Tuần này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm
Vẫn lấy phiếu với 3 mức tín nhiệm
Lấy phiếu tín nhiệm - nội dung được cử tri chờ đợi sẽ diễn ra cuối tuần này tại nghị trường Quốc hội. Theo đó, ngày thứ sáu (14/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở đoàn về nội dung này. Ngày thứ bảy, việc lấy phiếu sẽ diễn ra tại Hội trường lớn bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Đây là lần thứ hai, Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. Lần đầu tiên, Quốc hội lấy phiếu đối với 47 chức danh, tiến hành tại kỳ họp thứ 5, tháng 6/2013. Đến kỳ họp thứ 7, việc lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ (mỗi năm một lần) được dừng lại, thay vào đó là việc sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, đến nay Nghị quyết này chưa được sửa đổi và tại kỳ họp này, Quốc hội vẫn lấy phiếu theo quy định của Nghị quyết 35.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ này, có 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được đưa ra đánh giá. Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Việc này vẫn thực hiện theo hình thức cũ với 3 mức như Nghị quyết 35. Sau đợt đầu lấy phiếu, một số thành viên Chính phủ có số phiếu không cao đã phải cố gắng rất nhiều. Tới nay kết quả đã được cử tri ghi nhận là tốt hơn. Tôi cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là tốt. Đây là kênh tham khảo để đánh giá sắp xếp nhân sự”. Giải thích về việc tại sao vẫn để ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp chứ không sửa lại thành hai mức, ông Phúc cho hay, Trung ương đã bàn rất kỹ vấn đề này. Đó là có khác nhau giữa bỏ phiếu và lấy phiếu. Đây là lấy phiếu chứ không phải bỏ phiếu. Nếu bỏ phiếu tín nhiệm thì dứt khoát chỉ hai mức (tín nhiệm hoặc không tín nhiệm), nhưng lấy phiếu thì phải ba mức để đánh giá xem uy tín của người đấy như thế nào. Về báo cáo của những người được lấy phiếu cũng có đề cương hướng dẫn cụ thể hơn kỳ họp trước để tránh trường hợp người viết dài, người viết ngắn.
Tiếp xúc cử tri tại Hà Nội trước thềm kỳ họp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm” bắt đầu ra đời từ Nghị quyết Trung ương 4 với mong muốn thường xuyên có động tác cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa. Mục đích là để cho mỗi cán bộ khi làm chức trách của mình thì tự soi, tự sửa là chính. “Đã đến lúc để tôi phải bỏ phiếu bất tín nhiệm anh là bước đường cùng rồi. Anh không còn có thể chỉnh sửa được nữa thì thôi cho anh nghỉ” - Tổng Bí thư giải thích. Nếu 2 năm liền phiếu tín nhiệm thấp thì cách chức chứ không để hết nhiệm kỳ hay là hết tuổi, điều này là để mỗi người tự rèn luyện và thay đổi cán bộ chứ không để quá trì trệ. Theo Tổng Bí thư, trong công tác đánh giá cán bộ thời gian qua, nhiều trường hợp còn rất hình thức, không thực tế vì nể nang nhau, không dám đánh giá thật nên cuối năm khi bình bầu thì “hầu hết đảng viên đủ tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc, hầu hết tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh”. Việc đưa ra quy định lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức để chúng ta xem xét, đánh giá cán bộ, một kênh thăm dò tín nhiệm của cán bộ, một bước để đi đến bỏ phiếu tín nhiệm. Trước, sau khi bầu cử đều có đánh giá cán bộ, ai tham gia nhiều cương vị thì có nhiều chỗ để đánh giá cán bộ nhưng có nhiều trường hợp còn hình thức, không thực chất nên mới lấy phiếu tín nhiệm.
Trao đổi với phóng viên về việc lấy phiếu lần này, nhiều đại biểu cho biết, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu một lần nên có kinh nghiệm hơn, các đại biểu cũng đã có thời gian để đánh giá chuẩn xác hơn từng vị trí lấy phiếu. Qua quan sát sau một năm rưỡi kể từ lần lấy phiếu đầu tiên, một số vị trí có phiếu tín nhiệm chưa cao thì thời gian qua cũng đã có rất nhiều cố gắng, nhìn thẳng vào khiếm khuyết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mình quản lý, đạt được những kết quả rất quan trọng. Đồng thời, việc đánh giá các khiếm khuyết cũng sẽ được các đại biểu nhìn nhận một cách toàn diện, vì có những lĩnh vực rất phức tạp, các tồn tại kéo dài qua nhiều thời kỳ, liên quan nhiều bộ, ngành, đòi hỏi sự chung tay của nhiều phía. Sự đánh giá các vị trí “ghế nóng” đó khác với những chức danh ít việc, ít va chạm và ít được cử tri biết đến.
Đề án thay sách giáo khoa lên bàn nghị sự
Một nội dung được quan tâm khác diễn ra vào thứ tư tuần này: Quốc hội thảo luận đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Điều khiến đại biểu Quốc hội giật mình là sự “biến hóa” con số tài chính. Trước đó, ngày 14/4/2014, dự thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 đã được trình tại phiên họp thứ 27 của UBTV Quốc hội. Tại phiên họp này, khi được hỏi về kinh phí thực hiện, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển ước tính trên 34.000 tỷ đồng. Trước con số quá lớn, UBTV Quốc hội yêu cầu phải xây dựng lại dự thảo và báo cáo lại dự kiến kinh phí. Đích thân Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sau đó đã đến UBTV Quốc hội xin cải chính, rằng con số 34 nghìn tỷ đồng là “sai sót kỹ thuật”, không phải con số mà Bộ này trình! Tại phiên họp UBTV Quốc hội mới đây, đề án này được trình lại và rút gọn chỉ còn 778,8 tỷ đồng. “Ta chốt gần 800 tỷ đồng sau này thành vài ngàn tỷ đồng thì tính sao? Từ hơn 30.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Tôi sợ quá” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói tại phiên họp UBTV Quốc hội ngày 27/9 vừa rồi.
Cũng trong tuần này, Quốc hội thảo luận một số dự luật như: Luật đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật an toàn vệ sinh lao động; Bộ luật Dân sự (sửa đổi)… Trong nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 vào ngày thứ hai, Quốc hội sẽ quyết định phương án tăng lương. UBTV Quốc hội đã lựa chọn phương án 2 (trong 3 phương án Chính phủ trình), đó là kể từ ngày 1/1/2015, Chính phủ sẽ dành khoảng 11,1 nghìn tỷ đồng từ khoản vượt thu năm 2014 để điều chỉnh tăng lương cho 3 nhóm đối tượng là người hưu trí, người có công và cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương dưới 2,34