Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố các luật, pháp lệnh và nghị quyết

Thứ Sáu, 05/07/2013, 17:05
Ngày 5/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước ban hành một số luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đó là: Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật Khoa học và công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 70 của Luật Doanh nghiệp; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối; Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân.

Ông Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo. Về phía Bộ Công an có Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng; Trung tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan. 

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tại buổi họp báo.

Luật Phòng, chống khủng bố (có hiệu lực từ ngày 1/10/2013) quy định: Cá nhân tham gia phòng, chống khủng bố mà bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc thân nhân được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có tài sản được huy động để phục vụ phòng, chống khủng bố nếu bị thiệt hại thì được bồi thường. Nhà nước có chính sách khoan hồng đối với tổ chức, cá nhân chủ động từ bỏ ý định khủng bố, tài trợ khủng bố, tự ý nửa chứng chấm dứt thực hiện hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc trước khi hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố bị phát giác mà cố gắng ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại, khắc phục hậu quả xảy ra và tự thú, thành khẩn khai báo, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, điều tra, truy tố, xét xử khủng bố, tài trợ khủng bố.

“Che giấu, chứa chấp, không tố giác hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố, làm lộ bí mật Nhà nước trong phòng, chống khủng bố, cố ý lan truyền thông tin giả về khủng bố, tài trợ khủng bố, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống khủng bố, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là những hành vi bị nghiêm cấm.  

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) quy định: Công dân có chỗ ở hợp pháp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại nơi đó từ 1 năm trở lên; trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên, và phải được chủ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình; Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn 12 tháng có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.

Luật nghiêm cấm các hành vi: “thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú, sử dụng giấy tờ giả về cư trú, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú, giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; giải quyết cho đăng ký cư trú khi biết rõ người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ đó; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi, hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ đó”. 

Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) giáo dục cho công dân những hiểu biết cần thiết về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời chỉ rõ âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong từng thời kỳ, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Luật nghiêm cấm các hành vi: lợi dụng hoạt động giáo dục, quốc phòng và an ninh để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiết lộ bí mật Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cản trở việc thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.

Luật Phòng, chống thiên tai (có hiệu lực từ ngày 1/5/2014) nghiêm cấm lợi dụng thiên tai và hoạt động phòng, chống thiên tai gây phương hại đến quốc gia, xâm hại tài sản của Nhà nước và nhân dân; chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; cố ý đưa tin, báo cáo sai sự thật về hoạt động phòng, chống thiên tai và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Luật Khoa học và công nghệ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) nghiêm cấm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ; tiết lộ tài liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật Nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ; cản trở hoạt động khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật Hòa giải ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trên cơ sở tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt bên trong hòa giải; không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật, hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) quy định: Người cư trú, người không cư trú là cá nhân khi nhập cảnh, xuất cảnh mang theo ngoại tệ, đồng Việt Nam và vàng trên mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải khai báo với Hải quan cửa khẩu và xuất trình giấy tờ theo quy định. Tổ chức tín dụng được phép thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng được phép.

Pháp lệnh quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nguyễn Hưng
 
.
.
.