn khối mà lại không ký kết được.

PV: Một vấn đề cũng được rất nhiều người quan tâm là chúng ta cam kết thế nào về vấn đề lao động trong đàm phán hiệp định này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, chúng ta cam kết thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm với tư cách thành viên của ILO. Đó là quan điểm giải quyết của chúng ta về vấn đề này trong chương về người lao động và tôi cho rằng kết quả chúng ta đạt được trong vòng đàm phán này là đã thực hiện đúng nguyên tắc này, đúng cam kết này.

Việt Nam sẽ bước vào sân chơi rộng cùng các nền kinh tế lớn.

PV: Theo đánh giá của Bộ trưởng, đâu là thành quả lớn nhất của Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP và chúng ta sẽ còn phải làm gì tiếp theo?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đối với Việt Nam và một số thành viên TPP, về nguyên tắc có thể coi như đàm phán đã kết thúc. Đây là cố gắng rất lớn của chúng ta rồi. Việc còn lại là không nên nhìn Hiệp định này cũng như các FTA khác chỉ theo một khía cạnh hoặc thuận lợi hay thách thức. Riêng với TPP thì thuận lợi cũng có, như mở cửa thị trường, thu hút đầu tư... nhưng thách thức là không nhỏ, vì trình độ chúng ta còn thấp, nên khi chúng ta chơi ở 1 sân chơi rộng, yêu cầu cao thế này thì sự chuẩn bị ở trong nước còn có nhiều khó khăn. Đầu tiên là về chất lượng sản phẩm. Thứ hai là giá cả chưa cạnh tranh. Năng lực quản trị DN chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực có vấn đề nên thách thức không nhỏ. Thách thức là làm thế nào để đạt được mục tiêu nâng năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia trong thời gian không dài? Điều này có tác dụng giúp chúng ta dần dần đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, tạo được bước đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong tất cả, vấn đề con người, nguồn nhân lực, quản lý, quản trị là rất quan trọng, nếu làm không tốt thì sẽ không tranh thủ được cơ hội, thách thức sẽ lớn hơn. Tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, DN coi TPP không chỉ có cơ hội mà còn là thách thức rất lớn để không chủ quan. Chính vì thế, sau vòng đàm phán vừa rồi, để chuẩn bị cho việc ký kết và thực thi hiệp định còn rất nhiều việc phải làm. Và đó là trách nhiệm không riêng của ai. Tôi tin rằng với bản lĩnh của người Việt Nam, với những tính toán mà chúng ta đã cân nhắc rất kỹ, chúng ta chắc chắn sẽ làm được.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Phương Sơn
.
.
.