Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đầu tư công
Dự án luật bổ sung quy định về hình thức quản lý mới về ủy thác đầu tư dự án, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động dự án để từng bước khắc phục hạn chế trong quản lý đầu tư hiện nay. Bổ sung các quy định về đảm bảo chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các công trình sau khi nghiệm thu, bàn giao, dẫn đến chương trình nhanh chóng xuống cấp. Cho ý kiến dự án luật, các đại biểu đề nghị cần phải làm rõ việc phê duyệt dự án đầu tư công phải dựa trên cơ sở kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn để làm căn cứ quyết định đầu tư.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân trần, việc phân cấp quá rộng lại thiếu các chế tài và biện pháp quản lý giám sát nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, như: phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Bên cạnh đó, tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức. Theo đó, dự luật quy định bắt buộc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án đầu tư công. Đây là một nội dung mới chưa được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công hiện nay. Việc phân cấp vẫn thực hiện như quy định hiện hành, nhưng chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn cấp nào thì cấp đó phải kiểm soát, thẩm định xem có phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn không. Quyết định đầu tư sai phải chịu trách nhiệm, không thể nêu chung chung như hiện nay.
Bộ trưởng Vinh nói, có những công trình đầu tư sai, như bỏ tiền xây chợ hoành tráng nhưng không có người đến họp, gây lãng phí rất lớn mà không ai chịu trách nhiệm...
Xác định trách nhiệm cá nhân trong đầu tư dự án chính là điểm then chốt để ngăn chặn nạn xin tiền đầu tư tràn lan như hiện nay. Nguyên nhân được lý giải là bất kỳ dự án nào, chủ đầu tư nếu xin được thì cũng đều có hoa hồng và các khoản “đục khoét”. Dự án càng lớn, tiền “đục khoét” càng nhiều, vì thế các địa phương mới thi nhau vẽ dự án thật hoành tráng, vốn đầu tư thật lớn để tranh thủ cơ hội kiếm chác.
Về điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư. Nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, vốn tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí tài chính.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Phương Hoa. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trăn trở với tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước từ các dự án công. Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn: “tôi đề nghị quy định chỉ một giá thôi, trúng thầu bao nhiêu thì giá trả bấy nhiêu. Có chuyện trúng thầu 100 tỉ nhưng lúc thanh toán lại nâng lên vài trăm tỉ”. Chủ tịch cho rằng, việc đội giá như vậy chỉ có ở ta do quản lý không chặt, thế giới không có chuyện như vậy. Chủ tịch Quốc hội đề nghị chấm dứt câu chuyện triền miên xin điều chỉnh giá trị hợp đồng, chỉ xem xét trong trường hợp do khách quan, còn nguyên nhân chủ quan thì không thể điều chỉnh.
Viện dẫn chuyện đầu tư lãng phí, thất thoát lớn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, lãng phí nhiều nhất là chủ trương đầu tư. Ông nói, có những con đường miền núi rộng 60-70m, làm xong không có người đi, chỉ trâu bò, muông thú, lãng phí vô cùng. Thế nhưng Chủ tịch tỉnh người ta thích quyết, cứ làm cho hoành tráng, thiếu tiền thì xin trung ương. “Nhiều nơi cứ vẽ ra dự án thật hoành tráng, sau đó đi chạy. Bây giờ ra luật phải làm sao chấm dứt hiện tượng này, muốn đầu tư phải qua thẩm định về hiệu quả, thẩm định vốn, có tiền mới được làm” - Bộ trưởng Vinh phân trần.
Cũng tại phiên họp hôm qua, UBTV Quốc hội vừa cho biết kỳ họp Quốc hội thứ 6 sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 6/12/2013 tại Hà Nội. Với thời gian họp đã được tăng thêm ba ngày so với dự kiến, đây là kỳ họp dài nhất từ trước đến nay của Quốc hội khóa XIII. Công việc hệ trọng nhất của kỳ họp này là thảo luận, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992