Việt Nam ký hiệp định thương mại với các nước Trung Đông

Thứ Ba, 21/10/2008, 23:10
Việt Nam và một số nước Trung Đông vừa triển khai ký kết các hiệp định thương mại nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động hợp tác giữa 2 bên. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông đã có sự chuyển dịch rất khả quan về thị trường và cán cân thương mại.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương: Hoạt động buôn bán của Việt Nam với các nước trong khu vực Trung Đông đang có nhiều thuận lợi do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người Trung Đông ngày càng cao.

Bên cạnh đó, việc có nhiều nước Trung Đông (đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ) đang hướng hoạt động thương mại, đầu tư của mình sang phía Đông, trong đó có Việt Nam, cũng tạo thêm cơ hội để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập và gia tăng thị phần ở thị trường Trung Đông. Hiện Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ là hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam ở khu vực này. Ngoài ra, hàng Việt Nam cũng đã có mặt ở nhiều thị trường khác như Arập Xêút, Israel…

Năm 2007, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Đông đạt xấp xỉ 1,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 700 triệu USD và nhập khẩu 490 triệu USD, đó là chưa kể lượng hàng hóa xuất sang Trung Đông qua nước thứ ba. Dự kiến năm nay, con số này sẽ tăng thêm 30% so với năm ngoái.

Việt Nam xuất sang Trung Đông chủ yếu là gạo, cà phê, sản phẩm dệt may, máy tính, linh kiện điện tử, giày dép, hải sản, sản phẩm gỗ... và nhập khẩu xăng dầu, sản phẩm hóa dầu, phân bón, sắt thép. Bộ Công Thương dự kiến, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Trung Đông sẽ tăng trưởng ít nhất là 25%, thậm chí có thể đạt tới 30%.

Ông Nguyễn Công Hiến, Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi – Tây Á – Nam Á (Bộ Công Thương) nhận định: Việt Nam bắt đầu quan tâm đến khu vực thị trường Trung Đông với 15 nước nằm trên con đường huyết mạch Á – Âu và nằm ở ngã ba của 3 châu lục Á – Âu – Phi nên rất thuận tiện để vận chuyển, đưa hàng hoá thâm nhập vào các khu vực thị trường lân cận. Đặc biệt, nếu án ngữ được khu vực này, hàng hoá Việt Nam có thể mở rộng quy mô, dễ dàng thâm nhập vào chính thị trường Trung Đông rộng lớn với quy mô dân số lên tới 250 triệu người. Nếu như trước đây Việt Nam chỉ có quan hệ giao thương (chủ yếu là xuất khẩu) với Irắc thì đến nay, cơ cấu thị trường đã được mở rộng sang cả các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Arập Xêút, UAE…

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng đang dần thay đổi, lượng xuất khẩu hàng nông sản và nhiên liệu ngày càng có xu hướng giảm. Theo nhận định của Hải quan Việt Nam, lượng xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng chất xám và hàm lượng lao động cao sang khu vực Trung Đông đang gia tăng, chẳng hạn như các mặt hàng điện tử, đồ gỗ, giày dép… trong đó, có những mặt hàng tăng trưởng tới 88 – 100%. Trung Đông là khu vực có sức tăng trưởng kinh tế rất nhanh, trung bình khoảng 6 – 14%, hơn nữa, chính sách thuế của khu vực này cũng rất giống nhau, thuế nhập khẩu chỉ ở mức từ 0 – 4%. Vì vậy, tính cạnh tranh của hàng hoá tại khu vực này rất cao. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải xuất khẩu hàng hoá đảm bảo chất lượng đúng như cam kết trong hợp đồng đã ký kết, và đặc biệt thời gian giao hàng phải đúng hẹn. Nếu không, Việt Nam sẽ không thể đứng vững trên thị trường này.

Cũng theo ông Hiến, Arập Xêút là thị trường lớn ở khu vực vùng Vịnh với dân số tương đối đông 27,6 triệu người và là một nền kinh tế lớn của Hội đồng hợp tác kinh tế vùng Vịnh (GCC) với trữ lượng dầu mỏ lên tới 260 tỷ thùng. Hàng năm, Arập Xêút có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, giày dép, hải sản, đồ gỗ, hàng nông sản (hạt tiêu, gạo, chè, hạt điều), máy tính và linh kiện điện tử... Năm 2007, Việt Nam đã xuất khẩu sang nước này 51 triệu USD nhưng nhập khẩu tới 131 triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Arập Xêút còn biết rất ít thông tin về thị trường và doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại.

Bên cạnh trao đổi thương mại hàng hoá, Arập Xêút còn là một thị trường vốn có tiềm năng rất lớn (gồm đầu tư, tài chính, ngân hàng...) và cũng là một thị trường có nhu cầu cao về nhập khẩu lao động. Đây là những thế mạnh của Arập Xêút mà Việt Nam có thể hợp tác sâu rộng như kêu gọi đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, đối với thị trường Irắc hiện đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh, ngay cả Văn phòng của Thương vụ Việt Nam tại Irắc cũng phải tạm đóng cửa. Hơn nữa, do có những Nghị định thư mới nên hiện chưa chắc chắn được hình thức thanh toán với thị trường này như thế nào. Vì vậy, các doanh nghiệp nên hướng sự quan tâm tới một số thị trường khác trong khu vực Trung Đông

Hải Châu
.
.
.