Trả lời chất vấn,Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhiều lần được nhắc nhở phải trọng tâm, trọng điểm

Thứ Năm, 13/06/2013, 16:22
Là người thứ hai đăng đàn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hoàng Tuấn Anh đối diện rất nhiều vấn đề nóng phân tán ở nhiều lĩnh vực. Do rơi vào kể lể dài dòng, ông nhiều lần bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở, yêu cầu phải “trọng tâm, trọng điểm”.

Đã có một buổi chiều trước đó quan sát, lắng nghe kinh nghiệm trả lời chất vấn nên vị “tư lệnh” ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch “nhập cuộc” khá tự tin. Tuy nhiên, chất vấn dành cho Bộ trưởng sáng nay trải đều trên cả ba lĩnh vực như tên gọi của Bộ này, nhiều câu lặp lại khiến ông cũng lặp lại chính trong cách trả lời của mình.

Nhận thấy nhiều thời điểm sa vào kể lể quá dài, người điều khiển phiến chất vấn - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhắc “đề nghị Bộ trưởng nói gọn lại, trả lời thẳng vào trọng tâm câu hỏi”. Phiên chất vấn có nhiều tiếng cười, vừa bày tỏ sự hài lòng nhưng cũng còn đó sự quan ngại.

Chất vấn của các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tập trung vào các nhóm vấn đề như: giải pháp căn cơ để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; chấn chỉnh những tiêu cực trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Ngăn chặn việc lưu hành, kinh doanh các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, tạo sự chuyển biến về văn hóa, đạo đức xã hội; và hạn chế tình trạng tổ chức lễ hội, míttinh, kỷ niệm tràn lan, lãng phí cũng là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra với vị “tư lệnh” ngành văn hóa.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng đối diện với những chất vấn về tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; chấn chỉnh, ngăn chặn những tiêu cực như vấn nạn “chặt chém” và đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, gắn du lịch với văn hóa các vùng miền; đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, trong đó có thể thao thành tích cao, khắc phục những tiêu cực trong lĩnh vực này…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi nóng: “Ngành du lịch không phát triển xứng tiềm năng, Bộ trưởng có khắc phục được không, đến 2020 thì thế nào?” Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh gỡ gạc: “Khắc phục cũng phải quá trình. Vấn đề là phải tuyên truyền, quảng bá như thế nào”. Ông lấy ví dụ, như Thanh Hóa làm chiến dịch bàn tay sắt, lập đường dây nóng, huy động liên ngành, có việc là giải quyết ngay...

Tuy nhiên, điều khiển phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng quan ngại những giải pháp không có gì mới của “tư lệnh”. Chủ tịch hỏi: “Đến 2020, theo chiến lược phát triển du lịch, sẽ phát triển đến đâu, có sánh vai các nước trong khu vực hay không?”. Bộ trưởng Tuấn Anh giải thích, chiến lược này đang được chú trọng, doanh thu khi đó sẽ đạt 18 đến 20 tỷ đô la, nhưng trước mắt đến 2015, doanh thu khoảng 9-10 tỷ đô la. “Tiềm năng lớn nhưng phải phấn đấu nhiều, cố gắng nhiều” - ông nói. “Như vậy, đến 2020 chưa có ngang tầm gì được” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chốt.

Trong những chất vấn sau đó, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh giải đáp các các câu hỏi về bảo tồn di tích, về quốc hoa, quốc tửu, đại sứ du lịch, về lối sống văn hóa, nhạc cụ... Nghe trả lời dàn trải, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chốt: “Bộ trưởng nói gọn thôi, bây giờ tu bổ tu di tích, tôn tạo đang xuống cấp, vậy làm đến đâu? Xuống cấp thì đúng rồi, nhưng có hư hỏng không, phải trả lời dứt điểm”. Chủ tịch cũng gợi ý, nghệ thuật, biểu diễn có thị hiếu tầm thường, rồi quản lý, sản xuất văn hóa phẩm độc hại, có ngăn chặn được không, Bộ trưởng phải nói rõ chứ không kể lể nhiều...

Đại biểu Trương Thị Ánh (Thanh Hóa) hỏi, Bộ đang tìm kiếm ý kiến đại sứ du lịch, quốc hoa, quốc phục. “Ảnh hưởng những nội dung này đối với đời sống văn hóa thế giới ra sao? Về văn hóa đọc giới trẻ, suy giảm đạo đức, trách nhiệm thế nào”? Về những vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chốt: “Đối với những nhận định của đại biểu, đề nghị Bộ trưởng khẳng định đúng hay không?”.

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kể khá dài. Ông cho rằng, quốc hoa đã bàn nhiều, còn quốc phục đã xây dựng đề án, đã làm hội thảo, lấy ý kiến. Đó là cải tiến bộ comple và áo dài thế nào. Nhưng câu chuyện này còn phải tiếp tục, chưa có kết quả được”.

Nghe trả lời, nhiều đại biểu cười... “Về vấn đề quốc hoa, tại kỳ họp trước đã có chất vấn, rồi quốc phục, còn có cả quốc tửu nữa” -Bộ trưởng viện dẫn. Bộ trưởng giải thích: “vấn đề quốc hoa, Bộ đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân ở ba vùng miền Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Đại bộ phận người dân ủng hộ đồng tình với hình ảnh hoa sen. Tôi thấy đại biểu Nguyễn Thị Kim Ngân mặc áo dài rất đẹp và có thêu hình bông hoa sen”...

Sự viện dẫn của Bộ trưởng khiến hội trường vang tiếng cười. Ông nói, trong Hiến pháp không quy định gì về quốc hoa. Và sắp tới khi sửa đổi Hiến pháp ngành văn hóa sẽ kiến nghị cần có phần này.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chiến lược phát triển và quy hoạch du lịch. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư vào phát triển du lịch.

Nếu như năm 1995, ngành du lịch đóng góp vào GDP là 3,21% thì đến 2012, con số này đã lên tới gần 6%. Mặc dù trong 5 tháng đầu năm 2013, doanh thu của ngành du lịch giảm 1,94%, nhưng tổng doanh thu lại tăng lên 6% so với cùng kỳ năm 2012. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, tình trạng đeo bám, chặt chém khách du lịch cũng như giá cả sản phẩm, dịch vụ du lịch quá cao so với thực tế đã ảnh hưởng xấu tới ấn tượng của khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam.

Thực chất, tình trạng trên không phải bây giờ mới có mà gần đây, vấn đề này đã rộ lên, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo giải quyết những vấn đề ảnh hưởng lớn tới hình ảnh du lịch Việt Nam. Sắp tới, du lịch trong nước phải ưu tiên đến chất lượng, dịch vụ du lịch phải tập trung theo chiều sâu...

Đ.Trường
.
.
.