Về thăm mẹ liệt sĩ có 5 căn hầm bí mật

Thứ Năm, 16/04/2009, 19:17
Trong ngày về thăm mẹ Huề, đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho chúng tôi biết: Trong thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, mẹ Huề đã đào tới 5 căn hầm bí mật ở dưới bàn thờ tổ tiên, giường ngủ, bếp và cả cạnh chuồng bò, chuồng heo để nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng…

Vào sáng 27 Tết năm Mậu Tý (2008), trong không khí chộn rộn của những ngày cận Tết, phóng viên Báo CAND được tháp tùng đồng chí Nguyễn Văn Chi - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng, đến thăm những gia đình có công với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại tỉnh Quảng Nam.

Đoàn đã đến thắp hương tại đài chiến thắng Bồ Bồ và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn.

Sau đó đồng chí Nguyễn Văn Chi đến thăm một số gia đình có công, từng nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những năm tháng đánh Mỹ khốc liệt nhất. Trong số những gia đình mà đồng chí đến thăm ấy, chúng tôi được gặp mẹ Nguyễn Thị Huề (86 tuổi), ở thôn 1, Thái Sơn, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, một phụ nữ được coi là dạ sắt, gan vàng.

Đại diện Báo CAND trao 30 triệu đồng cho mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Huề.

Sau khi quân đội Mỹ ồ ạt đổ bộ vào cảng Đà Nẵng (1965) thì núi Bồ Bồ tại xã Điện Tiến được bọn Mỹ - ngụy xây dựng đồn bốt và trở thành cứ điểm quan trọng để bảo vệ Đà Nẵng và dùng làm bàn đạp tấn công các khu vực xung quanh. Chúng đã không từ một âm mưu, thủ đoạn, hành động tàn ác, man rợ nào trên mảnh đất Điện Tiến.

Vào thời điểm khốc liệt ấy, mẹ Huề có 5 người con thì 4 người con (3 trai, 1 gái) vừa chớm tuổi lớn khôn thì mẹ lần lượt động viên tham gia cách mạng. Người con trai lớn Phạm Viết Nam (Đại) mới 17 tuổi, mẹ Huề đã cho vào bộ đội, tham gia chiến đấu ở Sư đoàn 2, Quân khu V.

Tiếp theo sau là anh Phạm Sự, chị Phạm Thị Giới chưa đủ 18 tuổi mẹ lại động viên vào bộ đội địa phương, chiến đấu tại chiến trường tỉnh Quảng Nam. Đến lượt người con trai thứ tư Phạm Văn Dựa, mới 16 tuổi, mẹ Huề lại cho theo làm bảo vệ cho các đồng chí cán bộ cách mạng nằm vùng.

Sau đó, anh Dựa được tuyển vào lực lượng an ninh Khu V, trực tiếp tham gia bảo vệ đồng chí Nguyễn Văn Chi hoạt động tại tỉnh Quảng Nam. Ở nhà còn duy nhất một cậu con trai út Phạm Văn Tới (Tuấn) đang ở lứa tuổi thiếu nhi, nhưng mẹ Huề lại tìm đường cho Tới tập kết ra miền Bắc học tập mong sau này có ngày Tới trở về giải phóng quê hương.

Rồi liên tiếp vào các năm 1970-1971, hai người con của mẹ là anh Phạm Sự và chị Phạm Thị Giới anh dũng hy sinh. Căm thù bọn đế quốc và bọn bán nước, giấu những giọt nước mắt vào lòng, vợ chồng mẹ Huề đào hầm bí mật, biến lòng đất dưới căn nhà của mình thành nơi che giấu, đùm bọc an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng nằm vùng hoạt động. Sau này, nhiều đồng chí trở thành cán bộ huyện ủy, tỉnh ủy viên và cả Ủy viên Bộ Chính trị.

Trong ngày về thăm mẹ Huề, đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho chúng tôi biết: Trong thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, mẹ Huề đã đào tới 5 căn hầm bí mật ở dưới bàn thờ tổ tiên, giường ngủ, bếp và cả cạnh chuồng bò, chuồng heo để nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng, trong số đó có hai vợ chồng đồng chí Nguyễn Văn Chi.

Nhiều lần, bọn địch đưa chó bẹc ghê đến khu vực nhà mẹ Huề hòng lùng sục tìm hầm bí mật  nhưng chúng không thể lần tìm ra dấu vết vì mẹ ngụy trang rất kỹ. Mẹ Huề cho biết, mẹ sợ nhất bọn chiêu hồi, còn chẳng ai phát hiện được hầm của mẹ đào.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Chi có đưa một nhóm phóng viên truyền hình về, tính quay lại những căn hầm bí mật của mẹ Huề để làm tư liệu, nhưng tất cả đã bị mẹ lấp hết nên không thực hiện được…

Trước sự hy sinh to lớn của gia đình mẹ Huề, nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2009), ngày 1/4/2009, đại diện Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã đến thăm và trao tặng mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Huề 30 triệu đồng để dùng sửa chữa, nâng cấp căn nhà tình nghĩa của mẹ được xây dựng đợt đầu tiên (năm 1976). Sau hơn 30 năm sử dụng, căn nhà đã xuống cấp trầm trọng.

Chứng kiến việc trao tặng tiền, đồng chí Đỗ Diên, Chủ tịch UBND xã Điện Tiến cảm kích: Sự hy sinh của mẹ Huề và gia đình là vô cùng to lớn, số tiền của Báo CAND tuy nhỏ, song nó là nguồn động viên mẹ Huề rất lớn trong lúc tuổi già.

Thay mặt địa phương và gia đình, đồng chí Đỗ Diên cũng đã gửi lời cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Báo CAND và Chuyên đề ANTG, đến phong trào đền ơn đáp nghĩa

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.