Ủy ban tư pháp, quốc hội mở phiên họp của đoàn giám sát việc “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ”
Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIII, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các đồng chí: Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Ngô Văn Khánh- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Nguyễn Viết Sơn, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Trần Tập Huấn, Phó Cục trưởng Cục điều tra, Bộ Quốc phòng cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm tham nhũng, chức vụ vẫn diễn biến phức tạp xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tham nhũng rất tinh vi, thường lợi dụng những sơ hở, bất cập trong cơ chế chính sách, công tác quản lý của Nhà nước để trục lợi cho cá nhân, thông đồng, cấu kết với các doanh nghiệp tư nhân, cá nhân ngoài xã hội thực hiện hành vi trái quy định của Nhà nước. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo tại phiên họp. |
Trong báo cáo việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn, tin báo tố giác tội phạm về tham nhũng, chức vụ của lực lượng Công an được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư 63/2010/TT-BCA ngày 29/12/2010 của Bộ Công an. Toàn bộ các tin báo, tố giác về các hành vi tiêu cực, tham nhũng và chức vụ đều được các đơn vị tiếp nhận, vào sổ theo dõi, phân loại, đề xuất xử lý, tổ chức xác minh, điều tra một cách triệt để… Những đơn thư, tin báo, khiếu nại sau khi xác minh, làm rõ đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh có dấu hiệu tội phạm đều được khởi tố điều tra theo quy định của Pháp luật. Những đơn tố cáo, tin báo không đúng sự thật hoặc không đúng chức năng, nhiệm vụ… thì được chuyển cho các cơ quan, đơn vị giải quyết theo đúng thẩm quyền đồng thời có văn bản trả lời nguyên đơn hoặc thông báo cho tổ chức, cá nhân được biết để liên hệ giải quyết. Bộ Công an xác định việc điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ là nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Hoạt động điều tra vừa phải đảm bảo yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, vừa đảm bảo đúng pháp luật.
Bộ Công an cũng đã tập trung chỉ đạo Cơ quan điều tra chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng và chức vụ, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Công an luôn coi trọng mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ… Quan hệ phối hợp theo tố tụng giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát, Toà án trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ đảm bảo quyền năng pháp lý theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Vì vậy, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử… đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, xử lý đúng người đúng tội, không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Tại phiên họp, đại điện Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ cũng đã trình bày báo cáo việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ đồng thời có những trao đổi với các đại biểu về những nội dung liên quan